Bên cạnh sự nỗ lực trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, Bộ Y tế đang tích cực triển khai tiêm vắc xin COVID-19 với mục tiêu tạo nên thành trì vững chắc bảo vệ sức khỏe toàn dân trước đại dịch COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường, phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Nhân viên y tế tuân thủ khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca do Bộ Y tế ban hành. |
Bên cạnh sự nỗ lực trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, Bộ Y tế đang tích cực triển khai tiêm vắc xin COVID-19 với mục tiêu tạo nên thành trì vững chắc bảo vệ sức khỏe toàn dân trước đại dịch COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường, phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Vĩnh Long chuẩn bị kế hoạch tiêm vắc xin đợt 1
Theo TS.BS. Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, ngành y tế đã xây dựng xong kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 giai đoạn 2021-2022 để trình lên cấp trên phê duyệt. Dự kiến số lượng đối tượng tiêm vắc xin COVID-19 giai đoạn 2021-2022 của tỉnh Vĩnh Long theo Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, có trên 238.300 người (đạt tỷ lệ tiêm chủng 95%).
Căn cứ vào nguồn cung ứng vắc xin của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 cho từng đợt, điều phối đối tượng phù hợp với số lượng vắc xin và thời gian tổ chức tiêm chủng hợp lý.
“Vĩnh Long đang chuẩn bị sẵn sàng để ngay khi được tiếp nhận vắc xin COVID-19 từ Trung ương. Việc tiêm chủng vừa đảm bảo an toàn vừa đúng đối tượng theo thứ tự ưu tiên mà Nhà nước đã quy định. Khi triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải đảm bảo an toàn, hiệu quả cao nhất, trong đó sàng lọc kỹ từng đối tượng trước khi tiêm”- Phó giám đốc Sở Y tế cho biết.
Vừa qua, Sở Y tế tổ chức lớp tập huấn triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong vấn đề tiếp nhận, sử dụng, xử lý tai biến sau tiêm… cho cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Tham dự lớp tập huấn có lãnh đạo, cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Vĩnh Long); Bệnh viện Đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố nhằm bảo đảm an toàn tiêm chủng và để sẵn sàng tiêm khi có vắc xin.
Tại buổi tập huấn, các học viên được cập nhật Nghị quyết 21 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19; hướng dẫn khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin; phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ sau tiêm; sử dụng phần mềm hồ sơ sức khoẻ toàn dân - báo cáo tiêm phòng vắc xin; xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức buổi tiêm...
Chia sẻ thông tin hướng dẫn tiêm vắc xin của Bộ Y tế, BS. Lê Thị Thắng- Khoa Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm- CDC Vĩnh Long cho biết, đối với cán bộ y tế, trước khi tiêm phải trao đổi với người được tiêm, hỏi rõ về tiền sử bệnh tật xem họ có đang mắc các bệnh cấp tính, mạn tính phải điều trị hay không; có tiền sử dị ứng, sốc phản vệ hay không...
Đối với mũi tiêm tiếp theo- liều thứ 2, phải hỏi xem những mũi tiêm trước đó, người được tiêm có các phản ứng hay không. Nếu có phản ứng sốc, phản ứng nặng của lần tiêm trước đó thì phải tạm hoãn hoặc hướng dẫn cụ thể để tiêm ở các cơ sở điều trị.
Trong buổi tiêm chủng cần thực hành đúng theo hướng dẫn của chương trình tiêm chủng mở rộng, mũi tiêm là mũi tiêm bắp, cán bộ y tế không được lắc lọ vắc xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo chất lượng vắc xin tốt nhất cho mũi tiêm.
Đối với người đến tiêm chủng và cán bộ y tế, thời điểm chờ đợi được khám sàng lọc phải đảm bảo khoảng cách. Sau khi tiêm phải ở lại trạm y tế, cơ sở tiêm chủng 30 phút. Trong quá trình tiêm chủng luôn phải có cán bộ y tế theo dõi sức khỏe người được tiêm. Sau tiêm, người tiêm chủng phải ở lại 30 phút để theo dõi sức khỏe và báo cáo các dấu hiệu bất thường ngay với cán bộ y tế.
Những người đã tiêm vắc xin sẽ được cấp "Giấy xác nhận đã tiêm vắc xin COVID-19". Trên giấy xác nhận có mã QR-code, các trường hợp được tiêm vắc xin sẽ khai báo hàng ngày để tiếp tục theo dõi phản ứng sau tiêm ít nhất 7 ngày.
Không quên biện pháp 5K
Về những phản ứng sau tiêm vắc-xin COVID – 19, BS. chuyên khoa 1- Võ Văn Hạnh Phúc- Phó khoa Hồi sức tích cực và chống độc thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ, người được tiêm có thể có các triệu chứng thường gặp sau tiêm chủng, thường là đau, đỏ hoặc sưng ở vị trí tiêm.
Người được tiêm có thể bị sốt nhẹ, đau mỏi toàn thân, đau đầu hoặc cảm thấy không khỏe. Đó là những phản ứng thông thường, là dấu hiệu hệ thống miễn dịch của cơ thể đang phản ứng với các kháng nguyên được đưa vào cơ thể và hệ thống miễn dịch đang chuẩn bị để chiến đấu.
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Astra Zeneca, các phản ứng thường gặp với tỉ lệ >10% như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, khó chịu, sốt trên 38 độ C. Phản ứng tại chỗ như sưng tấy, ban đỏ tại chỗ tiêm chiếm 1- <10 %.
Cho dù các phản ứng kể trên không có vẻ nghiêm trọng nhưng trên nguyên tắc, ngành y tế luôn phải dự phòng các tình huống nguy hiểm nhất, như các phản ứng nặng. Vì vậy, khi triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID- 19, cán bộ y tế đã được tập huấn về việc sử dụng vắc xin và theo dõi, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng...
Trang thiết bị phòng chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng (nếu có) cũng được trang bị đầy đủ tại các điểm tiêm chủng. Việc triển khai vắc xin sẽ theo tiến độ cung ứng vắc-xin và việc triển khai sẽ được theo dõi, giám sát chặt chẽ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai biến.
Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Thời gian tới, nước ta đang nỗ lực thực hiện mục tiêu toàn dân được tiêm ngừa vắc xin COVID-19 bởi, muốn có miễn dịch cộng đồng thì phải "phủ" vắc xin ở 60%- 70% dân số. Vắc xin có thể được coi như thành trì giúp con người chống đỡ vi rút, tạo sự miễn dịch. Như thế vẫn chưa đủ, để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, ngoài vắc xin, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: khẩu trang; khử khuẩn; khoảng cách; không tụ tập và khai báo y tế. Đây là giải pháp khoa học, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ổn định xã hội, tiến tới phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19
Tính đến ngày 11/4/2021, Việt Nam thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại 19 tỉnh thành phố cho trên 58.000 người tuyến đầu chống dịch. Song, số người được tiêm sẽ còn tăng rất nhanh tính từ tuần này, do Bộ Y tế cho biết sẽ vận chuyển vắc xin lô mới nhận đầu tháng 4 đến 63/63 địa phương, triển khai tiêm cho 10 nhóm đối tượng ưu tiên, là diện rộng hơn hẳn so với hiện nay mới tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin