Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Phạm Minh Thanh- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long, không thể biến một người hôm qua còn hút cả gói thuốc thì hôm nay nghỉ hút chỉ sau một ngày. Điều kiện tiên quyết để bỏ thuốc lá chính là quyết tâm cai thuốc của người hút.
Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Phạm Minh Thanh- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long, không thể biến một người hôm qua còn hút cả gói thuốc thì hôm nay nghỉ hút chỉ sau một ngày. Điều kiện tiên quyết để bỏ thuốc lá chính là quyết tâm cai thuốc của người hút.
Bước đầu tiên, cần phải xác định lý do để cai thuốc, củng cố quyết tâm cai thuốc bằng cách thông báo với các thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp; chọn ngày thích hợp để bỏ thuốc lá; lên kế hoạch hoạt động để giảm bớt căng thẳng và thèm thuốc; tìm đến các nhà tư vấn: gặp trực tiếp, nói chuyện qua điện thoại…
Bác sĩ Phạm Minh Thanh cho biết, một số tình huống dễ tái nghiện như: khi đi uống rượu, cà phê, hút theo thói quen; một người khác hút, nghe mùi nên hút theo; trầm cảm, lo âu, tăng cân sau khi bỏ thuốc, mang thuốc lá theo người…
Nên thay đổi thói quen uống cà phê và hút thuốc vì khói thuốc có chứa hydrocarbure làm tăng hoạt động men chuyển hóa cà phê ở gan khiến men gan giảm hoạt động và cafein giữ lâu hơn, nếu uống nhiều cà phê thì sẽ bứt rứt, mất ngủ. Đồng thời nên hạn chế uống rượu.
Hút thuốc lá và uống rượu là 2 hành vi thường song hành. Người nghiện thuốc lá nặng thường uống nhiều rượu, và ngược lại 95% người nghiện rượu đồng thời cũng nghiện thuốc lá nặng. Tuy nhiên người vừa nghiện thuốc lá vừa nghiện rượu lại thường chết vì tác hại thuốc lá hơn là tác hại của rượu. Khuyến cáo đưa ra là nên cai rượu trước cai thuốc lá hoặc cai đồng thời cả hai cùng lúc.
Một người khi cai thuốc lá sẽ rất dễ tăng cân. Cách để không tăng cân sau khi cai thuốc là cần điều chỉnh chế độ ăn hợp lý: sáng nhiều, trưa vừa phải và tối ít. Ăn uống đều đặn, tránh bỏ bữa, ăn vặt, ăn ít mỡ, nhiều rau và đa dạng. Nên chuẩn bị sẵn thức ăn như trái cây, yaourt để đề phòng hạ đường huyết; tránh ăn kẹo, bánh ngọt…
Những biện pháp hỗ trợ có thể kể ra là: tư vấn điều trị nhận thức, hướng dẫn để người nghiện thuốc giải quyết những tình huống khó khăn, khó chịu khi cai thuốc lá, tránh những “cạm bẫy” gây tái nghiện; thuốc hỗ trợ bao gồm nicotine thay thế, bupropion, varenicilline giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu của hội chứng cai thuốc lá trên người nghiện thực thể- dược lý...
Cho dù đó là phương pháp nào đi nữa thì thành công cai thuốc lá cũng là kết quả của một quá trình lâu dài, quyết tâm được vun đắp theo thời gian. Tái nghiện không được xem là một thất bại trong cai thuốc lá, ngược lại là một bước cần thiết, là bước đầu tiên đi đến thành công cai thuốc lá.
PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin