Những vị thuốc, cây thuốc mang tên gà

01:01, 24/01/2017

"Con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi..." thành ngữ quen thuộc về ẩm thực. Đối với gà - gia cầm gần gũi với đời sống con người, từ tiếng gáy báo hiệu ngày mới sắp bắt đầu, đến những chú gà chễm chệ trên bàn thờ gia tiên hay việc dùng thịt, trứng gà để bồi bổ sức khỏe… thì tên của nó cũng được dùng đặt cho một số thảo mộc. 

"Con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi..." thành ngữ quen thuộc về ẩm thực. Đối với gà - gia cầm gần gũi với đời sống con người, từ tiếng gáy báo hiệu ngày mới sắp bắt đầu, đến những chú gà chễm chệ trên bàn thờ gia tiên hay việc dùng thịt, trứng gà để bồi bổ sức khỏe… thì tên của nó cũng được dùng đặt cho một số thảo mộc.

Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, bác sĩ CKII Vũ Đình Quỳnh, Phó Giám đốc BV Y học cổ truyền TP Cần Thơ giới thiệu đến quý độc giả Báo Cần Thơ một số vị thuốc, cây thuốc mang tên gà.

KÊ QUAN HOA

Còn có tên gọi khác là Mồng gà, Mào gà, Thanh tương tử hay Kê quan, là loại cây cỏ sống quanh năm, thân mọc thẳng, nhẵn, mang nhiều cành, cao từ 30cm đến 1,5m hoặc hơn. Cây được trồng khắp nơi trong nước để làm cảnh và làm thuốc. Có hai loại: mào gà trắng (hoa trắng) và mào gà đỏ (hoa đỏ).

- Công dụng và liều dùng: Theo tài liệu cổ, mào gà trắng (thanh tương tử) có vị đắng, hơi hàn, vào can kinh. Có tác dụng khứ phong nhiệt, thanh can hỏa, làm sáng mắt. Dùng chữa những trường hợp phong nhiệt làm mắt đau. Dân gian dùng làm thuốc thu liễm cầm máu, chữa tiêu chảy, xích bạch lỵ, thổ huyết, chảy máu cam, tử cung xuất huyết. Mào gà đỏ có vị ngọt, tính mát vào hai kinh can và đại trường, có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu. Dùng chữa xích, bạch lỵ, trĩ chảy máu. Lưu ý những người tích trệ (ăn uống chậm tiêu, đầy bụng) không dùng được. Liều dùng: dùng 4 – 12g/ngày thuốc sắc hoặc thuốc viên.

- Bài thuốc có hoa mào gà: Chữa trĩ ra máu: dùng 8 – 15g cả hoa và hạt cây mào gà, dùng với 200ml nước sắc còn 100ml chia 2-3 lần uống trong ngày. Chữa dạ dày, ruột chảy máu, tử cung xuất huyết, lỵ ra máu, kinh nguyệt kéo dài: dùng 10g hoa mào gà đỏ khô hoặc 25-30g tươi sấy khô, tán nhỏ chia 3-4 lần uống trong ngày.

KÊ ĐẢN TỬ

- Còn có tên khác là Miến chi tử, cây đại, hoa đại, hoa sứ là loại cây cao từ 3 – 7m, cành mẫm to. Lá mọc so le sít nhau, thường tập trung ở đầu cành, hoa màu trắng hoặc đỏ rất thơm. Cây được trồng làm cảnh khắp nơi trong nước.

 Hoa mào gà (Kê quan hoa)
Hoa mào gà (Kê quan hoa)

- Công dụng và liều dùng: vỏ thân và vỏ rễ dùng dạng thuốc sắc 5 – 10g vỏ trong 200ml; có tác dụng tẩy mạnh, dùng chữa thủy thũng. Hoa đại dùng làm thuốc chữa ho, cao huyết áp (liều dùng 6 – 12g/ngày sắc với 200ml còn 100 ml chia 2-3 lần uống, có thể ngâm như trà uống nhiều lần trong ngày). Nhựa cây đại bôi chữa vết chai ở chân.

KÊ NỘI KIM

Còn có tên Kê hoàng bì, Kê chuẩn bì, Kê tố tử. Là lớp màng màu vàng phủ mặt trong của mề hay dạ dày con gà sau khi rửa sạch, phơi khô rồi đem sao với cám hoặc cát cho vàng, thơm, giòn để làm thuốc. Thuốc có tác dụng làm tăng co bóp dạ dày, tăng tiết dịch vị, kích thích tiêu hóa.

- Công dụng và liều dùng: theo tài liệu cổ, kê nội kim có vị ngọt, tính bình vào hai kinh phế và tỳ, có tác dụng tiêu thủy cốc, trợ tỳ vị. Dùng trong những trường hợp đau bụng, ăn uống không tiêu, bụng đầy chướng, viêm đại tràng, tiểu tiện ra máu. Liều dùng 3 – 10g sắc uống hoặc thuốc bột, ngày uống hai lần, mỗi lần 1,5 – 3g.

- Bài thuốc dùng Kê nội kim:

+ Trị chứng cam tích (bụng đầy, ăn ít): Kê nội kim sao 60g, tán bột, mỗi lần uống 4 – 6g, ngày 2 lần với nước cơm hoặc nước ấm.

+ Trị chứng tiêu chảy kéo dài do tỳ hư hoặc viêm đại tràng mạn tính: Kê nội kim sao, bạch truật sao đều 10g, tán bột mịn trộn đều, mỗi lần uống 4 – 6g, ngày 2 lần.

+ Trị sỏi thận và sỏi mật: Kê nội kim 12g, kim tiền thảo 15g, uất kim 10g, hồ đào 15g, hải kim sa 15g, sắc với 200ml nước, chia 2 lần uống trong ngày.

KÊ HUYẾT ĐẰNG

Còn có tên Hồng đằng, Hoạt huyết đằng, Đại huyết đằng. Là một loại dây leo, lá mọc so le, kép, thường gồm 5 lá chét, cuống lá dài chừng 3 – 5cm, phiến lá chét dài khoảng 4 – 9cm, rộng 2 – 4cm, lá chét giữa dài và to hơn các lá chét bên. Gân chính và gân phụ đều nổi rõ ở cả hai mặt. Hoa tự thành chùm mọc ở đầu cành hay ở các kẽ lá đầu cành, hoa tự dài chừng 14cm. Trục hoa tự có lông mịn, hoa màu tím, đài hình chuông, tràng hoa hình cánh bướm. Quả giáp dài 7 – 15cm, rộng 1,5 – 2cm. Cây thường mọc tại các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh của Trung Quốc.

- Công dụng, liều dùng: Kê huyết đằng có vị đắng tính ôn, có tác dụng bổ huyết, hành huyết, thông kinh lạc, khỏe gân cốt. Dùng chữa đau lưng, đau mình, kinh nguyệt không đều. Liều dùng: 8 – 12g dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.

KÊ NIỆU THẢO

Còn có tên Thường sơn, thục tất, áp niệu thảo. Là loại cây cao khoảng 1- 2m, thân rỗng, dễ gãy, vỏ ngoài nhẵn màu tím. Lá mọc đối hình mác hai đầu nhọn, dài 13 – 20cm, rộng 3,5 – 9 cm, mép lá có răng cưa mặt trên xanh, mặt dưới tím đỏ. Hoa nhỏ màu xanh lam hay hồng, mọc thành chùm nhiều hoa mọc ở kẽ lá hay đầu cành. Cây mọc hoang khắp nơi trong nước, nhiều nhất ở các tỉnh phía Bắc.

- Tác dụng dược lý: theo các nghiên cứu tại Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam, chất ancaloit có trong Thường sơn có tác dụng chữa sốt rét mạnh hơn cả Quinin, hạ sốt, có độc và hay gây nôn.

- Công dụng và liều dùng: theo tài liệu cổ, Thường sơn vị đắng, tính hàn, có độc, vào 3 kinh phế, tâm, can. Có tác dụng thổ đờm, triệt ngược, thanh nhiệt hành thủy. Là vị thuốc được dùng lâu đời trong đông y để chữa bệnh sốt rét rất hiệu quả, còn dùng chữa sốt thường. Liều dùng: 6 – 12g dạng thuốc sắc.

- Bài thuốc dùng Thường sơn:

+ Thường sơn triệt ngược: Thường sơn 6g, binh lang 4g, thảo quả 4g, cát căn 10g. Đổ 600ml nước sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng chữa các chứng sốt rét (bài thuốc này uống ít gây nôn).

+ Thường sơn cam thảo thang: Thường Sơn (dùng rễ) 10g, binh lang 4g, cam thảo 5g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng chữa các chứng sốt rét và sốt thường.l

Theo Cần Thơ Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh