Dây rốn đảm nhận vai trò quan trọng khi vận chuyển oxy và dưỡng chất từ mẹ sang thai nhi, đảm bảo sự sống của bé khi còn trong bụng mẹ. Song, dây rốn thắt nút, dây rốn xoắn, dây rốn quấn cổ nhiều vòng, sa dây rốn… là những biến chứng nguy hiểm, nếu không xử trí kịp thời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của mẹ.
BVĐK Trung ương TP Cần Thơ vừa phẫu thuật cấp cứu thành công trường hợp hiếm gặp: suy thai cấp do dây rốn quấn chặt cổ tới 4 vòng. |
Dây rốn đảm nhận vai trò quan trọng khi vận chuyển oxy và dưỡng chất từ mẹ sang thai nhi, đảm bảo sự sống của bé khi còn trong bụng mẹ. Song, dây rốn thắt nút, dây rốn xoắn, dây rốn quấn cổ nhiều vòng, sa dây rốn… là những biến chứng nguy hiểm, nếu không xử trí kịp thời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của mẹ.
Mổ cấp cứu bé sơ sinh dây rốn thắt nút, sa dây rốn
Các bác sĩ Khoa Sản thuộc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Vĩnh Long phẫu thuật thành công cho nhiều sản phụ suy thai vì các biến chứng từ dây rốn thai nhi.
Vừa qua, Khoa Sản tiếp nhận một sản phụ (32 tuổi) mang thai 38 tuần. Sau thăm khám, siêu âm theo dõi trong 10 phút, phát hiện ối đã vỡ, tim thai có những dấu hiệu bất thường. Trước diễn biến của sản phụ, các bác sĩ quyết định phẫu thuật lấy thai cấp cứu. Ca phẫu thuật kéo dài 45 phút, một bé trai nặng 3,4kg chào đời khỏe mạnh, nước ối vỡ có màu rượu chát, sản phụ được cứu thành công. Điều nguy hiểm là em bé bị dây rốn thắt nút chặt.
Cũng mới đây, một sản phụ (26 tuổi) thai gần 38 tuần trở dạ nhập viện với cổ tử cung mở 8cm. Theo dõi tim thai bằng máy, bác sĩ phát hiện tim thai có dấu hiệu suy thai, đồng thời chuyển dạ diễn ra rất nhanh chóng.
Nhận định đây là trường hợp thai suy trong tử cung cần lấy thai nhanh, diễn biến cuộc chuyển dạ thuận lợi nên các bác sĩ quyết định hồi sức tích cực và theo dõi sát để giúp sản phụ sinh thường. Đội ngũ y- bác sĩ được huy động để hỗ trợ và chuẩn bị hồi sức bé ngay khi chào đời. 30 phút sau, bé trai cân nặng 3,1kg chào đời an toàn với một vòng dây rốn thắt nút như… nắm đấm.
Khoa Sản BVĐK Vĩnh Long mổ cấp cứu thành công trường hợp bé bị dây rốn thắt nút. |
Một sản phụ (33 tuổi) được người nhà đưa vào cấp cứu tại BVĐK Vĩnh Long trong tình trạng vỡ ối sớm. Ngay khi tiếp nhận, thăm khám sơ bộ cho thấy: sản phụ chuyển dạ, con so, thai 37 tuần, ối vỡ sớm, sa dây rốn, còn tim thai. Đây là trường hợp cấp cứu khẩn cấp nếu không tiến hành phẫu thuật nhanh, xử trí đúng sẽ không cứu được thai nhi.
Nữ hộ sinh phải cho tay vào âm đạo sản phụ đẩy đầu thai nhi lên để tránh tình trạng kẹt dây rốn giữa đầu thai nhi và khung chậu người mẹ và giữ nguyên khi chuyển lên phòng mổ. Tình huống khẩn cấp, các bác sĩ buộc phải bỏ qua quy trình chuẩn chuyên môn là phải có xét nghiệm để đánh giá tình trạng người bệnh trước mổ, chấp nhận rủi ro khi phẫu thuật để kịp thời cứu sống mẹ con sản phụ.
Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa Khoa Sản, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, em bé ra đời thành công chỉ sau 6 phút sản phụ nhập viện.
Những biến chứng nguy hiểm từ… dây rốn thai nhi
Qua những trường hợp trên, TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế- cho biết, dây rốn thắt nút hình thành khi em bé vận động và di chuyển bên trong bụng mẹ qua các vòng cung dây rốn.
Đây là trường hợp hiếm gặp (khoảng 0,3-2% trường hợp) trong sản khoa nhưng tỷ lệ tử vong thai nhi cao gấp 4 lần so với thai bình thường nếu không được can thiệp kịp thời. Do bé bị suy tim thai cấp trong quá trình chuyển dạ và xổ thai ra ngoài. Nguyên nhân của dây rốn thắt nút và quấn cổ là do cử động của thai nhi trong nước ối ngẫu nhiên bị quấn và thắt.
Còn sa dây rốn là một trong những tai biến sản khoa gây hậu quả là suy thai cấp nếu mổ cấp cứu lấy thai chậm, thai nhi sẽ bị suy hô hấp, hôn mê và tử vong hoặc nếu sống sót bé dễ bị tổn thương não do thiếu oxy dẫn đến di chứng.
Tùy từng trường hợp sa dây rốn mà thai nhi có thể tử vong ngay trong bụng mẹ, thậm chí trong thời gian từ vài phút đến gần 30 phút. Vì thế, khi phát hiện sản phụ bị sa dây rốn thì biện pháp phẫu thuật cứu thai nhi là ưu việt nhất. Để an toàn cho mẹ và thai nhi, khi mang thai sản phụ cần thường xuyên khám thai và theo dõi cử động thai định kỳ. Thực hiện tốt lời khuyên và chỉ định của bác sĩ.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Duy Linh- Giám đốc chuyên môn BV Quốc tế Phương Châu, vừa qua, các bác sĩ cũng phẫu thuật, bảo vệ thành công bé trai bị xoắn dây rốn. Đây là một dạng hiếm gặp của tình trạng co thắt dây rốn, có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ (phổ biến hơn trong 3 tháng giữa và cuối của thai kỳ).
Bệnh viện Quốc tế Phương Châu (TP Cần Thơ) phẫu thuật thành công bé trai bị xoắn dây rốn. |
Và là trường hợp rất khó chẩn đoán trước sinh và hầu hết các trường hợp chỉ được phát hiện sau sinh. Một số trường hợp không may, xoắn dây rốn có thể dẫn đến tình trạng thai lưu trong những tháng cuối thai kỳ.
Trong thai kỳ, khi thực hiện siêu âm Doppler có thể phát hiện được tình trạng giảm nghiêm trọng lượng máu đến thai, tình trạng thiếu oxy, tình trạng thiếu nước ối hay thai chậm tăng trưởng trong tử cung do xoắn dây rốn gây ra.
Việc theo dõi cử động thai mỗi ngày kết hợp với việc tuân thủ khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, siêu âm Doppler hay đo CTG được xem là phù hợp nhất hiện tại đối với trường hợp bị xoắn dây rốn bởi không có biện pháp nào có thể dự phòng hiệu quả tình trạng xoắn dây rốn này.
Ngày 9/4, các bác sĩ Khoa Sản của BVĐK Trung ương TP Cần Thơ vừa phẫu thuật cấp cứu thành công trường hợp hiếm gặp sản phụ thai 41 tuần 3 ngày bị suy thai cấp do dây rốn quấn chặt cổ 4 vòng. Theo TS. bác sĩ Lâm Đức Tâm, tần suất dây rốn quấn cổ tăng theo tuổi thai. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, tỷ lệ khoảng 15- 34% với 90% trường hợp là quấn 1 vòng. Dây rốn quấn cổ đơn vòng phổ biến hơn dây rốn quấn nhiều vòng. Các bác sĩ cần chú ý những trường hợp có thai chậm tăng trưởng trong tử cung hoặc suy thai lúc chuyển dạ cần được đánh giá xem có dây rốn quấn cổ nhiều vòng hay không. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin