Vắc xin phòng COVID-19 vẫn là vũ khí chiến lược

05:04, 13/04/2022

Vắc xin vẫn là "lá chắn" quan trọng nhất, yêu cầu thần tốc hơn nữa tiêm vắc xin; hoàn thành tiêm mũi hai cho trẻ từ 12 tuổi; hoàn thành tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi trong quý II; nghiên cứu tiêm mũi 4 cho nhóm dân số nguy cơ cao.

 

Vắc xin vẫn là vũ khí chiến lược, là lá chắn quan trọng nhất trong phòng chống dịch.
Vắc xin vẫn là vũ khí chiến lược, là lá chắn quan trọng nhất trong phòng chống dịch.

(VLO) Vắc xin vẫn là “lá chắn” quan trọng nhất, yêu cầu thần tốc hơn nữa tiêm vắc xin; hoàn thành tiêm mũi hai cho trẻ từ 12 tuổi; hoàn thành tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi trong quý II; nghiên cứu tiêm mũi 4 cho nhóm dân số nguy cơ cao. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng BCĐ Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tại phiên họp thứ 14 của BCĐ vừa được tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ứng phó với dịch bệnh có diễn biến phức tạp

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá trong tháng 3, tình hình dịch bệnh trong nước có những tín hiệu rất tích cực khi số ca nhiễm trong cộng đồng, số ca chuyển nặng, nhập viện và tử vong đều giảm.

Điều này tạo điều kiện để tình hình kinh tế- xã hội chuyển biến tích cực, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, an toàn, an dân, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, nối lại các hoạt động đối ngoại trực tiếp, mở cửa lại hoạt động du lịch, đón phần lớn học sinh trở lại trường…

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nguyên nhân một phần do tỷ lệ tiêm vắc xin tại Việt Nam cao; lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin của Việt Nam phù hợp, hiệu quả; năng lực y tế của Việt Nam dần được nâng lên và đáp ứng yêu cầu tốt hơn.

Tuy vậy, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, trong thời gian tới đây, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng chống dịch, nhất là trong các dịp nghỉ lễ kéo dài
sắp tới.

Thủ tướng nêu rõ: Với chiến lược vắc xin được triển khai thành công, việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết 128, nếu dịch bệnh không có những diễn biến mới, không xuất hiện những biến chủng mới thì chúng ta có thể tạm yên tâm với những kết quả đã đạt được, những việc đã làm, có thể đủ sức đối phó những chủng vi rút cũ.

Song, nếu có biến chủng mới xuất hiện mà các loại vắc xin hiện nay chưa có hiệu lực bảo vệ thì chúng ta sẽ gặp khó khăn, bị động, bất ngờ.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu hơn lúc nào hết, chúng ta tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với những diễn biến mới của dịch bệnh, vừa củng cố, thúc đẩy những việc đã làm được, vừa phải tiếp tục bám sát tình hình, dự báo, chuẩn bị các kịch bản, biện pháp để nếu có tình huống xảy ra thì không quá bị động, bất ngờ.

Cần chuẩn bị kịch bản, không để dịch bùng phát

Tại cuộc họp, nhiều đại biểu nhận định, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 chưa hoàn toàn đạt mục tiêu đề ra. Đến hết quý I/2022, cả nước có hơn 40 triệu dân số trưởng thành (từ 18 tuổi) đủ thời gian tiêm mũi 3. Tuy nhiên, hết tháng 3, mới có 33,4 triệu người được tiêm. Tỷ lệ bao phủ mũi 3 đạt 49%.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân là số người mắc COVID-19 tăng cao, trùng với thời điểm tiêm mũi 3, nên cần trì hoãn. Một bộ phận dân số đã tiêm đủ hai liều sau khi mắc COVID-19 và bình phục nên có xu hướng không tiêm mũi 3, vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra những tồn tại, yếu kém cần khắc phục ngay đó là tốc độ tiêm mũi 3 cho người lớn còn chậm; việc cung ứng, triển khai tiêm cho trẻ em từ 5- 11 tuổi chưa đạt mục tiêu đề ra.

Nguồn nhân lực thiếu khi dịch diễn biến phức tạp ở một số địa phương; điều chuyển nhân lực còn lúng túng.

Một trong những nguyên nhân là một số địa phương chưa kịp thời chuyển trạng thái thích ứng linh hoạt khi tình hình thay đổi. Công tác hậu cần, phục vụ tiêm chủng còn bất cập, phối hợp chưa chặt chẽ. Thủ tướng đề nghị cương quyết khắc phục những bất cập nêu trên.

Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu theo sát diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đồng thời, bám sát khuyến cáo các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học; kịp thời phát hiện cảnh báo, ứng phó với các diễn biến chưa dự báo được như vi rút có thể thích ứng với vắc xin; xuất hiện biến chủng mới khiến dịch bệnh khó lường.

Đồng thời, cần tập trung kiểm soát những rủi ro, các ca chuyển nặng và tử vong; tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở và đề cao ý thức của người dân.

Nhắc lại vắc xin vẫn là “lá chắn” quan trọng nhất, Thủ tướng yêu cầu tiêm vắc xin thần tốc hơn nữa; hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12 tuổi; hoàn thành tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi trong quý II; nghiên cứu tiêm mũi 4 cho nhóm dân số nguy cơ cao, vì hiệu quả miễn dịch của vắc xin suy giảm theo thời gian. “Bộ Y tế phải bảo đảm đủ vắc xin, các địa phương tổ chức tiêm chủng an toàn, khoa học, hiệu quả; vận động, tuyên truyền người dân và thực hiện các biện pháp khác để thực hiện mục tiêu đề ra.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là tự chủ về thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, kit xét nghiệm để chuẩn bị cho tình huống có biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, đợt dịch thứ tư tại Việt Nam bùng phát hồi tháng 4/2021. Vì vậy, tháng 4 năm nay, các địa phương cần chuẩn bị kịch bản, không để dịch bùng phát.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh