Cảnh giác bệnh lao ở trẻ em

07:04, 01/04/2023

Trẻ em là đối tượng có hệ miễn dịch phát triển chưa hoàn chỉnh nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Các bậc phụ huynh cần cảnh giác với bệnh lao ở trẻ nhỏ, bệnh này thường rất khó phát hiện và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Tại Vĩnh Long việc giảm tác hại và ngăn chặn khả năng lây lan của bệnh lao cho trẻ em luôn được tập trung thực hiện nhằm bảo vệ trẻ trước căn bệnh nguy hiểm này.

 

Nhân viên Trạm Y tế TT Long Hồ theo dõi sức khỏe định kỳ người bệnh lao và điều trị dự phòng để bảo vệ trẻ trước bệnh lao.
Nhân viên Trạm Y tế TT Long Hồ theo dõi sức khỏe định kỳ người bệnh lao và điều trị dự phòng để bảo vệ trẻ trước bệnh lao.

Trẻ em là đối tượng có hệ miễn dịch phát triển chưa hoàn chỉnh nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Các bậc phụ huynh cần cảnh giác với bệnh lao ở trẻ nhỏ, bệnh này thường rất khó phát hiện và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Tại Vĩnh Long việc giảm tác hại và ngăn chặn khả năng lây lan của bệnh lao cho trẻ em luôn được tập trung thực hiện nhằm bảo vệ trẻ trước căn bệnh nguy hiểm này.

Trẻ em dễ bị bệnh lao tấn công

Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận một bé gái 3 tháng tuổi, ở tỉnh Hòa Bình, nhập viện trong tình trạng ho, khó thở, sốt cao, co giật toàn thân. Bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh lao toàn thể bao gồm: lao phổi và lao màng não.

Khai thác tiền sử gia đình thì được biết cách đây một năm, cha của bệnh nhi đã được chẩn đoán mắc bệnh lao, do chưa hiểu biết về nguy cơ lây bệnh lao cho những người tiếp xúc nên đã lây cho bệnh nhi. Rất may mắn, sau 3 tuần điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi ổn định, hết sốt, hết suy hô hấp, ăn uống tốt và chuẩn bị xuất viện.

Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) vừa điều trị thành công cho bé gái 12 tuổi mắc vi trùng lao, rơi vào nguy kịch. BS.CKII Đỗ Châu Việt- Trưởng Khoa Hồi sức Nhiễm và COVID-19 cho biết, trong quá trình điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống, bé gái phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, hệ thống miễn dịch bị suy giảm trầm trọng, khiến bé mắc vi trùng lao tại nhiều cơ quan như: phổi, bụng, cơ xương khớp.

Bé gái bị suy hô hấp nặng và vào sốc nhiễm khuẩn, được hỗ trợ thở máy xâm lấn, chống sốc, kháng sinh, kháng lao, vận mạch, chọc màng phổi… Sau một tháng điều trị, bé đã được cai máy thở, tỉnh táo và phục hồi gần như hoàn toàn và được xuất viện. Đây là trường hợp mắc bệnh lao rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số trẻ mắc lao chiếm khoảng 10-12% trong tổng số bệnh nhân lao mới và lao tái phát hàng năm. Tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 13.000 trẻ em mắc lao các thể cần điều trị.

Trẻ em đa phần mắc lao ở độ tuổi dưới 5 tuổi, chiếm khoảng 50% tổng số trẻ mắc bệnh. 80% các ca bệnh lao ở trẻ là lao phổi. Phần lớn các trường hợp này không phát hiện được vi khuẩn do trẻ không ho khạc đờm được, không làm được xét nghiệm vi khuẩn. Trong khi đó, xét nghiệm chẩn đoán lao chủ yếu dựa trên xét nghiệm đờm để tìm vi khuẩn lao. Bên cạnh đó, triệu chứng lao ở trẻ em không đặc hiệu, trẻ không thể nói rõ được các triệu chứng, khó phân biệt với các bệnh hô hấp khác.

Chủ động phòng chống lao ở trẻ em

Theo các bác sĩ, trẻ bị nhiễm lao thường rất khó nhận biết do những dấu hiệu ban đầu thường khá giống với các bệnh thông thường.

Để bảo vệ trẻ em trước bệnh lao, công tác phối hợp giữa các cơ sở khám chữa bệnh và chương trình phòng chống lao tại tỉnh luôn đảm bảo chặt chẽ. Các trường hợp trẻ có biểu hiện ho, tổn thương phổi, bệnh liên quan đến đường hô hấp hay tiếp xúc với nguồn lây lao đều được khám tầm soát để kịp thời phát hiện trẻ mắc bệnh.

BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long cho biết: “Những trẻ em có mắc bệnh về đường hô hấp sốt ho, kèm yếu tố dịch tễ người thân trong gia đình mắc lao hoặc dịch tễ xung quanh có người bệnh lao sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm. Trẻ lớn thì lấy mẫu đàm, trẻ nhỏ thì lấy mẫu dịch dạ dày hoặc phân để xét nghiệm và tầm soát lao”.

Tại Vĩnh Long, trẻ em được phát hiện mắc lao chiếm tỷ lệ trên dưới 10 trẻ so với khoảng 1.500 bệnh nhân lao mới được phát hiện hàng năm tại tỉnh. Ngành y tế triển khai việc phát hiện sớm trẻ em mắc lao tránh trường hợp lao nặng để lại di chứng nặng nề cho trẻ. Hiện hoạt động này đang triển khai tại BVĐK Vĩnh Long và các phòng khám nhi tại các trung tâm y tế. Để kịp thời phát hiện, quản lý điều trị lao trẻ em, tất cả trẻ em có tiếp xúc với nguồn lây trong gia đình đều được khám sàng lọc lao, theo dõi sức khỏe định kỳ và điều trị dự phòng để bảo vệ trẻ trước bệnh lao.

Lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh lao, trong đó, có trẻ em. “Để bảo vệ trẻ trước căn bệnh lao, các bậc cha mẹ cần quan tâm tiêm vaccine ngừa lao trong vòng 1 tuần đầu đời nhằm ngăn chặn lao sơ nhiễm, tránh để trẻ bị suy dinh dưỡng và không cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh. Khi trẻ thường xuyên có biểu hiện ho, sốt, đổ mồ hôi trộm, không tăng cân, mệt mỏi, chán ăn, cần đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa lao để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời”- BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên- Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính, chỉ đạo tuyến và điều dưỡng Bệnh viện Phổi Vĩnh Long khuyến cáo.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh