Việc chuyển đổi số ngành y tế không chỉ giúp người dân thuận lợi hơn khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe mà còn giảm bớt chi phí phát sinh, giảm thời gian chờ đợi. Là bệnh viện hạng I tuyến tỉnh, thời gian qua, BVĐK Vĩnh Long chú trọng đầu tư, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số bệnh viện.
|
Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh BVĐK Vĩnh Long đọc hình ảnh thông qua hệ thống lưu trữ, truyền tải dữ liệu hình ảnh y tế. |
Việc chuyển đổi số ngành y tế không chỉ giúp người dân thuận lợi hơn khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe mà còn giảm bớt chi phí phát sinh, giảm thời gian chờ đợi. Là bệnh viện hạng I tuyến tỉnh, thời gian qua, BVĐK Vĩnh Long chú trọng đầu tư, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số bệnh viện. Qua đó, giúp BVĐK Vĩnh Long nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giảm áp lực cho nhân viên y tế, hướng đến mô hình bệnh viện số, bệnh viện thông minh trong tương lai.
Đòn bẩy công nghệ thông tin
Từ năm 2021 đến nay, nhiều trường hợp đột quỵ được các bác sĩ Khoa Nội Tim mạch- Lão khoa (BVĐK Vĩnh Long) xử lý chẩn đoán cấp cứu nhanh tại chỗ thông qua hệ thống lưu trữ, truyền tải dữ liệu hình ảnh (PACS).
Nếu trước kia bệnh nhân chụp chiếu xong phải đợi kỹ thuật viên in film chuyển đến cho bác sĩ đọc thì nay bệnh nhân vừa chụp CT Scanner, XQ, MRI, siêu âm... xong, bác sĩ có thể đọc được ngay hình ảnh đã được số hóa và truyền lưu trên hệ thống máy có kết nối với PACS, giúp cho việc chẩn đoán hình ảnh nhanh chóng hơn.
Bên cạnh đó, với hệ thống này bệnh án sau khi chụp sẽ được hiển thị ở không gian đa chiều với nhiều góc độ khác nhau. Hình ảnh có độ nét cao, bác sĩ sẽ dễ dàng điều chỉnh kích thước, thao tác để tăng độ chính xác khi chẩn đoán bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Hiếu Thuận- Khoa Chẩn đoán hình ảnh, cho biết: “Trước đây hình ảnh sau khi chụp chỉ in phim đơn giản, ví dụ như phim chụp sọ chỉ chụp 500-600 hình nhưng khi in ra chỉ lựa đại diện khoảng 35 hình, sẽ không thể hiện hết những tổn thương trên bệnh nhân. Hệ thống PACS này sẽ tổng hợp hết khoảng 600 hình, đặc biệt phần dựng hình 3D của hệ thống còn giúp bác sĩ xem rất rõ những tổn thương”.
Nhờ dữ liệu thông tin bệnh nhân được lưu trữ và truyền trên hệ thống điện toán đám mây nên các bác sĩ, các chuyên gia có thể dễ dàng truy cập dữ liệu từ máy tính cá nhân, điện thoại di động ở mọi nơi để thực hiện chẩn đoán bệnh từ xa, giúp gia tăng hiệu quả khám chữa bệnh. Giải pháp này giúp tận dụng triệt để nguồn nhân lực chất lượng cao trong y tế, là cơ sở cho việc triển khai ứng dụng các mô hình bệnh án điện tử, y học từ xa.
Bác sĩ Bùi Thị Yến Chi- phụ trách đơn vị đột quỵ, cho biết: “Ứng dụng này giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh từ xa, xem được hình ảnh CT Scanner bằng máy điện thoại thông minh. Hình ảnh được rõ nét, dựng được hình động 3D, giúp bác sĩ chẩn đoán đạt hiệu quả cao. Với ứng dụng này, nhiều bệnh nhân đột quỵ được cứu sống kịp thời trong giờ vàng, góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh. Đồng thời, nguồn hình ảnh là cơ sở dữ liệu tốt giúp các bác sĩ nghiên cứu khoa học”.
Hướng đến xây dựng bệnh án điện tử
Vào giữa tháng 4/2022, thời điểm đoàn công tác của Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) đang trên đường xuống Vĩnh Long để dự sự kiện khánh thành đưa vào hoạt động hệ thống can thiệp mạch (DSA) tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long. Khi xe đang cách bệnh viện khoảng 15-20km thì các bác sĩ nhận cuộc điện thoại của đồng nghiệp tại đây cho biết có 2 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cần can thiệp gấp.
Nhận định tình hình nguy cấp, cần có sự phối hợp triển khai nhanh chóng để kịp thời cứu bệnh nhân, đoàn bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất lập tức hội chẩn từ xa, hướng dẫn đồng nghiệp ở BVĐK Vĩnh Long thực hiện trước các khâu chuẩn bị cho người bệnh, để khi đoàn công tác đến nơi sẽ can thiệp ngay.
PGS.TS Hồ Thượng Dũng- Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, trực tiếp hướng dẫn, phối hợp cùng ê kíp BVĐK Vĩnh Long cấp cứu cho 2 bệnh nhân. Sau khi được can thiệp đặt stent, tái tưới máu kịp thời, 2 bệnh nhân dần ổn định, hồi phục sức khỏe.
|
Bệnh viện kịp thời cứu sống nhiều trường hợp đột quỵ trong giờ vàng. |
Thông qua các hệ thống kết nối trực tuyến, BVĐK Vĩnh Long đã có sự phối hợp từ xa, cùng các chuyên gia xử lý kịp thời và cấp cứu thành công nhiều bệnh nặng mà không mất thời gian chuyển viện. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh- Khoa Chẩn đoán hình ảnh, cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho các bác sĩ lâm sàng tiếp cận hình ảnh được sớm nhất để xử trí giúp cho người bệnh, trong vấn đề điều trị và hội chẩn. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi và an toàn khi lưu trữ dữ liệu, tiết kiệm
chi phí”.
Để xây dựng bệnh viện thông minh, BVĐK Vĩnh Long tiếp tục rà soát, khảo sát về cơ sở hạ tầng số, tăng cường đội ngũ nhân lực về công nghệ thông tin, nỗ lực số hóa công tác quản lý, khám chữa bệnh. Qua đó, thực hiện chuyển đổi số toàn diện với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo BS.CK2 Nguyễn Thanh Truyền- Giám đốc BVĐK Vĩnh Long, hiện nay, việc khám chữa bệnh tại BVĐK Vĩnh Long được rút ngắn thời gian hơn khi bác sĩ có thể xem trước hồ sơ kết quả siêu âm, xét nghiệm nhanh trên máy mà không cần đợi bệnh nhân cầm kết quả về phòng khám. “BVĐK Vĩnh Long triển khai các bước đầu về chuyển đổi số đạt kết quả đáng khích lệ, sự hài lòng của người dân tăng lên, nhân viên y tế hài lòng. Thời gian tới, bệnh viện đang hướng đến xây dựng bệnh án điện tử theo từng giai đoạn, tiến tới quản lý bệnh viện thông minh, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đăng ký khám bệnh từ xa, nhập liệu số hóa bệnh án, chữ ký số cho bác sĩ...”.
|
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin