Giữ ấm, phòng bệnh khi trời se lạnh

Cập nhật, 16:41, Thứ Sáu, 13/12/2019 (GMT+7)

Vài ngày nay, thời tiết se lạnh, độ ẩm không khí thay đổi là điều kiện nhạy cảm, thuận lợi để các loại vi khuẩn, siêu vi dễ dàng tấn công đường hô hấp của trẻ. Riêng người lớn cũng phải biết cách bảo vệ xoang mũi, giúp mũi không bị “sụt sùi” khi thời tiết chuyển mùa.

Thời tiết Vĩnh Long se lạnh, các phụ huynh ý thức mặc ấm cho con, phòng bệnh do chuyển mùa.
Thời tiết Vĩnh Long se lạnh, các phụ huynh ý thức mặc ấm cho con, phòng bệnh do chuyển mùa.

Phòng bệnh hô hấp cho trẻ

Theo bác sĩ Lê Minh Khang- Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Triều An- Loan Trâm), thời tiết chuyển lạnh, chiều tối đến sáng nhiệt độ giảm, trong khi ngày nắng là điều kiện thuận lợi để các loại vi rút đường hô hấp phát triển, trong khi sức đề kháng của trẻ chưa đủ mạnh. Do đó, trẻ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, viêm mũi- họng, viêm phế quản, nhất là viêm phổi…

Theo các bác sĩ Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), khoảng 80% bệnh đường hô hấp là do siêu vi gây ra làm viêm nhiễm, xuất tiết đàm nhớt gây tắc nghẽn đường thở. Tình trạng này khiến trẻ khó thở, khó chịu, ăn uống kém- đặc biệt là trẻ sơ sinh và nhũ nhi.

Trẻ bị viêm đường hô hấp thường sốt, sổ mũi, nghẹt mũi, biếng ăn hoặc ói… Nặng hơn có thể là thở nhanh, cánh mũi phập phồng, nặng hơn nữa là nhìn thấy lồng ngực bị rút lõm trong khi thở vào, thở rít, tím tái. Nếu không được xử trí kịp thời bệnh sẽ tiến triển nặng, có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng trẻ.

Khi trẻ có những dấu hiệu như chảy mũi, hắt hơi, ho… phụ huynh nên thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng các sản phẩm nước muối sinh lý phù hợp với trẻ (nhỏ mũi, chai xịt mũi) nhằm làm thông thoáng đường thở, không để ứ đọng đàm nhớt, tránh tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, vi rút phát triển. Phụ huynh cần chú ý, để tránh lây lan bệnh, không cho trẻ dùng chung sản phẩm vệ sinh mũi- họng.

Để phòng các bệnh về đường hô hấp cho trẻ, bác sĩ Minh Khang khuyên cha mẹ cần chú ý vệ sinh nhà cửa, môi trường sống sạch sẽ; cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc, bú đủ sữa, ăn đủ chất vẫn là cách phòng bệnh tốt nhất.

Khi đi ra ngoài, cần giữ ấm đầu, cổ, bàn chân và đặc biệt là đừng để trẻ hít trực tiếp không khí lạnh vào phổi. Chú ý giữ ấm vào ban đêm để giúp trẻ tránh được các bệnh hô hấp mùa lạnh. Đặc biệt, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn kịp thời.

Giúp mũi không “sụt sùi”

Vừa được bác sĩ nội soi mũi xoang, chị Kim Thị Sơ May (huyện Trà Cú- Trà Vinh) cho biết: “Trời mới lạnh mấy bữa mà mũi nhức, chảy nước rồi hành nhức đầu tui ngủ hổng được. Bác sĩ nói tui bị viêm xoang hành, rồi bị polyp mũi nữa”. Còn cô Bùi Thị Thắm (xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) than: “Cứ đau nhức mũi thế này hoài chẳng làm ăn gì được. Hễ trở trời là thức trắng vì khó thở”.

Được chẩn đoán viêm xoang mũi hơn 2 năm nay, cô điều trị nhưng vẫn chưa hết và trong đầu thỉnh thoảng lại thấy có tiếng kêu ve ve. Bác sĩ chẩn đoán các niêm mạc mũi xoang ở tình trạng phù nề và quá phát. “Bác sĩ khuyên mổ nhưng tui nghe mổ tui sợ nên lần lựa mãi, uống thuốc hoài không hết. Nhưng đau nhức khó chịu vầy tui đồng ý vài bữa nữa mổ...”.

Theo bác sĩ Chuyên khoa 1 Vương Trương Chí Sinh (Khoa Tai Mũi Họng thuộc Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An- Loan Trâm), tình trạng bệnh viêm mũi xoang (VMX) là khá phổ biến. Bên cạnh những bệnh nhân mới phát hiện thì cũng không ít bệnh nhân được phẫu thuật do viêm nhiễm nặng hay phải cắt polyp mũi xoang.

Bệnh VMX xảy ra quanh năm, thường gặp khi thời tiết chuyển mùa. Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi thất thường làm bệnh dễ tái phát, thì còn do những nguyên nhân của người bệnh. Ví dụ: bệnh nhân có những bất thường về cấu trúc mũi xoang, bị khối u, polyp mũi xoang, hay bị VMX dị ứng...

Nếu người bệnh không điều trị triệt để thì bệnh rất hay tái phát. Đó là chưa kể hiện nay người bị VMX rất chủ quan với việc giữ vệ sinh vùng mũi xoang, thậm chí có người còn xem nhẹ việc này nên rất dễ làm bệnh tái phát. Không ít bệnh nhân thường do bận rộn nên khi bệnh nhẹ, người bệnh hay lướt qua và không để ý chữa một cách triệt để. Gặp lúc sức đề kháng cơ thể suy giảm hay nhiễm siêu vi, cảm lạnh thì các bệnh này bùng phát trở lại.

Nguy hiểm hơn là người bệnh tự mua thuốc điều trị nhưng không hết. Có trường hợp bệnh đến khám lấy thuốc uống một tuần thấy đỡ rồi tự ý ngưng thuốc, không đi tái khám hoặc dùng toa cũ để mua thuốc. Gặp nhà thuốc không có những loại thuốc theo toa, tự ý thay thế những loại thuốc khác thì rất nguy hiểm cho bệnh nhân.

Theo bác sĩ Chí Sinh, khi điều trị những đợt VMX cấp xong, người bị VMX mãn ngoài thăm khám theo đúng chỉ định để bác sĩ chuyên khoa theo dõi bệnh, thì khâu vệ sinh mũi xoang thông thoáng hàng ngày là rất cần thiết.

Rửa mũi đúng cách và lựa chọn các sản phẩm nước muối có nồng độ phù hợp là cách điều trị hỗ trợ cực kỳ quan trọng loại bỏ vi khuẩn, nấm, máu tụ, vảy mũi… giúp cho bệnh nhân ít nghẹt mũi, dễ chịu và mau hồi phục. Việc này có thể thực hiện tại nhà.

Nếu bệnh hay tái đi tái lại trong năm, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công ăn việc làm cho người bệnh thì tùy vào tình trạng bệnh mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ có hội chẩn rõ ràng, mới quyết định nên hay không nên phẫu thuật.

Theo các chuyên gia y tế, trong chuyên khoa tai mũi họng, VMX là bệnh lý rất thường gặp, chiếm tới 20- 25% dân số, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống cũng như có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như áp xe não, viêm tai giữa, viêm phế quản...

 

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG