Nền kinh tế đang phục hồi và có tăng trưởng tích cực

Cập nhật, 06:47, Thứ Tư, 21/05/2014 (GMT+7)

Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp lần 7 Quốc hội khóa XIII về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 cho thấy, nền kinh tế nước ta đang phục hồi và có chuyển biến tích cực.  


Trong 4 tháng
doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng về số và vốn, trong đó có hơn 5.800 ngàn doanh nghiệp trở lại hoạt động.

* Nền kinh tế đang phục hồi

Trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2013, có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 3 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch (tốc độ tăng trưởng GDP, tạo việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo); 2 chỉ tiêu không đạt (tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ giảm hộ nghèo).  

Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng cả năm là 6,04%; dư nợ tín dụng cả năm tăng 12,5%; tỷ lệ nợ xấu giảm còn 3,63%. Tỷ giá được duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối tăng.

Đến cuối năm 2013 nợ công bằng 53,4% GDP trong giới hạn bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 30,4% GDP; văn hoá, xã hội có bước phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện.

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 7,8%. Chính trị- xã hội ổn định. Quốc phòng- an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững.

Kết quả trên cho thấy, một số chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2013 khẳng định rõ hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Những nhận định, đánh giá trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013 vẫn phù hợp và cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội.

Ngay từ đầu năm 2014, Chính phủ đã ban hành và tập trung chỉ đạo quyết liệt và đã bám sát mục tiêu, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, kinh tế- xã hội những tháng đầu năm đạt kết quả tích cực.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm.
 
Tỷ giá, thị trường ngoại hối được duy trì ổn định. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng tăng 16,9%. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2014 tăng 4,96%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Cả 3 khu vực nông- lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 5,4%
. Sản xuất nông- lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định. Trong 4 tháng, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 8,1% về số doanh nghiệp và 16,2% về vốn; đã có hơn 5.800 doanh nghiệp trở lại hoạt động.

* Nhiệm vụ vẫn còn nặng nề

Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014 xác định mục tiêu tổng quát là: “Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế...”.   

Tuy vậy, tình hình kinh tế- xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, chứa đựng nhiều rủi ro. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc.
 
Tăng trưởng tín dụng thấp; việc xử lý nợ xấu còn chậm; cơ chế, chính sách xử lý tài sản đảm bảo còn nhiều vướng mắc, bất cập. Nhiều cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh chậm đi vào cuộc sống (như gói hỗ trợ tín dụng nhà ở cho người có thu nhập thấp, hỗ trợ lãi suất đối với tôm, cá tra, tái canh cây cà phê, việc đơn giản hóa thủ tục thuế, hải quan…).  

Ngoài ra, một số vấn đề gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội: việc làm, thu nhập và đời sống một bộ phận dân cư, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn; nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc, việc làm không ổn định hoặc không đúng ngành nghề đào tạo.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm còn những mặt hạn chế.
Tình hình biển Đông đang diễn biến căng thẳng, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định và phát triển chung của khu vực và thế giới.

Trước những khó khăn trên, Chính phủ đã ra một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới tiếp tục thực hiện nhất quán nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung xử lý nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn; rà soát, loại bỏ các rào cản, vướng mắc; cải cách chính sách thuế, phí, lệ phí...

Nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện có hiệu quả đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực.  

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp ở biển Đông, nhiệm vụ còn lại của năm 2014 rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm cao, đoàn kết một lòng, đồng thuận trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị.
 
Chính phủ mong muốn cả hệ thống chính trị đoàn kết, nỗ lực phấn đấu tạo chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa trên các mặt công tác, quyết tâm hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011- 2015.

Bài, ảnh: THANH TÂM