Bệnh tay chân miệng tăng,  cần chủ động phòng tránh

22:04, 26/10/2024

Tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm xảy ra nhiều ở trẻ em, lây lan qua đường tiêu hóa và dễ bùng phát thành dịch. Tại Vĩnh Long từ cuối tháng 9 đến nay số ca mắc bệnh TCM không ngừng tăng, ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Phụ huynh và các trường mầm non, mẫu giáo cần chủ động thực hiện vệ sinh phòng bệnh nhất là trong thời điểm bệnh tay chân miệng gia tăng như hiện nay.
Phụ huynh và các trường mầm non, mẫu giáo cần chủ động thực hiện vệ sinh phòng bệnh nhất là trong thời điểm bệnh tay chân miệng gia tăng như hiện nay.


Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến 20/10, toàn tỉnh ghi nhận gần 1.250 trường hợp mắc bệnh TCM. Riêng từ cuối tháng 9 đến nay, trung bình mỗi tuần toàn tỉnh ghi nhận khoảng 90 trường hợp mắc bệnh TCM tăng gần gấp 3 lần so với các tuần của tháng trước và bệnh còn đang có chiều hướng gia tăng. Điều đáng lo là số trường hợp phải nhập viện điều trị khá cao và tập trung phần lớn ở trẻ dưới 5 tuổi.


Chăm con trai 4 tuổi đang điều trị bệnh TCM tại Khoa Nhi Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, chị Lê Thu Nga (phường Tân Hội, TP Vĩnh Long) cho biết: “Bé đi học về hầm hầm, rồi nổi mẩn đỏ tay chân nên em cho bé nghỉ học. Vô bệnh viện khám bác sĩ nói con bệnh TCM, nằm viện 3 ngày, bác sĩ theo dõi kỹ nên con cũng khỏe hơn rồi. Ở trường, các cô cũng thông báo cho lớp con nghỉ học vì có mấy bé bị bệnh TCM”. 


Theo các bác sĩ, hầu hết bệnh TCM tự khỏi. Bệnh xảy ra ở trẻ nhiều lần là điều bình thường vì mỗi lần bệnh do nhiễm loại virus khác nhau. Nhiều trẻ đã khỏi bệnh TCM nhưng nếu tiếp xúc với nguồn lây vẫn có nguy cơ mắc bệnh, bởi miễn dịch ở trẻ đối với bệnh TCM không bền vững.


Bệnh TCM hiện nay chưa có thuốc phòng và chữa khỏi nhưng phát hiện sớm và can thiệp ngay khi trở nặng sẽ cứu sống trẻ nhiều hơn. Bệnh lúc đầu có thể chỉ sốt nhẹ, ho khan, nổi ban… giống như nhiễm virus thông thường khác. Sau đó, trẻ xuất hiện các nốt ban đỏ bóng nước trên tay, chân, mông và đôi khi là niêm mạc miệng…


Bệnh có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Song, nhiều trường hợp chỉ phát ban rất ít, vài chấm nhỏ trong họng và tay, chân, nên dễ bỏ sót. Bệnh TCM nếu không được chăm sóc đúng cách và điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhà khi thấy có bất thường. 


“Dấu hiệu rõ ràng của bệnh TCM có thể nhận biết được là nổi ban và 2 dấu hiệu điển hình của trẻ biểu hiện bệnh TCM nặng là trẻ đang tỉnh nhưng sốt không đáp ứng hạ sốt; trẻ ngủ nhưng giật mình chới với, hốt hoảng. Khi trẻ có 2 triệu chứng này thì phụ huynh cần nghĩ đến bệnh TCM. Trẻ mắc TCM có thể diễn tiến nặng trong 5 ngày đầu, đặc biệt trong 3 ngày đầu tiên sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt nhưng không thuyên giảm là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, cần phải đưa đến bệnh viện ngay”- BS.CK1 Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng Khoa Nhi Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, cho biết.

 


BS Tuyết Mai nhấn mạnh, các phụ huynh cần đưa trẻ nhập viện ngay khi trẻ có các dấu hiệu sau: Sốt từ 39 độ C trở lên hoặc kéo dài từ 48 giờ trở đi; nôn; ngủ giật mình chới với; quấy khóc, bứt rứt. Lưu ý, cha mẹ cần quan sát để nhận thấy bất thường khi trẻ bệnh. Hiện tượng giật mình chới với ở trẻ mắc TCM thường xuất hiện ở đầu giấc, khi trẻ mới chỉ bắt đầu ngủ. Trẻ có thể giật mình, giơ các chi lên cao và hạ xuống, rồi tiếp tục ngủ bình thường. Tần suất giật mình từ 2 lần trong vòng 30 phút là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.

Ngành y tế Vĩnh Long dự báo, bệnh TCM diễn biến phức tạp và có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới. Ngành sẽ giám sát chặt chẽ tình hình bệnh, đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về các biện pháp phòng bệnh TCM cho trẻ. BS Tuyết Mai khuyến cáo: “Phụ huynh hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh. Nếu mắc bệnh nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan. Luôn giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ. Thường xuyên rửa tay và nhắc trẻ rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh”.
 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo cần tăng cường dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho trẻ, tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh mũi họng, rửa tay thường xuyên bằng xà bông và dung dịch sát khuẩn. Trẻ nghi ngờ bệnh hoặc mắc bệnh phải được cách ly, không cho tiếp xúc trẻ lành. Ðồng thời, theo dõi những dấu hiệu bệnh để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh