Chủ động phát hiện bệnh lao trong cộng đồng

03:11, 10/11/2023

Để khống chế bệnh lao và tiến đến loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng vào năm 2030, cùng với cả nước, Vĩnh Long đang tích cực triển khai nhiều giải pháp phát hiện chủ động. Qua đó, quản lý điều trị, hạn chế nguồn lây và giảm dịch tễ bệnh lao trong cộng đồng.

 

 

BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên tư vấn và hướng dẫn các thông tin cần thiết khi tầm soát bệnh lao tại cộng đồng.
BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên tư vấn và hướng dẫn các thông tin cần thiết khi tầm soát bệnh lao tại cộng đồng.

Để khống chế bệnh lao và tiến đến loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng vào năm 2030, cùng với cả nước, Vĩnh Long đang tích cực triển khai nhiều giải pháp phát hiện chủ động. Qua đó, quản lý điều trị, hạn chế nguồn lây và giảm dịch tễ bệnh lao trong cộng đồng.

Chủ động tầm soát bệnh lao

Chủ động khám tầm soát phát hiện bệnh lao, lao tiềm ẩn, lao kháng thuốc trong cộng đồng đang được Bệnh viện Phổi Vĩnh Long tích cực thực hiện.

Những người là bệnh nhân lao có tiền sử điều trị trong vòng 2 năm, người có người thân mắc bệnh lao, có tiếp xúc người nhà bệnh nhân lao và người bệnh đái tháo đường, bệnh hô hấp mãn tính đang được quản lý tại địa phương chưa được tầm soát lao sẽ được các bác sĩ khám, chụp X-quang phổi.

Đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm nếu có tổn thương phổi sau X-quang để xác định lao, nhằm kịp thời phát hiện điều trị, cắt đứt nguồn lây của bệnh lao tại cộng đồng.

Cô Huỳnh Thị Hồng (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) cho biết: “Có đoàn bác sĩ về tầm soát bệnh lao nên cô đi khám từ sớm. Tại đây, cô được đo huyết áp, kiểm tra các bệnh, chụp X-quang. Qua thăm khám, bác sĩ nói phổi cô khỏe tốt, cô mừng lắm”.

Có triệu chứng khó thở, ho, sụt cân, ngủ không ngon giấc suốt hơn 5 tháng nay nhưng chỉ khi có chương trình tầm soát lao miễn phí, ông T.V.X. (74 tuổi, ấp Thanh Sơn, xã Thanh Đức) mới khám. Sau khi chụp X-quang, bác sĩ phát hiện có dấu hiệu bất thường ở phổi nên ông được lấy đàm xét nghiệm kiểm tra.

“Tui cũng mệt, ho nhưng không có tiền đi khám, cũng nhờ đoàn đến khám và bác sĩ yêu cầu tui vô Bệnh viện Phổi tỉnh khám chuyên sâu. Nếu có bệnh thì cũng được điều trị theo đúng phác đồ chuẩn của Chương trình chống lao quốc gia”- ông X. cho biết.

Các triệu chứng của bệnh lao lúc đầu kéo dài âm thầm, từ khi phát bệnh, đến khi tử vong, có thể lây sang rất nhiều người. Đáng lo ngại hơn nữa, khoảng 4% số phát hiện mới là bị lao kháng thuốc. Ngoài khó khăn, tốn kém, chủng lao kháng thuốc còn là mối đe dọa nguy hiểm khi lây lan ra cộng đồng.

BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên- Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính, chỉ đạo tuyến Bệnh viện Phổi Vĩnh Long, cho biết: “Tỷ lệ mắc lao trong cộng đồng còn rất nhiều và mục tiêu của chương trình chống lao là phát hiện càng sớm bệnh nhân ở những giai đoạn sớm để điều trị, không để bệnh nhân có di chứng. Những hoạt động sàng lọc cộng đồng giúp đưa dịch vụ khám phát hiện lao đến người dân có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế”.

Điều trị lao không khó nếu phát hiện sớm

Để phát hiện sớm và nhiều nhất có thể những người mắc lao trong cộng đồng, 2 hoạt động phát hiện chủ động lao đang được Vĩnh Long tích cực triển khai là phát hiện chủ động tại cơ sở y tế với những người có X-quang phổi bất thường nghi lao và phát hiện lao chủ động tại cộng đồng.

ThS Nguyễn Thị Ngọc Bích- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Hồ, cho biết: “Tại phòng khám của từng trạm y tế, những người có nguy cơ mắc lao và sống chung với người có bệnh lao được tầm soát.

Nếu phát hiện có vi trùng lao thì điều trị lao còn không thì điều trị dự phòng lao tiềm ẩn. Còn tại trung tâm y tế, bệnh nhân đến khám tại phòng khám, các bác sĩ cũng rà soát những người nguy cơ mắc lao có ho trên 7 ngày để tầm soát bằng cách thử đàm, chụp X-quang hoặc cấy Mantoux”.

Lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh lao. Để tầm soát phát hiện sớm bệnh nhân lao trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế, từ đầu năm đến nay, Vĩnh Long đã phát hiện trên 1.300 bệnh nhân lao mới đưa vào quản lý và điều trị, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước và gần đạt chỉ tiêu đề ra trong năm.

Đáng lưu ý, có nhiều trường hợp mắc bệnh do chủ quan, không chú ý đến sức khỏe, không đến tầm soát khi có đoàn đến thực hiện tại địa phương, khi phát hiện bệnh thường ở mức nặng và rất nặng.

“Đối với những người đã mắc lao, nên tuân thủ điều trị theo phác đồ, đúng liều, đúng lượng và đúng thời gian thì mới khỏi bệnh. Do đó, những người nằm trong nhóm có nguy cơ bị nhiễm lao cần đi xét nghiệm và tầm soát sớm”- BS Mỹ Tiên khuyến cáo.

Bệnh lao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh, mà còn có nguy cơ lây lan cho cộng đồng cũng như gây ra những hệ lụy nặng nề trong cuộc sống. Theo đánh giá của BCĐ Chương trình chống lao quốc gia, Việt Nam hiện là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới.

Phát hiện sớm, chủ động truy vết bệnh lao không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

“Điều trị lao có 2 vế thứ nhất điều trị khỏi bệnh cho người mắc bệnh lao và thứ 2 ngăn ngừa lao cho cộng đồng. 1 người bệnh lao khi phát hiện trễ thì họ có nguồn lây sẽ đi lây cho người khác, 1 người mắc lao có thể lây cho 30 người nếu không phát hiện sớm. Khi có các biểu hiện như: Ho, khạc đờm nhiều kéo dài trên 2 tuần, gầy, sút cân, hay đổ mồ hôi trộm, sốt về chiều, ho ra máu… cần đến bệnh viện chuyên khoa lao phổi để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chữa trị sớm, đúng phác đồ”- BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên khuyến cáo.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh