Trong các khuyến cáo, Viện Pasteur yêu cầu phòng chống cúm cần thường xuyên liên tục, bắt đầu từ nơi có đối tượng nguy cơ mắc cao...
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khử khuẩn, vệ sinh khu điều trị cách ly bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh trong buổi giám sát tình hình bệnh cúm A/H1N1 mới đây đã đánh giá công tác phối hợp giữa khâu điều trị và khối dự phòng ở Vĩnh Long trong phản ứng với các ca bệnh cúm vừa qua là chặt chẽ. Trong các khuyến cáo, Viện Pasteur yêu cầu phòng chống cúm cần thường xuyên liên tục, bắt đầu từ nơi có đối tượng nguy cơ mắc cao...
2 ổ dịch cúm A/H1N1 cách nhau gần 1 tháng
Báo cáo tháng 7/2018 của Sở Y tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh ghi nhận có ca bệnh và tử vong do cúm A/H1N1. Cụ thể ngày 5/7, ghi nhận 1 trường hợp tử vong dương tính cúm A/H1N1. Bệnh nhân là nữ (56 tuổi) ngụ huyện Tam Bình.
Dấu hiệu dịch tễ không rõ. Nhưng trước đó bệnh nhân có đi du lịch và trong lúc đi cho tới về đã bị đau đầu, ho, sốt... Ca nhiễm cúm A/H1N1 này nằm trong ổ dịch khởi phát ngày 29/6.
Trước đó, ngành y tế tỉnh ghi nhận chùm ca bệnh với 2 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1 tại TX Bình Minh. 2 bệnh nhân là bà N.T.M.B. (63 tuổi, ở huyện Bình Tân) và N.T.T. (84 tuổi, ở TX Bình Minh), nằm trong số các bệnh nhân từ ngày 7- 8/6 vào Trung tâm Y tế TX Bình Minh điều trị bệnh mãn tính.
Khoảng 1 tuần sau khi mắc cúm A/H1N1, các bệnh nhân được cách ly theo dõi, điều trị tích cực, ổn định và đã xuất viện.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long (Sở Y tế), 6 tháng qua, tỉnh Vĩnh Long phát hiện 2 ổ dịch cúm A/H1N1 với các trường hợp trên. Hơn 100 người tiếp xúc với các ca bệnh, trong đó có 69 nhân viên y tế, 32 người nhà và người đi cùng xe cấp cứu.
Sở Y tế sau khi được báo cáo các ổ dịch cúm trên, đã lập đoàn giám sát, điều tra xác minh; chỉ đạo tăng cường phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, sở chỉ đạo trung tâm kiểm soát bệnh tật và các trung tâm y tế hướng dẫn cán bộ y tế áp dụng các biện pháp phòng chống lây nhiễm cho nhân viên y tế, vận động nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng cúm mùa; không cách ly, không dùng Tamiflu khi chưa có biểu hiện của cúm; theo dõi sức khỏe của cán bộ y tế tham gia khám điều trị các bệnh nhân...
Truyền thông phòng chống bệnh lây qua đường hô hấp cho người nhà của các bệnh nhân nằm phòng cách ly; truyền thông nội viện về bệnh lây qua hô hấp.
Sau khi có kết quả dương tính với cúm A/H1N1, sở đã thông báo cho trung tâm y tế các huyện để phổ biến đến các xã có người bệnh cư trú, phối hợp điều tra yếu tố dịch tễ liên quan.
Truyền thông phòng bệnh tại địa phương về cúm mùa như: mang khẩu trang khi tiếp xúc với những người xung quanh; khi có sốt, ho, đau họng phải đến ngay bệnh viện để được khám, điều trị; nếu có tiếp xúc với người bệnh cúm phải khai báo...
Tuyên truyền nâng ý thức phòng chống cúm
Trước diễn biến dịch bệnh cúm A/H1N1 xuất hiện ở tỉnh, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã cử đoàn đến tỉnh giám sát, khuyến cáo phòng chống dịch.
TS.BS Nguyễn Vũ Thượng- Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh- cho biết, cúm A/H1N1 là một thể của cúm mùa. Cúm mùa mỗi năm thế giới có khoảng 1 tỷ người mắc bệnh. 3-5 triệu người trong đó là bệnh nặng và từ 300.000- 900.000 người tử vong.
Bác sĩ Lương Chấn Quang- Khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh- cho biết, cúm mùa không gây nặng, nhưng sẽ làm nặng bệnh nền ở bệnh nhân nguy cơ cao.
Theo bác sĩ Lương Chấn Quang, đa số chúng ta nghĩ miền Nam xứ nóng, ít có bệnh cúm. Nhưng không phải, cúm mùa vẫn diễn biến y như miền Bắc, có điều không theo mùa, nên người dân lơ là phòng bệnh. “Truyền thông phòng chống cúm là rất quan trọng mà cụ thể là tuyên truyền để tiêm ngừa cúm mùa ở những người nguy cơ cao”- bác sĩ Lương Chấn Quang khuyến cáo.
Truyền thông nội viện phòng chống cúm cho bệnh nhân, thân nhân và nhân viên y tế |
Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng, cần nhận định được yếu tố nguy cơ ở đối tượng nguy cơ mắc cúm.
Cúm tấn công chủ yếu bệnh nền của bệnh nhân, mà bệnh viện là nơi có nhiều bệnh nhân (tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp). Nếu như có cúm xảy ra, thì các bệnh nhân này nguy cơ nhiễm cao nhất, dễ tăng nặng, tử vong... Nên dự phòng bệnh cúm cần phải giám sát đối tượng này.
Vẫn theo bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng, phải thiết lập hệ thống giám sát trong bệnh viện. Bởi ngoài giám sát bệnh nhân nguy cơ cao, hệ thống còn biết nhân viên y tế nào có dấu hiệu của cúm để can thiệp, vận động tiêm ngừa, tránh lây nhiễm chéo.
Chú trọng truyền thông nội viện, bằng băng rôn, khẩu hiệu, ti vi. Như ti vi chiếu khuyến cáo: ho nên đeo khẩu trang, không khạc nhổ bừa bãi là đã tuyên truyền phòng bệnh hô hấp, trong đó có cúm. Mục tiêu cuối cùng là phòng chống dịch bệnh từ chính trong cơ sở y tế tới cộng đồng... để giảm bệnh, tránh tăng nặng, không để tử vong.
Bác sĩ Văn Công Minh- Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- ghi nhận các khuyến cáo từ tuyến trên để phối hợp tốt hơn trong trường hợp dự phòng và điều trị cúm tại địa phương.
Theo bác sĩ Văn Công Minh, khi người nào đó có dấu hiệu cúm như sổ mũi, hắt hơi, đau đầu, sốt cao... nên đến cơ sở y tế khám để được tư vấn điều trị phù hợp; không lơ là và tự ý mua thuốc uống. Ngành y tế luôn sẵn sàng trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất nhằm đảm bảo thu dung, điều trị; phân tuyến, phân luồng tránh lây nhiễm, lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Cúm tấn công chủ yếu bệnh nền của bệnh nhân, mà bệnh viện là nơi có nhiều bệnh nhân (tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp). Nếu như có cúm xảy ra, thì các bệnh nhân này nguy cơ nhiễm cao nhất, dễ tăng nặng và tử vong... |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin