Nhiều mối nguy từ bệnh do muỗi gây ra

02:09, 22/09/2017

Ghi nhận tình hình bệnh truyền nhiễm thời gian qua tại tỉnh đã có ca bệnh do vi rút Zika, bệnh sốt xuất huyết (SXH) gia tăng, bệnh sốt rét cũng tăng... Đó là những bệnh lây truyền mà nguyên nhân do muỗi gây ra.

 

 

Người dân tìm hiểu các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết do ngành y tế tỉnh tổ chức.
Người dân tìm hiểu các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết do ngành y tế tỉnh tổ chức.

Ghi nhận tình hình bệnh truyền nhiễm thời gian qua tại tỉnh đã có ca bệnh do vi rút Zika, bệnh sốt xuất huyết (SXH) gia tăng, bệnh sốt rét cũng tăng... Đó là những bệnh lây truyền mà nguyên nhân do muỗi gây ra.

Bệnh SXH, sốt rét đều tăng

Trong tháng 9 năm nay (thời điểm 15/8- 15/9), ngành y tế cho biết có 220 ca bệnh SXH, trong đó có 168 trường hợp ghi nhận tại các bệnh viện trong tỉnh, còn lại 52 ca ở các bệnh viện ngoài tỉnh. So tháng cùng kỳ năm 2016, bệnh tăng 163 ca (285,96%).

Theo Sở Y tế, bệnh truyền nhiễm này cộng dồn từ đầu năm đến nay là 1.337 ca, tăng gần 100%.

Trong khi bệnh SXH gia tăng, thì vừa mới đây ngành y tế tỉnh cũng ghi nhận một trường hợp bệnh do vi rút Zika đầu tiên tại tỉnh. Bệnh nhân là N.H.K. (63 tuổi, ngụ xã Trung Chánh- Vũng Liêm). Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân trước đó đi- về từ Đồng Nai, sau đó có đến Trung tâm Y tế Nguyễn Văn Thủ ở Vũng Liêm khám.

Cơ sở y tế trên đã lấy mẫu gửi y tế dự phòng tỉnh để gửi xét nghiệm do nghi ngờ Zika. Kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh phản hồi, bệnh nhân dương tính với vi rút Zika.

Riêng ở miền Tây Nam Bộ, năm ngoái Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thống kê có Long An, Trà Vinh đã có ca bệnh do vi rút Zika. Tạm lắng một thời gian, nay bệnh có dấu hiệu quay lại.

Trong tháng qua, cơ quan y tế dự phòng cũng phát hiện một bệnh nhân sốt rét, nâng tổng số đầu năm đến nay là 4 ca, tăng 3 ca (75%) so cùng kỳ 2016. Mới nhất là trường hợp nam bệnh nhân (27 tuổi, ngụ xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) bị sốt rét ngoại lai. Bệnh nhân sau điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh hiện đã ổn định.

Cơ quan y tế dự phòng cho biết hầu hết các ca bệnh sốt rét tại tỉnh là sốt rét ngoại lai, do người dân đi đến vùng có sốt rét lưu hành (một số tỉnh miền Đông và Tây Nguyên) và nhiễm ở đó. Dù vậy, số ca bệnh trong các năm qua tại tỉnh rất ít: năm 2014 (5 ca), 2015 (4 ca).

Diệt lăng quăng để tránh bệnh do muỗi

Theo Trung tâm Y tế Nguyễn Văn Thủ, ca bệnh Zika ghi nhận hồi đầu tháng 8, nay đã gần 2 tháng. Thường việc điều tra, giám sát khoảng 2 tuần sau phát hiện ca bệnh và không ghi nhận bệnh mới thì tình hình ổn.

Trước đó sau khi phát hiện ca bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long phối hợp Trung tâm Y tế Nguyễn Văn Thủ và trạm y tế địa phương điều tra, giám sát, xử lý yếu tố gây bệnh xung quanh và hiện đã khống chế hoàn toàn.

Theo tài liệu y tế, tác nhân truyền bệnh SXH và bệnh vi rút Zika đều do muỗi vằn. Biểu hiện lâm sàng của 2 bệnh trên gần giống nhau như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau cơ, đau khớp...

Gáo dừa, chai trồng hoa thủy canh là nơi ở của lăng quăng và sinh sôi muỗi.
Gáo dừa, chai trồng hoa thủy canh là nơi ở của lăng quăng và sinh sôi muỗi.

Bệnh SXH có biểu hiện rõ rệt và nguy cơ tử vong cao khi bệnh trở nặng. Trong khi biến chứng rõ nhất của bệnh do vi rút Zika là dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh do lây từ mẹ bệnh khi mang thai.

Với sốt rét, trong số 20 tỉnh khu vực Nam Bộ và Lâm Đồng, tỉnh Vĩnh Long nằm trong 8 tỉnh- thành được Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng TP Hồ Chí Minh thống nhất đưa vào lộ trình chiến lược loại trừ sốt rét đến năm 2017. Những năm sau đó sẽ loại trừ cho các địa phương còn lại.

Báo đài tỉnh thời gian qua thông tin liên tục về diễn biến tăng và nguy cơ bệnh do vi rút Zika trong cộng đồng.

Các bác sĩ cả dự phòng và điều trị đều khuyến cáo người dân đảm bảo vệ sinh môi trường sống; đặc biệt là chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi, tránh muỗi chích để không bị truyền bệnh. Sẽ không muộn nếu từ giờ, hàng ngày, hàng tuần người dân kiểm soát lăng quăng, phòng tránh muỗi quanh nơi ở của mình.

 

Bộ Y tế trong những lần kiểm tra, ra quân phát động phòng chống SXH và bệnh do vi rút Zika có cho rằng, xét về yếu tố nguy hiểm thì bệnh SXH phức tạp hơn bệnh do vi rút Zika. Đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 130.000 ca bệnh SXH, 29 trường hợp tử vong. Đây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, phổ biến ở nước ta. Trong khi, Zika đến nay trên thế giới không có trường hợp tử vong.

  • Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh