Để bệnh trĩ không còn là nỗi lo

09:07, 12/07/2024

Bệnh trĩ là bệnh phổ biến ở cả nam và nữ, gây nhiều bất tiện trong cuộc sống và sinh hoạt. Đây là bệnh của vùng nhạy cảm nên nhiều bệnh nhân (BN) ngại đi khám cho đến khi bệnh nặng hoặc có biến chứng.

(VLO) Bệnh trĩ là bệnh phổ biến ở cả nam và nữ, gây nhiều bất tiện trong cuộc sống và sinh hoạt. Đây là bệnh của vùng nhạy cảm nên nhiều bệnh nhân (BN) ngại đi khám cho đến khi bệnh nặng hoặc có biến chứng.

Bệnh trĩ không đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ vì hiện nay có các phương pháp mổ trĩ không đau.
Bệnh trĩ không đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ vì hiện nay có các phương pháp mổ trĩ không đau.

Nỗi ám ảnh của nhiều người

Trĩ là bệnh phổ biến ở Việt Nam, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng. Các lứa tuổi khác nhau có thể mắc bệnh, nhiều nhất ở độ tuổi 40-60.

Theo nghiên cứu của Hội Hậu môn trực tràng học Việt Nam, tỷ lệ mắc trĩ ở nước ta là 35-50%. Tỷ lệ nữ tuy mắc trĩ nhiều hơn nam (chiếm 61%) nhưng nam giới bị ảnh hưởng và dễ gặp biến chứng hơn nữ giới.

Bệnh trĩ không được điều trị lâu ngày sẽ làm cho toàn thân thiếu máu mạn tính, sút cân, giảm thể lực, có thể tắc mạch, chảy máu, hoại tử trĩ…

Là nhân viên văn phòng, thường xuyên ngồi nhiều nên chị N.H.T. (TP Vĩnh Long) bị bệnh trĩ. “Sau khi sinh 2 con, chị thường bị đau vùng hậu môn, thi thoảng đại tiện ra máu tươi.

Do bệnh ngay vùng nhạy cảm nên chị cũng ngại khám, chị uống thuốc giảm đau và uống nước nhiều, ăn đồ mát cho giảm đau.

Nhưng cứ ngồi đau hoài, ảnh hưởng đến cuộc sống nên chị đi khám thì bác sĩ nói bệnh trĩ và cần can thiệp mổ”- chị T. chia sẻ.

Mặc dù bệnh trĩ phổ biến như vậy nhưng vì tính chất nhạy cảm, khó nói nên nhiều người lựa chọn sống chung âm thầm với căn bệnh này. Anh B.V.T. (xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm) cũng bị trĩ khá lâu nhưng ngại khám. “Gần đây đau, khó chịu, đại tiện ra máu nhiều, rồi búi trĩ bị sa ra ngoài, cộm vướng víu khó chịu nên anh mới đi khám”.

Theo BS.CK2 Trần Hiếu Nhân- Khoa Ngoại, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu Cần Thơ, bệnh trĩ xuất hiện do sự gia tăng áp lực trong các tĩnh mạch của hậu môn trực tràng.

Tình trạng tăng áp lực này có thể do thai nghén, thường xuyên vác nặng, hoặc rặn mạnh nhiều khi đại tiện (ví dụ do táo bón).

Bệnh trĩ cũng hay gặp ở những người phải làm công việc ở tư thế ngồi quá lâu như nhân viên văn phòng, người có chế độ ăn ít chất xơ, thường xuyên táo bón.

Một thói quen gần đây cũng gây nên bệnh trĩ là: khi đi vệ sinh chúng ta vẫn ngồi trên bồn cầu sử dụng điện thoại lâu sau khi đã đại tiện. Điều này làm tăng áp lực các tĩnh mạch trĩ lâu hơn dẫn đến tăng nguy cơ bệnh trĩ hơn.

“Bị bệnh trĩ, BN có cảm giác rất đau nhưng nó không đe dọa đến tính mạng và việc điều trị không quá khó. Dù vậy, nếu chủ quan, mà không chữa trị từ khi bệnh ở giai đoạn đầu, BN có thể bị nặng hơn. Khi đó rất khó điều trị phải can thiệp bằng phẫu thuật và kết quả điều trị sẽ không cao”- BS Hiếu Nhân cho biết.

Điều trị không khó

BS.CK2 Trần Hiếu Nhân khuyến cáo trĩ có thể không có triệu chứng, chảy máu đỏ tươi ngay sau đại tiện là triệu chứng thường gặp hoặc chỉ đơn giản là búi trĩ trồi ra. Bệnh trĩ thường không hay gây ngứa hậu môn, trừ khi trĩ bị sa nhiều.

Bác sĩ khuyến cáo BN trĩ thường kèm theo các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng như sa sàn chậu, rò hậu môn, áp xe hậu môn, nứt kẽ hậu môn, u trực tràng, sa niêm mạc trực tràng, sa sinh dục, táo bón, són tiểu… nên tuyệt đối không sử dụng các phương pháp thiếu cơ sở khoa học.

Tùy theo từng cấp độ bệnh mà bác sĩ sẽ kết hợp nhiều phương thức điều trị với mục đích tăng tính hiệu quả và giảm thiểu tối đa các biến chứng. Điều trị triệu chứng: chất làm mềm phân, ngâm hậu môn với nước ấm, thuốc giảm đau…

Phẫu thuật cắt trĩ là bắt buộc đối với những BN không đáp ứng với các hình thức điều trị khác và đối với những người mắc bệnh trĩ nội độ IV và trĩ ngoại có biến chứng, trĩ vòng sa.

Để điều trị bằng các phương pháp phù hợp, BN cần được thăm khám và có sự chỉ định của bác sĩ. Sau phẫu thuật, BN được hướng dẫn chi tiết chế độ ăn uống, luyện tập vùng sàn chậu và theo dõi định kỳ kết hợp với bổ trợ bằng thuốc mới hy vọng khỏi bệnh.

Việc phòng ngừa bệnh trĩ và phòng tránh bệnh tái phát sau khi phẫu thuật là cần thiết cho tất cả mọi người.

Theo BS Hiếu Nhân, khi có các triệu chứng táo bón trong một thời gian dài, đại tiện chảy máu hay thường xuyên bị kích thích, ngứa hậu môn, đau rát khi đại tiện… người bệnh cần thăm khám tại các cơ sở uy tín để được chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, nhất là các kỹ thuật ít xâm lấn nhằm hồi phục sức khỏe, nâng cao chất lượng sống, giảm nguy cơ biến chứng và tái phát sau điều trị.

Để phòng bệnh, cần vệ sinh hậu môn sau đại tiện, tránh táo bón, tránh ngồi lâu; ăn nhiều chất xơ, rau xanh, trái cây, uống đủ nước; vận động, tập thể dục thể thao…

Tuyệt đối không tự điều trị tại nhà, điều này rất nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Để ngăn ngừa trĩ tái phát, sau phẫu thuật BN vẫn cần kết hợp ăn uống như vậy và kiêng chất cay nóng, kích thích. Nếu xác định được nguyên nhân gây bệnh, nên kết hợp dùng thuốc điều trị.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh