Hiệu quả của việc sàng lọc sơ sinh

Cập nhật, 22:44, Chủ Nhật, 02/10/2022 (GMT+7)
Lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện và điều trị kịp thời, hiệu quả nhiều bệnh lý ở trẻ.
Lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện và điều trị kịp thời, hiệu quả nhiều bệnh lý ở trẻ.
Sàng lọc sơ sinh bằng cách xét nghiệm lấy máu gót chân là giải pháp quan trọng nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh, tật ở trẻ. Qua đó, giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
 
Tăng cơ hội phát hiện dị tật bẩm sinh
 
Thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 41.000 trẻ bị dị tật, tức khoảng 13 phút lại có một trẻ mắc dị tật bẩm sinh được sinh ra. Song, chúng ta có thể phòng tránh được những hậu quả nặng nề của dị tật đối với trẻ bằng các biện pháp sàng lọc ngay trong vòng 48 giờ đầu khi trẻ được sinh ra. Chỉ cần lấy vài giọt máu ở gót chân của bé sẽ giúp phát hiện một số bệnh, để điều trị kịp thời.
 
Tại Vĩnh Long, qua hơn 10 năm thực hiện Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, đã góp phần can thiệp sớm bệnh, tật ở thai nhi và sơ sinh. Nhờ đó, điều trị kịp thời, tránh những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
 
Nhờ xét nghiệm lấy máu gót chân sau khi sinh tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long nên con gái của chú Nguyễn Văn Tư (xã Hiếu Thuận- Vũng Liêm) được phát hiện thiếu men G6PD. Gia đình chú được các bác sĩ tư vấn theo dõi và tuân thủ điều trị lâu dài trong quá trình nuôi con, nhờ vậy, bé phát triển khỏe mạnh. “Bác sĩ tư vấn gia đình nói con bị thiếu men G6PD là bệnh di truyền. Điều trị chính là tránh những tác nhân oxy hóa: đậu, thuốc, một số loại thực phẩm... và dặn gia đình cữ, không cho con ăn các loại đậu. Mẹ lúc cho con bú cũng không ăn đậu luôn. Nhờ tuân thủ nên con gái phát triển khỏe mạnh như bao trẻ khác và đang học lớp 9”- chú Tư cho biết.
 
Theo ông Lý Thái Sơn- Trưởng Phòng Dân số truyền thông giáo dục sức khỏe (Trung tâm Y tế Nguyễn Văn Thủ- Vũng Liêm), hiện huyện đang quản lý trên 10 trẻ bị thiếu men G6PD và 1 trẻ bị suy giáp. “Qua thời gian, theo dõi và tư vấn cặn kẽ đến gia đình thì hiện tại các trẻ phát triển khỏe, bình thường”- ông Thái Sơn cho biết.
 
Sàng lọc sơ sinh- giải pháp 
nâng cao chất lượng dân số
 
TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, mục đích của sàng lọc trước sinh là phát hiện sớm các thai dị tật để xử trí kịp thời, tránh sinh ra những đứa trẻ có dị tật, dị dạng không thể chữa trị. Còn sàng lọc sơ sinh nhằm phát hiện sớm trẻ bị bệnh bẩm sinh để có biện pháp can thiệp. Đồng thời, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng rất quan trọng, giúp các cặp vợ chồng sinh con có chất lượng hơn, giảm số lượng trẻ chậm phát triển trí tuệ, dị tật, dị dạng, góp phần tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao để xây dựng và phát triển đất nước.
 
Hiện nay các cộng tác viên và cán bộ dân số ở tỉnh Vĩnh Long thường xuyên đến tận nhà tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho chị em trong độ tuổi sinh sản để tuyên truyền, vận động về sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Chị Trần Ngọc Nhân (xã Tường Lộc- Tam Bình) cho biết: “Tôi được bác sĩ tư vấn về lợi ích của xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Nếu thực hiện sàng lọc thì cơ hội sinh con khỏe mạnh nhiều hơn, giúp thai phụ giảm lo lắng về khả năng sinh con bị dị tật,... Vì vậy, ở 2 lần mang thai, tôi đều thực hiện sàng lọc để cho con sự khởi đầu tốt nhất”.
 
Việc sàng lọc sơ sinh bằng cách lấy máu gót chân của trẻ bằng giấy thấm chuyên dụng trong 48 - 72 giờ sau khi sinh để xét nghiệm, giúp phát hiện sớm các bệnh di truyền và nội tiết, cụ thể là thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh cũng được tỉnh triển khai, với sự đồng ý thực hiện của nhiều người.
 
“Đây là một chiến lược tầm soát sớm giúp chăm sóc sức khỏe cho trẻ tốt hơn trong tương lai. Việc kiểm tra sàng lọc sơ sinh được xem là biện pháp hữu hiệu nhất để có thể phát hiện sớm, kịp thời điều trị những rối loạn về thể chất tinh thần (nếu có) ở trẻ, tránh việc bệnh tiến triển tăng nặng, giúp trẻ phát triển bình thường, khỏe mạnh và có khởi đầu tốt đẹp. Ví dụ, nếu bị thiểu năng tuyến giáp bẩm sinh, trẻ sẽ được khám với bác sĩ chuyên khoa trong tuần đầu sau sinh để chẩn đoán chính xác và tiến hành điều trị. Nếu trẻ bị thiếu men G6PD sẽ được xác định tình trạng thiếu men, hướng dẫn để đề phòng tình trạng tan huyết”- TS.BS Hồ Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Khoảng 60 - 70% dị dạng, dị tật bẩm sinh đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu thai phụ được chẩn đoán sàng lọc trước sinh kết hợp với chẩn đoán sàng lọc sơ sinh sẽ phát hiện được 95% dị tật bất thường.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN