Bệnh sởi sau nhiều năm khống chế, nay tái mắc lại ở nhiều địa phương, nhất là bùng phát gần đây ở phía Nam. Còn sốt xuất huyết, tay chân miệng (TCM), dù tổng số ca bệnh 10 tháng qua trên cả nước giảm so cùng kỳ, nhưng lại gia tăng trong thời điểm còn mưa và giao mùa Đông- Xuân.
Bệnh sởi sau nhiều năm khống chế, nay tái mắc lại ở nhiều địa phương, nhất là bùng phát gần đây ở phía Nam. Còn sốt xuất huyết, tay chân miệng (TCM), dù tổng số ca bệnh 10 tháng qua trên cả nước giảm so cùng kỳ, nhưng lại gia tăng trong thời điểm còn mưa và giao mùa Đông- Xuân.
Các bệnh truyền nhiễm này được dự báo vẫn diễn biến phức tạp.
Tiêm mũi vắc xin phối hợp sởi- rubella (nhắc lại) khi trẻ 18 tháng tuổi. |
Trẻ mắc sởi do không tiêm và chưa tới tuổi tiêm ngừa
Trong 9 tháng của năm 2018, số ca phát ban cả nước tăng 9 lần và sởi tăng 23 lần so với cùng kỳ năm 2017. Miền Bắc vẫn là khu vực chiếm đa số với 2.094 ca bệnh (91%), kế đến là miền Nam 197 ca bệnh (8,46%), số ít còn lại ở miền Trung, Tây Nguyên.
Các yếu tố nguy cơ xảy ra bệnh sởi ở các địa phương gồm có: nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, nơi di biến động dân cư cao, tỷ lệ đối tượng được quản lý thấp và tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Thống kê trên cả nước, trên 83% trẻ dưới 5 tuổi mắc sởi, trong đó hơn 19% trẻ dưới 9 tháng (độ tuổi chưa tiêm phòng sởi) mắc bệnh. Còn lại không tiêm ngừa và mắc sởi là 52,5%, không rõ tiền sử tiêm ngừa và mắc sởi chiếm 36%.
Tại Vĩnh Long, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế cho thấy trong 9 tháng qua, số phát ban tăng 50% so cùng kỳ năm 2017, trong đó có 3 trường hợp sởi (tháng 8: 1 ca ở Mang Thít, tháng 9: 1 ca ở Vũng Liêm và 1 ca ở Tam Bình). Cả 3 trường hợp bệnh sởi ở tỉnh đều dưới 9 tháng tuổi nên chưa tới độ tuổi chủng ngừa.
Trong thông tin tình hình dịch bệnh gần đây, Cục Y tế dự phòng có đánh giá tỷ lệ trẻ chưa tới độ tuổi để tiêm sởi mũi 1 (9 tháng tuổi) mắc bệnh sởi được coi là “lỗ hổng miễn dịch của bà mẹ”.
Tương tự, với hơn 52% trẻ không tiêm ngừa vắc xin sởi và khoảng 36% trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng là “lỗ hổng miễn dịch của trẻ nhỏ”.
Trong tiêm chủng mở rộng, trẻ được tiêm mũi sởi 1 khi được 9 tháng tuổi, đến 18 tháng tuổi trẻ được tiêm nhắc mũi vắc xin phối hợp sởi- rubella.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế Vĩnh Long- cho biết theo khuyến cáo, một khi trẻ được tiêm ngừa vắc xin sởi đầy đủ, thì trẻ sẽ có miễn dịch suốt đời với bệnh sởi.
Theo ngành y tế, phương hướng phòng bệnh sởi là: khống chế đường lây truyền, tạo miễn dịch cho cộng đồng và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.
Ở khống chế đường lây truyền, cụ thể gồm: giám sát ca bệnh, thống kê báo cáo, cách ly điều trị ca bệnh, kết hợp y tế- giáo dục cho trẻ mắc bệnh nghỉ học.
Để tạo miễn dịch cộng đồng, các cơ sở y tế cần: quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, đảm bảo an toàn tiêm chủng, tiêm sởi mũi 1, 2 đạt trên 95%, tăng độ bao phủ miễn dịch (trẻ trên 18 tháng tuổi, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ).
Hàng xóm với trẻ bệnh tay chân miệng cũng mắc bệnh
Theo thống kê Cục Y tế dự phòng, 9 tháng qua cả nước có 47.957 ca mắc bệnh TCM, 6 ca tử vong. Cùng thời điểm, số ca TCM ở Vĩnh Long giảm 56,4% so với cùng kỳ.
Bệnh lây qua đường hô hấp, mùa bệnh (còn gọi “đỉnh dịch”) có 2 thời điểm: tháng 3- 5, tháng 9-12. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, với đường lây truyền chủ yếu: tiếp xúc đồ dùng, đồ chơi nhiễm vi rút; qua thức ăn, nước uống; bàn tay của trẻ, người chăm sóc trẻ; qua dịch tiết đường hô hấp, nước bọt.
Theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam có hơn 80% số trẻ mắc TCM từ 0- 3 tuổi. Tỉnh Vĩnh Long hơn 83% số trẻ mắc TCM từ 0- 3 tuổi. Trẻ bệnh TCM rồi vẫn có thể bệnh tiếp, do nhiễm tuýp vi rút khác.
Có 3 hành vi dẫn tới trẻ mắc bệnh TCM: rửa ráy, chơi đồ chơi, tiếp xúc. Kết quả điều tra của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh về hành vi nguy cơ lây nhiễm bệnh TCM cho thấy: 52% trẻ không rửa tay trước khi ăn uống; 49% người chăm sóc trẻ không rửa tay trước khi cho trẻ ăn; 45% trẻ mút tay; 44% trẻ dùng chung đồ chơi; 43% trẻ ngậm đồ chơi; 32% trẻ tiếp xúc với trẻ bệnh...
Đáng nói, có 27% trẻ bệnh do đi khu vui chơi công cộng (tiếp xúc) và 27% trẻ mắc TCM do là hàng xóm với trẻ bệnh (do chơi đồ chơi).
Theo chuyên gia y tế dự phòng, phòng bệnh TCM rất đơn giản, đó là hạn chế yếu tố nguy cơ từ chính nguyên nhân trẻ bệnh: giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường (đồ dùng đồ chơi của trẻ ở nhà và trường học), giữ bàn tay sạch (cả trẻ và người chăm trẻ).
Sốt xuất huyết: mật độ côn trùng cao
Thống kê Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long, năm nay mật độ côn trùng tăng cao từ tháng 4 và kéo dài liên tục đến tháng 8. Theo đó, số ca bệnh sốt xuất huyết cũng tăng từ tháng 5 và kéo dài đến tháng 9.
Có sự liên quan rõ rệt giữa sự gia tăng côn trùng và số ca mắc sốt xuất huyết. Nguy cơ dịch xảy ra ở những nơi có chỉ số côn trùng cao, mật độ dân cư cao. Mắc bệnh rồi có thể mắc bệnh tiếp (tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết là vi rút Dengue có 4 tuýp).
Thống kê của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, năm 2018, số ca sốt xuất huyết khu vực phía Nam giảm 23% so với cùng kỳ 2017. Tại Vĩnh Long, 9 tháng qua, số mắc sốt xuất huyết giảm 46% so với cùng kỳ.
Hết 3 quý năm nay, ngành y tế tỉnh phát hiện và xử lý kịp thời 132/132 (100%) ổ dịch sốt xuất huyết, giảm 13,7% so với cùng kỳ 2017 (153 ổ dịch), qua đó khống chế nguồn lây, không để bùng phát thành dịch lớn.
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, quan trọng của phòng bệnh sốt xuất huyết là diệt muỗi, diệt lăng quăng. Đó là cách để khống chế nguồn bệnh, đường lây truyền.
Bên cạnh đó là truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng, trong đó chú trọng kết hợp với báo chí, tổ chức đoàn thể, nhà trường,...
Khống chế nguồn bệnh thì phải làm tốt 2 công tác là giám sát dịch tễ gồm giám sát ca bệnh, côn trùng, xác định ổ dịch, dự báo nguy cơ... và ngăn chặn nguồn lây phải xử lý kịp thời ổ dịch, triển khai chiến dịch diệt lăng quăng và phun thuốc chủ động diệt muỗi diện rộng...
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin