Cẩn trọng ăn uống, vui chơi ngày tết

Cập nhật, 05:07, Thứ Sáu, 20/01/2017 (GMT+7)

Thanh niên, trung niên uống rượu bia nhiều dễ mất khả năng điều khiển phương tiện, dẫn đến tai nạn giao thông; cũng do bia rượu mà nhiều người mất hành vi dẫn đến ẩu đả, xô xát; đồ ăn thức uống đa dạng, rồi cách ăn, thời điểm ăn uống không hợp lý dễ dẫn đến bệnh về đường tiêu hóa; cũng do thực phẩm ồ ạt những ngày xuân, mà ngộ độc thực phẩm cũng tiềm ẩn nguy cơ...

Đó là hàng loạt khuyến cáo của các bác sĩ đến người dân nhằm đảm bảo sức khỏe, thể trạng, tinh thần tốt nhất vào dịp tết đến xuân về.

Các cơ sở y tế luôn sẵn sàng ứng trực dịp tết, người dân thấy bất kỳ dấu hiệu nào không ổn về sức khỏe thì nên đến để được thăm khám.
Các cơ sở y tế luôn sẵn sàng ứng trực dịp tết, người dân thấy bất kỳ dấu hiệu nào không ổn về sức khỏe thì nên đến để được thăm khám.

 

Muôn sự “ăn” mùa lễ tết

Giờ ăn xáo trộn, ăn nhiều đồ chiên xào, bánh mứt, uống nhiều rượu bia, nước ngọt, nguyên nhân khiến nhiều người cảm thấy đầy hơi, buồn nôn, nặng bụng,... trong những ngày lễ tết.

Tết năm ngoái, bé Ty (3 tuổi) con gái chị Trần Bảo Ngọc (Phường 8- TP Vĩnh Long) bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy nhiều phải “cầu cứu” bác sĩ vào mùng 2 tết. Chị Ngọc cho biết: “Do tết nhứt, chị khá thoải mái chuyện ăn uống của con.

Về quê, con ham vui ăn nhiều bánh mứt, chả chiên, uống nước ngọt nên bé bị tiêu chảy cấp. Con bệnh mấy ngày tết, mất sức luôn”. Rút kinh nghiệm, tết này chị làm theo lời khuyên bác sĩ phải đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho con như cho ăn trái cây, rau xanh, hạn chế ăn bánh mứt, thức ăn nhiều chất béo, nước ngọt,...

 Và đặc biệt là đảm bảo giữ vệ sinh trong ăn uống vào ngày tết, không ăn đồ ăn đã được chế biến quá 2 ngày. Bên cạnh đó, sẽ giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thoáng khí giúp trẻ phòng các bệnh lý lây qua đường hô hấp.

Nhiều người lạm dụng uống nước ngọt để “ăn cho dễ tiêu”, giảm chứng đầy hơi mà không biết nó làm cho tình trạng này nặng thêm do gây loãng dịch vị, khó tiêu hóa thức ăn. Việc ăn dưa kiệu, dưa cải chua, hành tím muối,… có thể giúp trợ tiêu hóa, ăn không tiêu song không nên ăn quá nhiều, vì chúng có thể gây nhiệt nóng trong người.

Ngoài ra, việc nhai kỹ, không nói chuyện khi đang ngậm thức ăn cũng giúp chúng ta tránh tình trạng khó tiêu, đầy hơi.

Cô Nguyễn Thị Tư (Phường 8- TP Vĩnh Long) thì năm ngoái ăn tết trong bệnh viện do bị tăng đường huyết, người mệt, tim đập nhanh.

Cô cho biết bị tiểu đường nhiều năm, nhưng mấy ngày trước tết con cháu về chơi, rồi đám tiệc nối tiếp nên cô ăn uống không kiêng và quên đo kiểm tra đường huyết. Chủ quan nói tết uống thuốc “hổng hên” cả năm, nên không uống thuốc, không chích insulin 1- 2 ngày, ai ngờ cô Tư sau đó mệt, xỉu phải đưa vô cấp cứu rồi nhập viện điều trị.

Không chỉ người tiểu đường, người bị gút cũng đang “khốn đốn” vì ăn toàn món giàu dinh dưỡng và khó kiểm soát được chuyện sử dụng rượu, bia dịp tết.

Có không ít người bị gút nhập viện dịp tết thì các khớp chân, đầu gối bị sưng nhức không thể đi lại được, người nào bị nhẹ hơn thì cũng đi “cà nhắc” và tình trạng bệnh còn tồi tệ hơn nếu không gia giảm rượu bia hay ăn uống kiêng khem.

Cẩn trọng vui chơi, ăn uống

Bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Năm- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- cho hay “tai nạn giao thông là cảnh báo lớn nhất, đứng hàng đầu trong dịp tết vào viện cấp cứu, điều trị”. Nguyên nhân hầu hết do uống rượu bia gây nên. “Rượu bia còn có thể dẫn đến mất kiểm soát hành vi, gây ra xô xát, đánh nhau, rồi vào bệnh viện”- bác sĩ Phan Văn Năm nói.

Tai nạn sinh hoạt cũng có, có thể xếp thứ hai, do người lao động bất cẩn trong sửa sang nhà cửa, điện giật, bỏng,... Cũng không thể không kể ngộ độc rượu, mà tùy mức độ có thể người ngộ độc ổn sau khi điều trị, hoặc phức tạp hơn thì di chứng lên não.

Theo bác sĩ Phan Văn Năm, rối loạn tiêu hóa cũng là bệnh thường dễ mắc, nhất là ở trẻ bởi lễ tết vì đồ ăn, thức uống đa dạng.

Cùng với đó là nguy cơ ngộ độc thực phẩm cũng có thể xảy ra, khi bao nhiêu thứ thực phẩm ở mọi nơi và việc kiểm soát nguồn gốc cũng không hề dễ dàng... Nên việc ý thức tốt hơn đối với thứ mình mua, mua sắm thực phẩm vừa phải (để không thừa mứa) và bảo quản, chế biến hợp lý để đảm bảo ăn uống sạch và an toàn.

Thêm thực trạng có thể xảy đến với trẻ em là hóc dị vật. Cũng lễ tết, cơ man nào là mứt, là hạt,... và đôi khi người lớn vô ý trong chăm sóc hay cho ăn uống, trẻ rất dễ hóc dị vật đường thở.

“Ngay cả khi ăn mà đùa giỡn, cười nói, ho, sặc, khóc cũng có thể hóc dị vật thực quản, phổi”- bác sĩ Phan Văn Năm giải thích, đồng thời nói thêm “tai nạn bỏng (nước sôi, lửa do nấu nướng ngày tết nhiều) cũng dễ gặp, người lớn cần chú ý coi ngó, quan sát đặc biệt đến con trẻ”...

Chung quy lại, từ thực tế bệnh tật đã sẵn trong mỗi người (nếu có), dù với cơ địa khác nhau nhưng dịp lễ tết kéo dài là yếu tố thuận lợi để mầm bệnh phát sinh hoặc trở nặng hơn bất cứ lúc nào. Hoặc với yếu tố thuận lợi này, cộng việc ít kiểm soát trong ăn uống, vui chơi, mà nhiều người có nguy cơ “rước bệnh”.

Vì thế trước hết mọi người tự gia giảm cho mình trong ăn uống, sinh hoạt vui chơi, đồng thời với việc xem kỹ các khuyến cáo của bác sĩ qua truyền thông, để đảm bảo sức khỏe vui xuân đón tết...

 

Tai nạn giao thông vào bệnh viện cấp cứu là cảnh báo hàng đầu trong những ngày lễ hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán với kỳ nghỉ dài. Nguyên nhân của tai nạn giao thông được cho hầu hết do rượu bia. “Rượu vào, lời ra”, đó cũng là cảnh báo của việc mất kiểm soát sau khi ăn nhậu, dẫn đến hành vi không hay, phương hại đến sức khỏe của mình và người khác...

 

  • ™Bài, ảnh: THÁI- QUYÊN