Khẩu trang thực sự là "vũ khí", là vật "bất ly thân" của mọi người giúp phòng lây nhiễm hiệu quả trong đại dịch COVID-19. Đó là một trong những biện pháp đã được Bộ Y tế cùng với Tổ chức Y tế khuyến cáo khi đại dịch xảy ra và là giải pháp đầu tiên khi thực hiện phương châm"5K".
Sử dụng khẩu trang vải ngoài hiệu quả kháng khuẩn còn hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. |
(VLO) Khẩu trang thực sự là “vũ khí”, là vật “bất ly thân” của mọi người giúp phòng lây nhiễm hiệu quả trong đại dịch COVID-19. Đó là một trong những biện pháp đã được Bộ Y tế cùng với Tổ chức Y tế khuyến cáo khi đại dịch xảy ra và là giải pháp đầu tiên khi thực hiện phương châm“5K”.
Song, các chuyên gia cho rằng việc lạm dụng khẩu trang y tế khi không cần thiết, đeo sai cách, vứt bỏ bừa bãi có thể gây nguy cơ phát tán SARS-CoV-2 trong thời điểm dịch, làm tăng lượng rác thải, ảnh hưởng đến môi trường và đặc biệt gây khó khăn cho vấn đề xử lý rác.
Rác… từ khẩu trang y tế
Khẩu trang y tế được làm từ Polypropylen, giống như tã giấy dùng một lần hoặc túi nhựa. Chúng không thể phân hủy sinh học và rất ít được tái chế. Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, khẩu trang y tế chính là một mối lo lớn của mẹ thiên nhiên bởi có thành phần nhựa nên rất khó phân hủy.
Khẩu trang y tế dùng một lớp vải nhựa, nên khi vứt ra môi trường sẽ làm gia tăng khối lượng nhựa trong môi trường và có thể đến vài trăm năm chúng mới phân hủy hết.
Thời gian qua, ngành y tế có những hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng khẩu trang, nhất là khuyến cáo phải cho khẩu trang qua sử dụng vào thùng rác đúng quy định.
Song, vẫn xảy ra tình trạng xả rác thải bừa bãi, trong đó có khẩu trang y tế được trộn chung với rác thải sinh hoạt vứt tràn lan trên những vỉa hè, nơi công cộng. Nếu mỗi người sử dụng và thải bỏ 1 khẩu trang y tế hàng ngày thì lượng khẩu trang vứt bỏ là rất lớn.
Theo bác sĩ Văn Công Minh- Giám đốc Sở Y tế, Phó BCĐ Phòng chống dịch COVID-19, việc dùng khẩu trang vải hay khẩu trang y tế để phòng chống và ngăn ngừa dịch viêm phổi do SARS-CoV-2 là điều cần thiết.
Song, người dân cần có cách sử dụng hợp vệ sinh, không nên vứt khẩu trang y tế sau khi sử dụng bừa bãi tại nơi làm việc, gia đình hay nơi công cộng, bởi đây cũng có thể là nguồn lây nhiễm bệnh, vi khuẩn trong khẩu trang dễ bị phát tán trong không khí dễ làm lây nhiễm cho những người xung quanh.
Lợi ích của việc sử dụng khẩu trang vải
Khẩu trang lúc này là vật bất ly thân của mọi người. Ngoài khẩu trang y tế, có rất nhiều người dân sử dụng khẩu trang vải để tái sử dụng.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn có điểm lợi khác là không ô nhiễm môi trường, hạn chế rác thải, còn khẩu trang y tế phải mất hàng trăm năm mới phân hủy được”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với khẩu trang vải, người dân nên có vài chiếc để thay nhau sử dụng. Khi tháo khẩu trang, nên cuộn mặt ngoài của khẩu trang vào trong, cho vào túi ny lông bọc kín để về giặt sạch, phơi nắng. Đối với khẩu trang y tế dùng một lần nên cuộn lại, để vào một túi riêng và vứt cùng rác sinh hoạt hoặc bỏ vào thùng rác công cộng. |
Cô Lê Thu Ngọc (Phường 9- TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Cả nhà cô sử dụng các loại khẩu trang vải kháng khuẩn. Cứ trưa đi làm về là rửa tay, giặt sạch, phơi ngoài nắng.
Còn đầu giờ chiều đi làm là lấy khẩu trang khác đeo vào, tối đi đâu lại mang cái khác. Mỗi người có riêng 5-7 cái khẩu trang vải, giặt sạch sau mỗi lần mang, vừa bảo vệ sức khỏe, vừa tránh lãng phí, ô nhiễm môi trường”.
Bộ Y tế có quy định về việc sử dụng khẩu trang y tế và Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo việc đeo khẩu trang y tế khi không có chỉ định sẽ gây lãng phí, đôi khi bỏ qua áp dụng các biện pháp bảo vệ quan trọng như rửa tay bằng xà bông, vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, đồ dùng…
Vì vậy, trong thời điểm này, theo PGS. TS. Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, sử dụng khẩu trang vải ngoài hiệu quả kháng khuẩn còn hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại Việt Nam, Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, người nào xả rác thải (bao gồm cả khẩu trang y tế đã qua sử dụng) không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 3- 5 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng lên 7 triệu đồng nếu vứt rác thải y tế ở nơi công cộng hoặc vào hệ thống thoát nước và cống rãnh của đô thị. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin