Cảnh giác tai nạn gây thương tích trẻ em

Cập nhật, 06:01, Thứ Sáu, 21/07/2023 (GMT+7)
Bé trai 11 tuổi bị phỏng độ 2 do chay xịt tuyết phát nổ.
Bé trai 11 tuổi bị phỏng độ 2 do chay xịt tuyết phát nổ.

(VLO) Nghỉ hè, trẻ được thoải mái vui chơi, cùng với sự bất cẩn của phụ huynh, người trông trẻ là một trong những nguyên nhân khiến những tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em gia tăng.

Tai nạn luôn rình rập trẻ

Theo ghi nhận tại Khoa Ngoại- Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, nguyên nhân phần lớn là do trẻ tham gia các trò chơi ngày hè, bất cẩn khi tham gia giao thông. Song, điều đáng lo nhất hiện nay chính là thói quen xử lý thương tích cho trẻ ở các gia đình nông thôn. Nó không giúp được trẻ mà thậm chí còn khiến tình hình xấu thêm.

Nhìn con trai 11 tuổi đầy vết phỏng, chị T.T.T. (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) xót xa: “ Tôi đốt rác, trong đống rác có chay xịt tuyết sử dụng lúc sinh nhật của con. Lúc đốt rác con ngồi gần lấy cây khều rác đốt phụ mẹ. Không ngờ chai xịt tuyết nổ, lửa phừng lên bao trùm con do con ở gần đống rác.

Thấy con bị cháy xém một bên tóc, tôi nghĩ không sao. Sau đó con kêu nóng mặt quá, nên tôi cho con đi tắm và con bị tuột da. Lúc đó mới biết con bị phỏng nên đưa đi bệnh viện cấp cứu. Con bị phỏng độ 2, giờ phải điều trị lâu ngày ở bệnh viện”.

Người trông nom trẻ chỉ cần chủ quan, lơ là trong phút chốc, trẻ có thể gặp nguy hiểm, kể cả những tình huống đơn giản nhất mà chúng ta không ngờ tới. Chỉ vì lơ là, không trông con cẩn thận nên con gái 3 tuổi bị tai nạn giao thông.

Chị N.Q.N. (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) rưng rưng: “Tui đưa con qua nhà cậu của bé chơi. Nhà sát lộ, không có hàng rào, sơ sẩy có chớp mắt mà con đang chơi, rồi chạy ra lộ bị xe máy kéo 5-6m nên mới bị thương dữ vậy. Con vừa mổ do gãy chân và mặt mày trầy trụa hết.

Thương con quá chừng”. Còn anh Đ.H.C. (TP Cần Thơ) thở dài: “Con 9 tháng tuổi, bà ngoại giữ. Má mệt nằm võng ngủ quên. Con thọt tay vào ổ điện ở dưới sàn nhà đang cắm máy quạt bị điện giật phỏng đầu ngón tay. Cháu khóc lớn bà ngoại mới hay đưa cháu vào bệnh viện. Giờ phải điều trị, dưỡng đầu ngón tay nếu không sẽ bị hoại tử”.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã tiếp nhận và điều trị khoảng 3.000 ca TNTT ở trẻ em. Các TNTT trẻ thường gặp là té ngã, điện giật, phỏng, đuối nước, ong chích, súc vật cắn,… Trong đó, tai nạn do té ngã, TNGT chiếm hơn 50%.

Cần nhận thức đúng về tai nạn thương tích ở trẻ

Không chỉ khi trẻ ra đường mới đối diện nguy cơ bị TNTT mà ngay chính trong ngôi nhà của mình cùng có rất nhiều những đồ vật mang mối nguy cho trẻ. Đó có thể là bình thủy nước sôi, ấm đun siêu tốc, nồi chứa thức ăn nóng, hệ thống điện, các vật sắc nhọn (dao, kéo...), các hạt, đồ chơi nhỏ (đối với trẻ dưới 5 tuổi); xô, thùng chứa nước, các loại hóa chất gia dụng, thuốc uống…

Ngoài ra, cách bố trí sắp xếp vật dụng trong nhà không gọn gàng cũng có thể là nguyên nhân gây TNTT cho trẻ.

Nhìn cằm con trai 3 tuổi bị khâu may mấy mũi do chạy giỡn té, chị N.T.K.T. (Phường 3, TP Vĩnh Long) xuýt xoa: “Con về quê nội chơi rồi chạy giỡn té. Cằm trúng cạnh bàn chảy máu phải đưa vô bệnh viện may. Con khóc quá xá”.

Theo BCĐ Bảo vệ chăm sóc trẻ em Vĩnh Long, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 1.642 trẻ em bị TNTT, trong đó có 4 em tử vong (do đuối nước 3 em, do tai nạn giao thông 1 em).

Đối với những trường hợp TNTT thường gặp như té ngã, phỏng thì có đôi khi người nhà hoặc cơ sở y tế xử lý không đúng cách dẫn đến thương tích của trẻ trở nên trầm trọng hơn, gây khó khăn cho công tác điều trị.

BS Nguyễn Võ Thành Luân- Khoa Chấn thương chỉnh hình- Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết: “Có những trẻ bị tai nạn giao thông bị gãy xương đùi, gãy xương cẳng chân, cẳng tay,… mà phần nhiều trẻ được đưa đến bệnh viện trong tình trạng chưa được sơ cứu, chưa được nẹp tạm sẽ làm tăng nặng tình trạng vết thương của trẻ”.

Theo BS.CK2 Nguyễn Quang Tiến- Trưởng Khoa Ngoại- Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, khi trẻ bị TNTT, nếu như việc sơ cấp cứu ban đầu không đúng cách thì sẽ gây khó khăn cho công tác điều trị và phục hồi. Do đó, ba mẹ cần bình tĩnh quan sát và đánh giá chấn thương của trẻ. Ngay cả ba mẹ cũng cần có những kiến thức về sơ cấp cứu.

“Ví dụ khi trẻ bị phỏng nước sôi, hay phỏng lửa thì có tình trạng người nhà đắp lá chuối hay dùng giấm ăn rửa vết thương làm tăng mức độ nhiễm trùng, độ sâu tổn thương phỏng.

Ba mẹ nên ngâm vùng phỏng của trẻ vào thau nước sạch trong vòng 15-20 phút, để làm dịu mát vết phỏng cho con. Dùng khăn sạch quấn cho con và đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Khi thấy trẻ bị ngã, ba mẹ cần xem mức độ chấn thương của trẻ để có cách xử lý tốt nhất. Nếu trẻ đau nhiều hoặc đau khi cử động, tay chân bị bầm tím, cần lưu ý có thể trẻ bị bong gân hay gãy xương thì nên sơ cứu, cố định tạm thời trước khi chuyển đến bệnh viện”- BS Quang Tiến nói.

Dù cho cách nào đi nữa, việc phòng tránh TNTT cho trẻ vẫn là quan trọng nhất. Đồng thời, phụ huynh cần quan tâm sát sao dạy cho trẻ những kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm cũng như tạo môi trường an toàn hơn cho trẻ ngày hè.

Các bác sĩ khuyến cáo trong gia đình, trẻ cần luôn có sự quan tâm giám sát của người lớn, nhất là trẻ nhỏ cần chú ý để các vật sắc nhọn, nước sôi, điện xa tầm với của trẻ; không cho trẻ cầm nắm các đồ chơi sắc nhọn, nhỏ, tròn vì trẻ rất hiếu động có thể nuốt bất kỳ lúc nào. Cần dạy cho trẻ biết từ rất sớm về các yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng chống TNTT thông qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày để trẻ có thể tự tránh. Cần cho trẻ tham gia học bơi để phòng đuối nước ở trẻ.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN