Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định

Cập nhật, 15:53, Thứ Năm, 21/05/2015 (GMT+7)

Báo cáo của Chính phủ về việc bổ sung kết quả phát triển kinh tế- xã hội năm 2014, những tháng đầu năm 2015, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Tuy nhiên, việc triển khai tái cơ cấu kinh tế còn chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, đang là những thách thức cần có giải pháp trong thời gian tới.

Theo đánh giá, việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế còn chậm; chất lượng, hiệu quả chưa có cải thiện nhiều. Ảnh: DƯƠNG THU
Theo đánh giá, việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế còn chậm; chất lượng, hiệu quả chưa có cải thiện nhiều. Ảnh: DƯƠNG THU

2014: tăng trưởng phục hồi

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao trong năm 2014, có 10 chỉ tiêu đạt cao hơn so với số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội. So với kế hoạch năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo (đạt 49%, chỉ tiêu 52%). Đặc biệt, sự tăng trưởng được phục hồi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; tăng trưởng GDP cao hơn 2 năm trước, sau 4 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm thì năm 2014 là năm đầu tiên có mức tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra.

Cụ thể, trong năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 4,09%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,98% (chỉ tiêu là trên 5,8%).

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch đề ra, mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối tương đối ổn định; cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư; dự trữ ngoại tệ nhà nước tăng mạnh và đạt mức cao nhất so với trước đây.

Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, là năm thứ ba liên tục có xuất siêu. Đây là năm kinh tế- xã hội nước ta phát triển với những tín hiệu tích cực, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới. Việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế còn chậm, chất lượng, hiệu quả chưa có cải thiện nhiều. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về thị trường tiêu thụ và khả năng cạnh tranh. Chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chưa thật rõ nét, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đời sống của một bộ phận nhân dân ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn, kết quả giảm nghèo ở một số nơi chưa thực sự bền vững.

Quý I/2015: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định

Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm 2015 tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp. Tăng trưởng GDP quý I/2015 ước đạt 6,03%, là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Chỉ số giá tiêu dùng cùng kỳ tăng thấp tạo điều kiện để thực hiện cải cách về giá sản phẩm, dịch vụ công theo cơ chế thị trường, đồng thời giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Tiến độ thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt khá, tổng thu ước đạt 314.100 tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng tăng, lãi suất giảm; tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 2,78% (cùng kỳ năm 2014 tăng 0,53%). Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ổn định so với tháng trước; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định.

Tuy nhiên, trong quý I, nền kinh tế cũng còn nhiều khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển. Xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng cao so với quý I các năm trước; khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,2% so với cùng kỳ. Tai nạn giao thông, tai nạn lao động còn nhiều vụ nghiêm trọng. Đời sống nhân dân ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.

Với đà phục hồi tăng trưởng trong quý I, tình hình kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định và là điều kiện quan trọng nhất cho sự phát triển nền kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, những khó khăn đối với phát triến kinh tế còn rất lớn; năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh thấp. Đây sẽ là thách thức rất lớn khi thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay.

Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2011- 2015), do vậy nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2015 là rất nặng nề, có ý nghĩa rất quan trọng đến việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011- 2015 và tạo cơ sở cho việc phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn 2016- 2020.

Để đạt được các mục tiêu đó, Chính phủ đã có giải pháp tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, của nền kinh tế. Căn cứ vào những dự báo, Chính phủ vẫn giữ nguyên mục tiêu phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2015 từ 6,2% hoặc cao hơn.

THANH TÂM