Bảo đảm cho nền kinh tế bền vững

Cập nhật, 07:14, Thứ Sáu, 12/09/2014 (GMT+7)


Việc lập kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo với mục tiêu đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững.

Vĩnh Long đang khẩn trương triển khai thực hiện xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm giai đoạn 2016- 2020, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 22 và 23, các chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh vừa được ban hành và các khung hướng dẫn lập các kế hoạch.

Chỉ đạo các ngành, UBND cấp huyện trong xây dựng kế hoạch, ông Trương Văn Sáu- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là: giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân.

Xây dựng mục tiêu tăng trưởng phù hợp

Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn, biểu mẫu tới các ngành, UBND cấp huyện- thị- thành với những yêu cầu, nội dung cụ thể trong tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2015- 2020.
 
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đúng tình hình và kết quả thực hiện với Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp, Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2011- 2015.

Đồng thời dự báo tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh, tình hình trong nước và thế giới để từ đó xác định mục tiêu, định hướng phát triển của kế hoạch 5 năm 2016- 2020. Lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016- 2020 theo từng nguồn vốn (kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài...) theo các nguyên tắc phù hợp khả năng cân đối nguồn vốn, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội...

Việc triển khai kế hoạch 5 năm 2016- 2020 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến khó lường; trong nước, trong tỉnh còn không ít khó khăn. Dù vậy, ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc lập kế hoạch kinh tế- xã hội 5 năm 2016- 2020 phải được gấp rút làm nhanh, hết sức kỹ lưỡng để kịp hoàn thành cuối năm nay.

Đánh giá tình hình kinh tế- xã hội 2011-2020 phải trung thực, khách quan, chính xác, làm nền cho việc xây dựng kế hoạch giai đoạn tiếp theo và dự báo phấn đấu tăng trưởng kinh tế- xã hội hợp lý, phù hợp định hướng phát triển khi Việt Nam hướng tới trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Đối với lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, ông Phan Anh Vũ lưu ý các ngành, các cấp cần tập trung vào mục tiêu trọng điểm của ngành, địa phương, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội chung. Phải hết sức chú ý vấn đề quản lý và sử dụng vốn đầu tư công theo Luật Đầu tư công bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2015.

Chỉ đạo các ngành, UBND cấp huyện trong xây dựng kế hoạch, ông Trương Văn Sáu nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là: giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trường, bảo đảm cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân.
 
Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm quốc phòng- an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Củng cố và mở rộng các quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế.

Bám sát tình hình kinh tế- xã hội

Để đạt được những mục tiêu trên, ông Trương Văn Sáu chỉ đạo các ngành, các địa phương phải chú ý các nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt lưu ý “phải đánh giá sát tình hình của tỉnh. Bởi việc lập kế hoạch kinh tế- xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã qua rồi thời đánh giá không sát thực tế”.

Hơn nữa, các ngành, địa phương phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn. “Không nhất thiết các dự án phải là công trình cống, đê, kè… mà cần tập trung những dự án, công trình có khả năng tạo đột phá, làm động lực khai thác thế mạnh tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội. Như đầu tư vào nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản… chẳng hạn”- ông Trương Văn Sáu nhấn mạnh.

Tại chỉ thị về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long 5 năm 2016- 2020 vừa được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành, đặt ra các mục tiêu cụ thể như:

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm 2016- 2020 tăng khoảng 6,5- 8%/năm (theo giá so sánh năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 1- 1,5%.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Triển khai quyết liệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, lĩnh vực, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong đó, nhiệm vụ là xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016- 2020 của tỉnh phải bám sát các Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ về Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2011- 2020 của cả nước, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020...

Do nội dung xây dựng các kế hoạch nhiều, có nhiều điểm mới, vì vậy, UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị phải hết sức chủ động và phối hợp chặt chẽ với tinh thần trách nhiệm cao để triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, đảm bảo các kế hoạch hoàn thành đúng thời gian, đạt chất lượng.

Đánh giá giai đoạn 2011-2015: tập trung đánh giá kết quả đạt được về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… Kết quả thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng nhiệm và nghị quyết HĐND các cấp nhiệm kỳ 2010- 2015.

Các đột phá về phát triển nguồn nhân lực và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế (đầu tư công, hệ thống các ngân hàng thương mại, ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…); các chương trình hành động của Tỉnh ủy…

Đánh giá những mặt tồn tại, hạn chế, yếu kém; trong đó đánh giá sâu các nguyên nhân chủ quan để có giải pháp khắc phục trong thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016- 2020.

Bài, ảnh: LÝ AN