Sức khỏe và thuốc lá

Tác hại của thuốc lá đến phụ nữ

Cập nhật, 20:56, Thứ Sáu, 09/12/2022 (GMT+7)

 

Hơi thuốc từ thuốc lá điện tử có chứa nhiều chất gây hại cho con người.
Hơi thuốc từ thuốc lá điện tử có chứa nhiều chất gây hại cho con người.
Theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ em gái và nữ giới hút thuốc lá ở Việt Nam là 1,2%. Trong khi đó tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nữ giới lên đến 8%, tập trung nhiều nhất vào phụ nữ dưới 30 tuổi.
 
Nhiều phụ nữ hút thuốc lá điện tử
 
Em N.N.H. (22 tuổi, TP Vĩnh Long) cho biết: “Từ khi là sinh viên năm nhất em đã hút thuốc lá. Dù em đã cai thuốc lá điếu nhưng em vẫn còn nghiện thuốc lá điện tử và hút được gần 3 năm. Mỗi ngày 1 chai tinh dầu tương đương với nửa gói thuốc. Nếu đi ăn uống với bạn bè cùng hút thì em hút còn nhiều hơn”.
 
Một lý do nữa khiến nhiều phụ nữ chọn thuốc lá điện tử là do lối sống hiện đại. Chị B.V.A. (28 tuổi, TP Cần Thơ) cho biết: “Lúc đầu hút thì cũng hơi ngại do xung quanh nhiều người nhìn không thiện cảm. Tuy nhiên, giờ đi quán, đi chơi nam nữ đều hút, mình cũng thấy bình thường. Tuy nhiên, khi lập gia đình bác sĩ khuyên mình cai thuốc lá để không ảnh hưởng sức khỏe thai nhi. Mình và chồng quyết tâm sẽ bỏ”. 
 
Đầu tháng 10/2022, BVĐK Lạng Sơn tiếp nhận bệnh nhân nữ 14 tuổi trong tình trạng hôn mê, kích thích nhiều, tím tái, đồng tử giãn, nguy cơ suy hô hấp rất nặng.
 
Theo lời kể, bệnh nhân cùng nhóm bạn được cho một loại thuốc lá điện tử, sau khi hút thử, bệnh nhân co giật, mất ý thức và được đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc và phơi nhiễm hóa chất có hại, theo dõi ngộ độc nicotine.
 
Theo các bác sĩ, thuốc lá điện tử hấp dẫn giới trẻ với hình dáng, mẫu mã và mùi hương đặc biệt. Tuy nhiên, các sản phẩm này đều có chất nicotine là chất gây nghiện, rất có hại cho sức khỏe cả người hút và người xung quanh.
 
Đây cũng là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc nicotine, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa..., thậm chí rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập, rối loạn tâm thần. Một lọ dung dịch nhỏ tinh dầu đó chứa hàm lượng nicotine tương đương 3 bao thuốc lá.
 
Đặc biệt, trẻ vị thành niên hút thuốc lá có nguy cơ nghiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi và khả năng sinh sản. Trẻ em, phụ nữ có thai hít khói thuốc thụ động sẽ bị ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ.
 
Khói thuốc lá ảnh hưởng  đến thai nhi
 
TS.BS Hồ Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, khói thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng đến người mẹ và thai nhi. Đây là quá trình hoàn thiện thai nhi từ chất dinh dưỡng được truyền sang từ máu của người mẹ.
 
Do đó, khi người mẹ hít phải khói thuốc lá, các chất độc đi vào các mạch máu, gây ảnh hưởng trực tiếp hệ thần kinh trẻ nhỏ; làm tăng nguy cơ nhiễm độc từ trong bụng mẹ, phát triển chậm hoặc không phát triển. Tăng nguy cơ sinh non, tăng nguy cơ thai chết lưu do không phát triển toàn diện.
 
Ngoài ra, nicotine trong khói thuốc có khả năng gây ra cơn co thắt trong ống dẫn trứng, từ đó làm cản trở quá trình phôi thai đi vào tử cung, dẫn tới tình trạng có thai ngoài tử cung. Khi hít phải khói thuốc nhiều, thai phụ có thể bị bong nhau thai hoặc nhau thai bị đứt, dẫn đến tình trạng chảy máu nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng cả mẹ và con. 
 
Phụ nữ mang thai không nên hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc.
Phụ nữ mang thai không nên hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc.
Nhiều phụ nữ trong lúc mang thai không thể biết được bản thân đã hít phải khói thuốc lá ở đâu. Vì theo nghiên cứu, khi có người hút thuốc thả hơi ra thì khói thuốc lá tồn tại trong môi trường thoáng khoảng 2 giờ, dù không ngửi thấy hay nhìn thấy khói thuốc lá.
 
“Phụ nữ có thai và trẻ nhỏ nên cố gắng tránh xa khói thuốc lá. Nếu trong gia đình có người hút thuốc thì nên khuyên người này hạn chế, cai thuốc hoặc chọn nơi thích hợp để hút thuốc mà không gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Đối với trẻ nhỏ, gia đình phải cùng hợp tác để tránh cho trẻ hít phải khói thuốc lá. Vì vậy, để trẻ sinh ra khỏe mạnh, phụ nữ mang thai không nên hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc và khuyên người thân không hút thuốc lá khi ở chung môi trường”- bác sĩ Thu Hằng khuyến cáo.
Theo các chuyên gia y tế, nữ giới sử dụng thuốc lá điện tử cũng gặp các vấn đề sức khỏe như nam giới nhưng nghiêm trọng nhất là các vấn đề về sức khỏe sinh sản. So với phụ nữ không hút thuốc, những chất độc hại có trong tinh dầu thuốc lá điện tử có thể gây ra những hậu quả với người hút như:
- Khả năng thụ thai thấp hơn 30%;
- Tỷ lệ sinh non cao hơn 20%;
- Tỷ lệ mang thai ngoài tử cung cao hơn từ 2 - 4 lần;
- Tỷ lệ sảy thai: cao hơn từ 1,5 - 3 lần.
Bài, ảnh: MAI ANH