Đái tháo đường- Những dấu hiệu sớm không nên bỏ qua

09:07, 28/07/2023

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 5 triệu người mắc đái tháo đường (ĐTĐ) nhưng 65% người bệnh không biết mình bị bệnh. 85% người bệnh chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm. Và khi phát hiện ra bệnh, có chưa tới 30% người được chẩn đoán điều trị tốt.

 

 

Với người mắc đái tháo đường, khi thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám lại và điều chỉnh thuốc…
Với người mắc đái tháo đường, khi thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám lại và điều chỉnh thuốc…

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 5 triệu người mắc đái tháo đường (ĐTĐ) nhưng 65% người bệnh không biết mình bị bệnh. 85% người bệnh chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm. Và khi phát hiện ra bệnh, có chưa tới 30% người được chẩn đoán điều trị tốt.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Cứ 20 người trưởng thành thì có 1 bệnh nhân (BN) mắc ĐTĐ, song, nhiều người trong số này không biết mình mắc bệnh. Vì vậy, kiểm soát bệnh ĐTĐ tại cộng đồng sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ và biến chứng nguy hiểm khác.

BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa cấp cứu kịp thời cho cụ bà (77 tuổi, ở huyện Vũng Liêm) không hay đã mắc bệnh ĐTĐ, nên không chữa trị, dẫn đến nhiều biến chứng đe dọa tính mạng. Qua xét nghiệm, các bác sĩ BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long phát hiện chỉ số đường huyết cụ bà tăng rất cao, ở mức 830 mg/dl, gấp hơn 8 lần người bình thường (chỉ số đường huyết bình thường từ 70-100 mg/dl).

Khi nhập viện cấp cứu, cụ bà có các triệu chứng sốt, ho, nôn ói, ăn kém, mệt mỏi, lừ đừ, chậm chạp, da khô, huyết áp thấp 90/60 mmHg. Gia đình cho biết, thời gian gần đây, cụ thường xuyên mệt mỏi, khát nước nhiều, khô cổ họng và sụt cân. Cụ có tiền sử tăng huyết áp, thoái hóa cột sống nhưng không đi khám mà tự ý mua thuốc uống.

Qua các xét nghiệm, BN được chẩn đoán tăng đường huyết cấp, tăng áp lực thẩm thấu/tiểu đường tuýp 2, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, tổn thương thận cấp, rối loạn điện giải, loãng xương, viêm dạ dày…

Ngay sau đó, BN được hội chẩn cấp 2 và nhanh chóng chuyển Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc điều trị tích cực, tiếp tục truyền insulin, bù dịch, theo dõi sát các chỉ số đường huyết, huyết áp, BN tỉnh táo, hết nôn ói, ăn uống được, giảm khát và tiểu nhiều, đường huyết dần ổn định và được chuyển lên Khoa Nội tiết điều trị tiếp. Hiện BN được xuất viện và theo dõi tái khám ngoại trú, các thông số về đường huyết, chức năng gan, thận, điện giải, huyết động trở về bình thường.

BS.CK1 Lâm Thanh Danh- Phó Trưởng Khoa Nội tiết, cho biết cụ bà Đ. là trường hợp điển hình, phát hiện ĐTĐ trong bệnh cảnh biến chứng cấp, trên BN bệnh ĐTĐ trước đó không được chẩn đoán, nguy cơ tử vong cao nếu không nhanh chóng xử trí kịp thời. Với người lớn tuổi có bệnh mạn tính thì không được tự ý mua thuốc uống mà nên đi khám ở bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị kịp thời đồng thời tầm soát các bệnh liên quan.

Không thể xem nhẹ

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thống kê cứ 10 người được phát hiện mắc ĐTĐ thì có 6 người rơi vào giai đoạn muộn phải cắt cụt chi, lở loét nặng...

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nguyên nhân gây ra ĐTĐ rất phức tạp nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể lực. Việc thực hiện lối sống lành mạnh sẽ giúp phòng ngừa mắc ĐTĐ tới 70% số trường hợp. Ngoài ra, chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa để phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm của bệnh ĐTĐ.

Theo BS.CK2 Lê Thanh Đức- Trưởng Khoa Cấp cứu BVĐK Vĩnh Long, có 3 loại bệnh ĐTĐ là ĐTĐ tuýp 1, ĐTĐ tuýp 2 và ĐTĐ thai kỳ. Trong đó, ĐTĐ tuýp 1 (ĐTĐ phụ thuộc insulin) và ĐTĐ tuýp 2 (ĐTĐ không phụ thuộc insulin) là phổ biến nhất.

“Bệnh ĐTĐ có những dấu hiệu kinh điển như mệt mỏi, khát nước nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều, sụt cân, nhiễm trùng, vết thương lâu lành, nhìn mờ… cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra, vì đó có thể là dấu hiệu sớm của căn bệnh này.

Nếu đi khám bệnh định kỳ, các BN có thể được bác sĩ cảnh báo sớm ngay khi đường huyết có dấu hiệu tăng cao. Lượng đường huyết của người bị thường dao động từ 4,4-6,1. Nếu chú ý theo dõi và thấy lượng đường huyết của mình cao hơn con số này, mọi người cần nghĩ ngay tới căn bệnh ĐTĐ”- BS Lê Thanh Đức khuyến cáo.

Theo BS.CK2 Lê Thanh Đức, để dự phòng mắc bệnh ĐTĐ nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung, người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh: Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia, duy trì cân nặng phù hợp.

Người tiền ĐTĐ có nguy cơ cao bị ĐTĐ nhưng nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời bằng chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý thì có thể ngăn chặn tiến triển thành bệnh ĐTĐ.

“Căn cứ vào mức độ ĐTĐ tuýp 2 mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp nhằm kiểm soát glucose trong máu. BN uống thuốc trị ĐTĐ và điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn nhiều rau xanh (như rau súp lơ, cải xanh, bí đao...), hạn chế chất béo và protein, cắt giảm calo, luyện tập thể dục... Trường hợp sử dụng thuốc không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định BN kết hợp điều trị ĐTĐ bằng insulin hoặc điều trị hoàn toàn bằng insulin. Những BN mắc ĐTĐ cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tái khám, tầm soát biến chứng định kỳ, không được tự ý bỏ thuốc tiêm insulin và thuốc uống”- BS.CK2 Lê Thanh Đức khuyến cáo.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh