Trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, có biết bao cống hiến thầm lặng của đội ngũ những người làm nghề y. Sự cống hiến, tận tâm và hy sinh vì lý tưởng nghề nghiệp mà y, bác sĩ theo đuổi để hoàn thành sứ mệnh chăm sóc bảo vệ sức khỏe Nhân dân của mình.
Ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, buộc các y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và chống độc phải làm việc với áp lực và cường độ rất lớn, nên cũng hết sức vất vả. |
Trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, có biết bao cống hiến thầm lặng của đội ngũ những người làm nghề y. Sự cống hiến, tận tâm và hy sinh vì lý tưởng nghề nghiệp mà y, bác sĩ theo đuổi để hoàn thành sứ mệnh chăm sóc bảo vệ sức khỏe Nhân dân của mình.
Những giây phút giành sự sống cho người bệnh
Không giống như những khoa bệnh khác, Khoa Hồi sức tích cực chống độc (BVĐK Vĩnh Long) ngày cũng như đêm, những bước chân của y, bác sĩ luôn vội vã. Ở căn phòng cách ly này, là một không khí hết sức căng thẳng bởi rất nhiều âm thanh lúc đều đều, tích tắc, lúc thúc giục của các thiết bị y tế đủ loại, ánh điện không bao giờ tắt.
Không gian khoa chỉ có những bệnh nhân (BN) với hệ thống máy móc trợ thở, xông thức ăn. Cùng với đó là sự hoạt động liên tục “xoay như chong chóng” của các y, bác sĩ. Nơi mà cường độ làm việc luôn gấp gáp, khẩn trương, nơi thường phải đối mặt với những ca bệnh nặng “thập tử nhất sinh”.
Nơi đây, không có khái niệm ngày và đêm, không có khái niệm về lễ, tết… “Không chỉ điều trị mà toàn bộ mọi hoạt động theo dõi, chăm sóc BN đều do bác sĩ, điều dưỡng luôn trong tình trạng trực chiến từng giờ, từng phút để căng mình giành giật từng mạng sống cho BN”- BS.CK1 Phùng Văn Tấn- cho biết.
Bên hành lang của khoa, chị Nguyễn Thị Hai (xã Tân Lộc, huyện Tam Bình) chia sẻ về tấm lòng của thầy thuốc khi hơn tháng nay, anh em chị thay phiên túc trực nuôi mẹ bị đột quỵ, viêm phổi nặng.
“Tưởng má không qua khỏi vì vô viện là hôn mê rồi. Được các y, bác sĩ ở đây tận tâm cứu chữa, sức khỏe má tiên lượng khá, có hy vọng rồi. Lo lắng, người nhà tui gặp y, bác sĩ là hỏi miết và được giải thích tình trạng bệnh của má cặn kẽ nên tui cũng yên tâm. Nuôi bệnh con cháu thay phiên nhau, chỉ đưa tã, sữa cho má, vô thăm má xíu, còn lại là các y, bác sĩ lo cho má hết hà”.
Cô Phạm Thị Bé Năm (65 tuổi, ngụ xã Tân An Hội, huyện Mang Thít) được cấp cứu và chuyển điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc với chẩn đoán hội chứng hoại tử đầu chi do choáng nhiễm trùng từ đường tiêu hóa, tắc động mạch trụ quay, tắc tĩnh mạch đùi hai bên, thận ứ nước độ I, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, tiên lượng rất nặng. Với tình trạng đó, BN có chỉ định lọc máu liên tục 3 quả lọc tại giường để cấp cứu song song với việc sử dụng kháng sinh phổ rộng.
Được cứu sống, cô Bé Năm xúc động: “Tui mần mướn, con cái cũng nghèo nên bệnh nặng, cả nhà tính buông xuôi rồi. Nhưng y, bác sĩ không buông, hết lòng cứu giúp, rồi vận động tiền giúp tui được lọc máu, có thẻ BHYT, nhờ vậy tui mới khỏe. Tui rất biết ơn các y, bác sĩ dữ lắm”.
Công việc vất vả, nhiều áp lực nhưng sự hồi phục từng ngày của các BN nặng và nguy kịch, sớm được xuất viện trở về với gia đình chính là động lực lớn giúp các y, bác sĩ và điều dưỡng trong khoa không ngừng nỗ lực với nghề để đem lại sức khỏe cho các BN và hạnh phúc cho nhiều gia đình.
“Trước các ca bệnh tiên lượng xấu, bác sĩ và điều dưỡng luôn đồng lòng cố gắng làm mọi cách để giúp BN qua cơn nguy kịch. Khi tình trạng bệnh cải thiện, BN chắc chắn đã được cứu sống, cũng chính là niềm vui để các thầy thuốc vượt qua áp lực và tiếp tục làm việc”- điều dưỡng Nguyễn Thị Huyền Trang bộc bạch.
Những “chiến sĩ áo trắng” thầm lặng
Theo BS.CK1 Võ Văn Hạnh Phúc- Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc BVĐK Vĩnh Long, khoa đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật cao trong hồi sức BN có bệnh lý nặng như thở máy, lọc máu liên tục, thay huyết tương, sốc điện... Qua đó, điều trị thành công nhiều BN nặng, giảm được tỷ lệ tử vong, giảm tải tuyến trên.
“Khoa Cấp cứu của bệnh viện là nơi đầu sóng ngọn gió”- nơi mà người nhà BN rất lo lắng cho sức khỏe của người thân của mình nên luôn cần thiết những lời quan tâm động viên ân cần của nhân viên y tế. Y, bác sĩ phải hết sức bình tĩnh, nhẹ nhàng, nhanh nhẹn, góp phần làm vơi đi sự lo lắng, tạo được lòng tin với người nhà và người bệnh”- BS.CK2 Lê Thanh Đức- Trưởng Khoa Cấp cứu BVĐK Vĩnh Long chia sẻ.
Trong chuyên môn, người thầy thuốc không thể tiên lượng, đánh giá hết được mọi vấn đề. Những tai biến trong nghề nghiệp luôn rình rập, dễ xảy ra bất cứ lúc nào dù người thầy thuốc đã cố gắng hạn chế thấp nhất mọi rủi ro. Vì thế, hãy thấu hiểu cho một nghề đặc biệt. Dù đâu đó vẫn còn những thầy thuốc chưa làm tròn trách nhiệm của mình, nhưng vẫn có rất nhiều y, bác sĩ có những cống hiến vô điều kiện cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
TS. BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: “Nghề y chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt trong tình hình hiện nay, luôn có những vất vả, thử thách mà có lẽ chỉ người trong nghề mới thấu hiểu hết, nhưng hãy luôn coi đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang.
Y đức không chỉ điều trị giúp người bệnh có sức khỏe tốt nhất mà còn là ứng xử sao cho BN và người nhà của họ yên tâm, tin tưởng, hài lòng. Chúng ta có được những điều tốt đẹp là giúp cho người bệnh trở về với cuộc sống mới, khỏe mạnh, giúp họ gieo lên niềm vui sống và niềm tin vào tương lai tươi sáng phía trước.
Theo BS.CK2 Nguyễn Thanh Truyền- Giám đốc BVĐK Vĩnh Long, năm 2023 bệnh viện thực hiện thành công các kỹ thuật y tế chuyên sâu, BVĐK Vĩnh Long không chỉ nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân mà còn là động lực để các y, bác sĩ có thêm niềm tin được phát huy chuyên môn, được cống hiến. Cụ thể, triển khai thành công các kỹ thuật khám bệnh chuyên sâu giúp điều trị thành công, cứu sống nhiều BN nguy kịch mà trước đây những trường hợp này sẽ tử vong hoặc phải chuyển lên tuyến trên. Bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật lọc máu liên tục để cứu sống những BN ngộ độc biến chứng suy đa cơ quan, BN mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển,… Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đã triển khai thành công kỹ thuật thay khớp háng, kỹ thuật ghép da tự thân,… Ngoài ra, bệnh viện cũng đã đạt được chuẩn vàng về điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ thế giới trao và duy trì đến nay. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN