30 người theo dõi bệnh bạch hầu ở Đắk Lắk đều có kết quả âm tính

08:09, 04/09/2019

Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó 1 trường hợp đã tử vong.

Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó 1 trường hợp đã tử vong.

Bệnh nhân đang điều trị cách ly tại BVĐK vùng Tây Nguyên. Ảnh: VTV
Bệnh nhân đang điều trị cách ly tại BVĐK vùng Tây Nguyên. Ảnh: VTV

Sáng 4/9, BS. Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, 30 bệnh nhân được cách ly theo dõi bệnh bạch hầu tại các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh đều có kết quả âm tính.

Ngày 30/8, bệnh nhân đầu tiên tử vong do bệnh bạch hầu là H’Si Yan (sinh năm 2013, trú buôn H’Ring, xã Ea H’Đinh, huyện Cư M’gar). Từ khi xuất hiện trường hợp tử vong đầu tiên cho đến ngày 2/9, tại xã Ea H’Dinh đã có thêm 3 ca có kết quả dương tính với bệnh bạch hầu và 30 ca được cách ly theo dõi tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên và BVĐK huyện Cư M’gar.

Mặc dù 30 bệnh nhân nói trên đều có kết quả âm tính với bệnh bạch hầu, nhưng họ chưa được xuất viện mà sẽ tiếp tục được cách ly tại cơ sở y tế đủ 7 ngày theo quy định. Trong quá trình cách ly, mọi chi phí ăn, ở, sinh hoạt đều được ngành y tế hỗ trợ.

Đối với 3 bệnh nhân dương tính với bệnh bạch hầu hiện được điều trị tại BVĐK vùng Tây Nguyên, BS. Võ Minh Thành, Phó Giám đốc BV cho biết, sức khỏe của 3 người này đang diễn biến tốt và dần ổn định. BV tiếp tục điều trị cách ly cho các bệnh nhân đủ 14 ngày theo quy định.  

Cấp 20.000 viên thuốc đặc trị phòng bệnh bạch hầu

Sở Y tế Đắk Lắk cũng vừa ban hành kế hoạch về việc phối hợp tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu.

Ngay sau khi có chẩn đoán trường hợp đầu tiên mắc bệnh bạch hầu và tử vong tại xã Ea H’Ding, Sở Y tế đã trực tiếp đến vùng dịch, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời chỉ đạo cấp hơn 20.000 viên thuốc đặc trị cho gần 1.000 người dân trong vùng xuất hiện ca bệnh; phun hóa chất diệt khuẩn, cắm biển báo cách ly, tuyên truyền, vận động người dân hạn chế đi vào vùng dịch.

Về giải pháp ứng phó với bệnh bạch hầu trong thời gian tới, Sở Y tế Đắk Lắk cho biết sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch khẩn cấp để phòng chống bệnh bạch hầu trên toàn tỉnh. Tổ chức tập huấn ngay cho các bác sĩ điều trị và cán bộ y tế dự phòng tại huyện Cư M’Gar về công tác giám sát, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân mắc bệnh.

Song song với đó là điều tra đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng tại xã Ea H’Ding để xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho các đối tượng từ 2 tháng tuổi đến 45 tuổi.

Sở Y tế đề nghị các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp phòng bệnh đường hô hấp nói chung và bệnh bạch hầu nói riêng, lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh, chú ý tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng; theo dõi sức khỏe học sinh, phối hợp ngành y tế phát hiện sớm học sinh mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời; tăng cường công tác vệ sinh môi trường…

Xã Ea H’đinh đặt biển cảnh báo hạn chế người dân qua lại khu vực gần nhà bệnh nhân để phòng ngừa nguy cơ lây bệnh. Ảnh: Báo Đắk Lắk
Xã Ea H’đinh đặt biển cảnh báo hạn chế người dân qua lại khu vực gần nhà bệnh nhân để phòng ngừa nguy cơ lây bệnh. Ảnh: Báo Đắk Lắk

Phòng bệnh bạch hầu thế nào?

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp, hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân, hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc, hay nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng; thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi; có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Trước đây bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước, nhưng từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine và tiếp xúc với mầm bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Theo Chinhphu.vn

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh