Bệnh tay chân miệng (TCM) là một bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đa phần trẻ mắc bệnh sẽ tự khỏi. Song, một số trường hợp, trẻ có thể diễn tiến nặng với các biến chứng.
Rửa tay thường xuyên là biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm trong đó có tay chân miệng hiệu quả. |
Bệnh tay chân miệng (TCM) là một bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đa phần trẻ mắc bệnh sẽ tự khỏi. Song, một số trường hợp, trẻ có thể diễn tiến nặng với các biến chứng.
Cảnh báo gia tăng bệnh tay chân miệng
Theo báo cáo của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 9.028 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 4 ca tử vong với chẩn đoán tay chân miệng độ 4, đều dương tính với Enterovirus 71 (EV71).
Trong khoảng 1 tháng gần đây, các bệnh viện (BV) tuyến tỉnh ĐBSCL tiếp nhận các bệnh nhi TCM nhập viện trong tình trạng nặng, nguy kịch (độ 3, 4). Thống kê tại BV Nhi đồng TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay ghi nhận trên 2.260 ca mắc TCM, đặc biệt trong tháng 5 bắt đầu tăng cao, lên 409 ca (tăng 140%) so với tháng trước đó. Ghi nhận trong đó, đã có 1 trẻ bị TCM nặng độ 4 tử vong, trong giữa tháng 6 có 3 trường hợp TCM độ 3 phải chuyển viện lên tuyến trên.
Tại BVĐK Bạc Liêu, các bác sĩ Khoa Nhi đã hội chẩn từ xa với bác sĩ BV Nhi Đồng 1 đã thực hiện lọc máu thành công, giúp ổn định sinh hiệu và cứu sống bệnh nhi N.P.N. (23 tháng tuổi, ngụ Bạc Liêu) bị TCM độ 3. Sau hơn 2 tuần điều trị, bệnh nhi đã xuất viện khỏe mạnh, không di chứng thần kinh.
Cách đây 10 ngày, cũng thông qua hội chẩn từ xa và tiến hành lọc máu liên tục, bệnh nhi L.T.A., (28 tháng tuổi) bị TCM độ 4, phù phổi cấp đe dọa tính mạng đã được cứu sống và đang dần hồi phục.
Qua 2 trường hợp này, PGS.TS Phạm Văn Quang- Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, BV Nhi Đồng 1, lưu ý: Bệnh TCM bắt đầu vào mùa, đặc biệt có sự xuất hiện của EV71 là tác nhân thường gây bệnh tay chân miệng nặng, nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, trẻ mắc TCM cần được chẩn đoán sớm, theo dõi sát và điều trị kịp thời.
Đối với các trường hợp trẻ có loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối… cần đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán, nhất là khi bệnh nhi có kèm dấu hiệu giật mình chới với. Các dấu hiệu nặng của bệnh TCM cần chú ý như sốt cao liên tục, khó hạ, sốt trên 2 ngày, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng, tay chân lạnh, vã mồ hôi, li bì, thở mệt… Khi có các dấu hiệu này, cần đưa trẻ đến ngay BV để được cấp cứu kịp thời.
Chủ động phòng chống
Tại Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, tỉnh ghi nhận gần 200 ca TCM. Dự báo trong thời gian tới số ca mắc có khả năng tăng, đặc biệt vào thời gian học sinh trở lại trường cho năm học mới. Bệnh TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.
BS.CK2 Dư Tuấn Quy- Trưởng Khoa Nhiễm- Thần kinh, BV Nhi đồng 1, cho biết biểu hiện đặc trưng của bệnh TCM là sốt cao trên 2 ngày không hạ và giật mình chới với khi ngủ. Khi trẻ có 2 triệu chứng này thì phụ huynh cần nghĩ đến bệnh TCM. Trẻ mắc TCM có thể diễn tiến nặng trong 5 ngày đầu, đặc biệt trong 3 ngày đầu tiên sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt nhưng không thuyên giảm là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, cần phải đưa đến BV ngay.
Bên cạnh đó, biểu hiện chuyển bệnh khác dễ bị bỏ qua hơn là trẻ ngủ giật mình chới với. Triệu chứng này khác hẳn so với thói quen ngủ giật mình hàng ngày của trẻ. Do đó, cha mẹ cần quan sát để nhận thấy bất thường khi trẻ bệnh. Hiện tượng giật mình chới với ở trẻ mắc TCM thường xuất hiện ở đầu giấc, khi trẻ mới chỉ bắt đầu ngủ. Trẻ có thể giật mình, giơ các chi lên cao và hạ xuống, rồi tiếp tục ngủ bình thường. Tần suất giật mình từ 2 lần trong vòng 30 phút là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.
“Với trẻ mắc TCM có dấu hiệu cảnh báo, nếu không được nhập viện kịp thời thì có thể phát triển nặng hơn, biến chứng lên não, đe dọa đến tính mạng. Ngoài ra, một số triệu chứng khác ở trẻ mắc TCM cần lưu ý là: nổi hồng ban ở tay, chân, mông; miệng chảy nước bọt kèm sốt nhẹ... và cần được cách ly, điều trị kịp thời để tránh nguy cơ biến chứng nặng”, BS Dư Tuấn Quy cảnh báo.
Trẻ em bệnh tay chân miệng tuân thủ tái khám liên tục mỗi ngày đến khi qua 7 ngày tính từ lúc trẻ khởi bệnh. |
BS.CK2 Trần Chí Công- Phó trưởng Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, khuyến cáo, nhiều trẻ đã khỏi bệnh TCM nhưng nếu tiếp xúc với nguồn lây vẫn có nguy cơ mắc bệnh, bởi miễn dịch ở trẻ đối với bệnh TCM không bền vững. Do chưa có vaccine phòng ngừa nên phụ huynh hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh.
“Nếu mắc bệnh nên cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi phát để ngăn lây nhiễm cho trẻ khác. Luôn giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ. Thường xuyên rửa tay và nhắc trẻ rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người lớn nên rửa tay bằng xà bông sau khi chăm sóc trẻ.
Tuân thủ tái khám liên tục mỗi ngày đến khi qua 7 ngày tính từ lúc trẻ khởi bệnh. Đồng thời đảm bảo dinh dưỡng đủ chất, bù kẽm và một số vi chất cần thiết. Ăn uống thực phẩm mát lạnh, dễ tiêu là mẹo giúp trẻ ăn khá hơn trước cơn đau miệng cấp tính”, BS Chí Công lưu ý.
“Trước khi bệnh nhi TCM chuyển nặng thì có 2 dấu hiệu. Thứ nhất là dấu hiệu trẻ sốt cao không hạ. Thứ hai là ngủ giật mình chới với nhiều lần, đặc biệt là xảy ra lúc đầu giấc ngủ. Và có một dấu hiệu khác nữa phụ huynh chia sẻ là đi ngủ trẻ cứ đeo mẹ suốt luôn, không bao giờ rời được mẹ, chỉ cần mà rời ra một tí là hốt hoảng lên”, BS.CK2 Dư Tuấn Quy chia sẻ. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin