Sốt xuất huyết gia tăng

Cập nhật, 15:42, Thứ Sáu, 06/05/2022 (GMT+7)

(VLO) Bộ Y tế dự báo số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào mùa dịch. Thời tiết miền Nam đang vào mùa mưa, thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh SXH ở người. SXH nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Ở trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu, nguy cơ gặp biến chứng của SXH càng lớn.

Bác sĩ Trần Chí Công thăm khám cho bệnh nhi bị sốc do SXH nặng.
Bác sĩ Trần Chí Công thăm khám cho bệnh nhi bị sốc do SXH nặng.

“Cứ tưởng sốt thông thường, ai dè SXH”

Theo ghi nhận của phóng viên, vào trưa ngày 5/5, Khoa Truyền nhiễm- Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long đang tiếp nhận và điều trị 5 ca người lớn nhập viện vì SXH. Tỷ lệ mắc bệnh ở người lớn có nguy cơ tăng nhanh.

Em Nguyễn Thị Mai Th. (20 tuổi, xã Tân Hạnh- Long Hồ) khởi bệnh 3 ngày nay với các dấu hiệu sốt, mệt mỏi toàn thân, đau đầu. Nghĩ trời mưa, mình bị cảm sốt thông thường nên em uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, lại xuất hiện những chấm xuất huyết dưới da nên em đi khám và phải nhập viện điều trị.

Giường bên, chị Võ Thị Thanh Tr. (37 tuổi, phường Tân Hòa- TP Vĩnh Long) nhập viện từ ngày 1/5 vì mắc SXH nặng. Theo lời kể của chị Tr., chị bị nóng sốt, choáng váng mặt mày, nổi rộp đỏ khắp người “nhưng tôi cũng chủ quan nên ra nhà thuốc mua thuốc uống.

Ai dè không bớt sốt lại lạnh từ trong người lạnh ra đến toát mồ hôi, thêm chảy máu chân răng, tôi mới nghi mình bị SXH. Đi BV là nhập viện luôn, cũng may đến BV sớm, không thì nặng hơn rồi”- chị Tr. cho biết.

Ở phòng kế bên, em Kiều Tiên (21 tuổi, huyện Cái Bè- Tiền Giang) nhập viện điều trị SXH khi có triệu chứng sốt cao liên tục nhiều ngày liền kèm đau đầu, đau mỏi toàn thân, đi cầu phân lỏng, xuất huyết dưới da.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Thu Trang- Trưởng Khoa Truyền nhiễm, không chỉ có các triệu chứng ban đầu như trên, SXH cũng có thể gây các biến chứng nhanh ảnh hưởng đến tính mạng như xuất huyết, suy đa tạng, sốc, viêm cơ tim… Nhiều người thường chủ quan do lầm tưởng SXH với sốt do vi rút thông thường sẽ dần tự khỏi nên thường hay nhập viện trễ.

Người dân cần nhận biết được các dấu hiệu như: sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn, đau khớp và cơ. “SXH Dengue trên cơ địa đặc biệt như phụ nữ mang thai, trẻ nhũ nhi, người béo phì, người cao tuổi; có các bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, viêm phổi, hen phế quản, bệnh tim, bệnh gan, bệnh thận. Người sống một mình hoặc nhà ở xa cơ sở y tế, nên xem xét cho nhập viện theo dõi điều trị”- bác sĩ Thu Trang lưu ý.

Những dấu hiệu cảnh báo trẻ bệnh SXH

Không rời mắt khỏi con trai (14 tuổi, xã Thanh Bình- Vũng Liêm) đang được bác sĩ thăm khám ở Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc của Khoa Nhi- BVĐK tỉnh, chị Mộng Dung lo lắng: “Con sốt cao, tui chỉ nghĩ con bị cảm sốt thông thường nên đi bác sĩ tư chích.

Con hết sốt, sáng chuẩn bị đi học thì con ôm bụng, nói khó thở, mệt muốn xỉu. Tui đưa con vô BV huyện rồi họ tức tốc chuyển con lên BV tỉnh và bác sĩ nói con tui bị sốc do bệnh SXH trở nặng và truyền dịch chống tái sốc. Nhờ kịp thời, mà 2 ngày nay con tui khỏe đỡ nhiều rồi”.

Các bác sĩ cho biết, bệnh SXH đến nay vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và có thể tử vong.

Bệnh SXH nhẹ không có dấu hiệu cảnh báo có thể điều trị tại nhà, song trẻ cần đi khám để được bác sĩ chẩn đoán, phân loại đúng mức độ bệnh và chỉ định điều trị nội trú hay ngoại trú (phụ huynh cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo toa bác sĩ và cho trẻ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu).

Phụ huynh tuyệt đối không được tự cho trẻ uống thuốc điều trị, truyền dịch khi chưa được thăm khám, phân loại mức độ bệnh.

“Phụ huynh cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời, gồm các dấu hiệu như sốt cao trên 2 ngày, quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu, đau bụng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống...”- bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Chí Công- Phó Khoa Nhi nhấn mạnh.

Thời tiết nắng nóng kéo dài xen lẫn các đợt mưa bất chợt như những ngày qua tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát sinh lăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ lây lan bệnh SXH. Mỗi người dân cần hành động ngay để bảo vệ cho chính mình và người thân bằng cách diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi.

“Các bậc cha mẹ không để các vật dụng chứa nước có thể sinh muỗi trong nhà, loại bỏ những ly, lọ chứa nước lâu ngày. Cần dọn dẹp nhà cửa thoáng, sạch, không ẩm thấp, phát quang bụi rậm, không để nước tù đọng quanh nhà.

Ngoài ra, cần cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày, không để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt, thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm”-bác sĩ Trần Chí Công khuyến cáo.

Từ giữa tháng 4, tình hình SXH Dengue tại khu vực phía Nam giảm 23% số ca mắc/100.000 dân, tuy nhiên số ca bệnh nặng và tử vong tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Một số tỉnh, thành nằm trong danh sách tăng nhanh tỷ lệ SXH Dengue nặng, gồm: khu vực Đông Nam Bộ (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương), Tây Nam Bộ (Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Tiền Giang).

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để chủ động trong việc phòng chống SXH, không để dịch bùng phát.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN