Cẩn trọng với rắn lục đuôi đỏ

Cập nhật, 06:21, Thứ Sáu, 12/03/2021 (GMT+7)

 

Bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

(VLO) Vài năm qua, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (HSTC-CĐ) thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long đã điều trị thành công nhiều trường hợp nguy kịch do rắn lục đuôi đỏ cắn.

Nguy kịch khi rắn lục đuôi đỏ cắn

Theo Khoa HSTC-CĐ, riêng 3 tháng cuối năm 2020, khoa tiếp nhận điều trị trên 20 ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Bệnh nhân (BN) ở các huyện Long Hồ, Tam Bình, Mang Thít và Vũng Liêm.

BN nam 31 tuổi ở xã Mỹ An (Mang Thít) bị rắn lục đuôi đỏ cắn ở bàn chân, điều trị thầy thuốc rắn ở địa hương. Sau 4 ngày, chân BN đau nhức nhiều, sưng từ bàn chân tới nếp bẹn, xuất huyết, bầm tím chân kèm chảy máu chân răng rỉ rả.

BN nhập viện tại khoa trong tình trạng rối loạn đông máu nặng, nhiễm trùng huyết. Các bác sĩ phải sử dụng 15 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục để trung hòa độc tố.

Theo cử nhân Trần Chí Thoảng (Khoa HSTC-CĐ), hiện chi phí điều trị huyết thanh kháng nọc rắn được BHYT thanh toán toàn bộ, kể cả chi phí nằm viện. Song, những trường hợp không có BHYT thì chi phí điều trị 1 ngày giường hồi sức, xét nghiệm máu và điều trị huyết thanh kháng nọc rắn khoảng 4 triệu đồng.

BN nữ 36 tuổi cũng ở Mang Thít mang thai 3 tháng, bị rắn lục đuôi đỏ cắn nhưng không nhập viện điều trị mà đi “thầy vườn trị thuốc rắn” tại quê 3 ngày.

Chỉ khi chân sưng, nhức, nổi bóng nước, viêm đỏ nhiều BN mới nhập viện tại Khoa HSTC-CĐ. Kết quả xét nghiệm, BN bị rối loạn đông máu nặng, viêm mô tế bào.

Các bác sĩ điều trị 5 lọ thuốc huyết thanh kháng nọc rắn. Sau 1 ngày điều trị, tình trạng rối loạn đông máu giảm dần, qua nguy hiểm.

Đó là 2 trong những trường hợp nhập viện trễ. Những trường hợp nhập viện sớm ngay khi bị rắn cắn, các bác sĩ điều trị huyết thanh kháng nọc rắn sớm, nên tình trạng BN ổn và không gây biến chứng rối loạn đông máu.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Hạnh Phúc- Phó Khoa HSTC-CĐ, rắn lục đuôi đỏ thuộc họ Rắn lục (Viperidae). Đây là loại rắn có nhiều nọc độc, với hơn 20 thành phần khác nhau.

Đặc biệt, khi chửa, rắn mẹ có nọc độc cao hơn bình thường. Vết cắn của loài rắn này thường chảy nhiều máu và sưng rất nhanh. Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, BN có thể gặp các hiện tượng như tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch.

Nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nạn nhân bị rắn cắn có thể gây sưng huyết phù nề, bị sốc tâm lý, chất độc di chuyển nhanh đến tim, rối loạn đông máu, tan hồng cầu, xuất huyết nội tạng, suy thận và có thể dẫn đến tử vong.

Cẩn trọng khi rắn lục đuôi đỏ cắn

Vết thương do bị rắn cắn.
Vết thương do bị rắn cắn.

Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện rất nhiều, không chỉ tại những nơi có nhiều cây cối rậm rạp, trong vườn nhà mà còn cả ngoài đường. Do loài rắn này có màu xanh lá cây, chỉ một ít phần đuôi có màu đỏ nên khi lẫn trong cây cỏ, người dân rất khó nhận biết.

Đặc thù của rắn lục đuôi đỏ là thích gần người, không sợ người. Rắn thường trú ngụ xung quanh nhà, nơi bụi cây, cửa sổ, cổng rào, gò đất cao,… Vì vậy, người dân phải hết sức cảnh giác với loài rắn này.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Hạnh Phúc, người dân cần thực hiện đúng việc sơ cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Khi gặp trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, người bên cạnh phải trấn an nạn nhân không được lo lắng, hoảng sợ.

Sau đó, rửa sạch vết thương và băng ép bất động không cần garo để hạn chế nọc độc chạy vào hệ thần kinh trung ương.

Nguyên tắc bất động là trên một khớp, chẳng hạn như cắn ở bàn chân thì bất động đến trên đầu gối. Sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để điều trị. Khi không may bị rắn cắn, không nên cố đi tìm “thầy lang điều trị rắn cắn” sẽ làm lãng phí “thời gian vàng” mà phải đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời.

Vì nếu là rắn độc cắn, BN cần được dùng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu càng sớm càng tốt. Nếu chậm trễ có thể dẫn đến tử vong hoặc biến chứng nặng, điều trị lâu dài gây tốn kém và để lại di chứng như phải tháo khớp khi bị cắn...”- bác sĩ Hạnh Phúc khuyến cáo.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân cần phát quang bờ cây bụi rậm quanh nhà, không bắc giàn hoa, dây leo… ở sân trước nhà; trồng sả hoặc rắc bột lưu huỳnh quanh nhà là những biện pháp xua đuổi rắn nên áp dụng- nhất là ở những vùng có nhiều rắn. Khi vào những nơi nghi có rắn, phải đội nón rộng vành, mặc quần áo dài, đi giày cao cổ...

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN