Suy thận ngày càng trẻ hóa

09:07, 05/07/2024

Số lượng bệnh nhân (BN) suy thận (ST) mạn tính đang có xu hướng gia tăng, nguyên nhân do bệnh thường diễn biến âm thầm, rất khó phát hiện khiến phần lớn BN đều chủ quan.

 

Bệnh nhân trẻ bị suy thận mạn tính lọc máu định kỳ tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long.
Bệnh nhân trẻ bị suy thận mạn tính lọc máu định kỳ tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long.

Số lượng bệnh nhân (BN) suy thận (ST) mạn tính đang có xu hướng gia tăng, nguyên nhân do bệnh thường diễn biến âm thầm, rất khó phát hiện khiến phần lớn BN đều chủ quan.

Nguyên nhân khiến suy thận trẻ hóa

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5 triệu BN đang bị ST, khoảng 26.000 BN bị ST mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8.000 ca mắc mới mỗi năm. Đáng lo ngại hơn, trong những năm trở lại đây, tỷ lệ BN trẻ tuổi mắc bệnh và phải lọc máu chu kỳ tăng 5-10%, trở thành gánh nặng cho y tế, gia đình và xã hội.

Nếu như trước đây, bệnh ST chỉ xuất hiện ở nhóm người trên 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18-30 tuổi chiếm đến 25%.

Tình trạng BN ST mạn tính đang ngày càng trẻ hóa, số người cần phải lọc máu tiếp tục có xu hướng tăng là thách thức không hề nhỏ đối với ngành y tế và là hồi chuông báo động tới tất cả mọi người. Đặc biệt, ST thường diễn tiến âm thầm, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng biến chứng ST giai đoạn cuối. Lúc này, BN buộc phải lọc máu hoặc ghép thận.

Tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long, thống kê Khoa Lọc máu, hiện đang tiếp nhận trên 250 BN lọc máu chạy thận định kỳ, trong đó có gần 100 người tuổi dưới 45 chiếm 40%. Mỗi tuần, các BN này phải đến khoa chạy thận lọc máu 3 lần với thời gian lọc máu kéo dài từ 3,5-4 tiếng đồng hồ/ca.

Ở tuổi 31, em N.C.H. (xã Mỹ An, huyện Mang Thít) cũng bất ngờ khi bị ST giai đoạn cuối. Theo đánh giá của bác sĩ, trước khi em H. bị ST mạn tính giai đoạn cuối thì đã mắc bệnh tăng huyết áp, nhưng trong suốt khoảng thời gian lại không có dấu hiệu nào cảnh báo, khiến bệnh cứ âm thầm tiến triển và chuyển nặng.

“Em vô bệnh viện lọc máu tuần 3 lần hơn 1 năm nay rồi. Em biết bị cao huyết áp cũng lâu nhưng chủ quan không uống thuốc thường xuyên, rồi đến khi mệt, ăn vô ói hoài em đi khám thì bị ST giai đoạn cuối rồi”- em H. cho biết.

BN nam Đ.N.T. (28 tuổi, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm) cho biết mình không có triệu chứng gì, chỉ mệt, đau đầu, đi khám thì phát hiện tăng huyết áp, song chủ quan không điều trị. “Nhưng rồi em cứ đau đầu, mệt đi khám phát hiện ST giai đoạn cuối, phải điều trị lọc máu cấp cứu ngay. “Hơn năm nay em chạy thận lọc máu tại bệnh viện, mắc bệnh nên em không có đủ sức khỏe lao động, sống phụ thuộc vào gia đình. Bác sĩ nói em phải sống chung với căn bệnh này suốt đời”- em T. buồn bã nói.

Nếu như trước đây, ST bắt gặp chủ yếu ở những người có bệnh nền hoặc do di truyền, thì nay nhiều BN lại không rõ nguyên nhân, không có những triệu chứng rõ ràng, chỉ đến khi đi khám, nhiều BN mới biết mình đã ST ở giai đoạn nguy hiểm cần phải lọc máu hoặc ghép thận.

Nhiều lý do gây bệnh

Các chuyên gia cho hay đa số BN có các bệnh đồng mắc và tăng nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm như suy tim, ST... Ghép thận là biện pháp cho giai đoạn cuối cùng khi không còn phương pháp điều trị.

Đầu tháng 5/2024, BVĐK Trung ương Cần Thơ thực hiện ca ghép thận đồng huyết thống cho người bệnh ST mạn tính đầu tiên đã được thực hiện thành công tại bệnh viện. Cách đây 6 năm, BN V.D.K. (34 tuổi, quê Bến Tre) thấy mờ mắt nên đi khám, được chẩn đoán tăng huyết áp, ST mạn tính được điều trị nội khoa. Đến năm 2022, BN bị phù, khó thở nhập viện BVĐK Trung ương Cần Thơ, được chẩn đoán ST mạn tính giai đoạn cuối, chỉ định lọc máu cấp cứu, đồng thời tiến hành thẩm phân phúc mạc.

Theo ThS.BS Tăng Văn Mến- Phó Trưởng Khoa Lọc máu BVĐK tỉnh Vĩnh Long, nguyên nhân của bệnh ST mạn tính, đầu tiên là do những tổn thương cầu thận không được điều trị kịp thời. Thực trạng BN ST ở độ tuổi còn rất trẻ gia tăng là do nguyên nhân có liên quan đến việc số người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao cũng đang trẻ hóa. Ngoài ra, một số BN bị ST mạn tính còn do yếu tố di truyền.

“Triệu chứng của bệnh ST thường mơ hồ, không có các biểu hiện rõ ràng, dễ bị bỏ qua, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể. Khi bệnh xuất hiện những biểu hiện lâm sàng thì BN đã ở giai đoạn cuối phải chỉ định lọc máu chu kỳ, nếu không được lọc máu sẽ gây ra các biến chứng và thậm chí là tử vong. ST mạn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính”- BS Văn Mến cho biết.

ST mạn tính là căn bệnh có thể đe dọa đến tính mạng. Để phòng tránh và phát hiện kịp thời, mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh bằng cách cụ thể như ăn ít muối, uống đủ nước, tăng cường vận động, có chế độ dinh dưỡng cân bằng giữa đạm động vật và đạm thực vật.

“Người dân nên đi khám sức khỏe ít nhất một năm một lần, thử nước tiểu cần kiểm soát đường huyết, huyết áp, cân nặng, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, kiểm tra chức năng thận nếu có yếu tố nguy cơ… Ngoài ra, những người mắc các bệnh như đái tháo đường, gout, tăng huyết áp cần chú ý tránh để biến chứng sang ST”- Phó Trưởng Khoa Lọc máu BVĐK tỉnh Vĩnh Long khuyến cáo.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi đã mắc bệnh ST, người bệnh cần chú ý không nên ăn thức ăn chứa nhiều muối, thực phẩm nhiều chất đạm và kali (có nhiều ở trái cây và rau quả như chuối, mãng cầu, nước dừa), không uống nhiều nước... Với những BN đã chạy thận nhân tạo, còn cần phải tuân thủ đúng số lần đến bệnh viện chạy thận, không bỏ bất kỳ lượt nào.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh