Một thai kỳ khỏe mạnh là điều mong muốn của tất cả thai phụ nhưng với những chị em bị bệnh tiểu đường, kể cả những người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, việc chăm sóc sức khỏe của họ còn phức tạp hơn.
Một thai kỳ khỏe mạnh là điều mong muốn của tất cả thai phụ nhưng với những chị em bị bệnh tiểu đường, kể cả những người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, việc chăm sóc sức khỏe của họ còn phức tạp hơn.
Theo đó, thai phụ tiểu đường có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng, gồm sẩy thai và trẻ bị dị tật bẩm sinh. Khi thai nhi lớn dần, thai phụ còn có nguy cơ bị cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật, sinh non, thai to phải sinh mổ...
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết nếu tuân thủ kế hoạch chăm sóc sức khỏe dưới đây, chị em có thể kiểm soát bệnh tiểu đường, có một thai kỳ khỏe mạnh và sinh ra em bé khỏe như mong muốn:
Gặp bác sĩ tư vấn trước khi mang thai
Nếu có bệnh tiểu đường và muốn sinh con, chị em nên gặp bác sĩ để xét nghiệm nồng độ glucose trong máu có bình thường hay không, có cần dùng thuốc hoặc gặp chuyên gia dinh dưỡng để tư vấn chế độ ăn uống hay không.
Theo các chuyên gia, phụ nữ bị tiểu đường típ 1 nên yêu cầu bác sĩ kiểm tra chức năng thận, tuyến giáp và mắt do bệnh có thể gây ảnh hưởng đến những bộ phận này.
Giảm cân
Một trong những cách tốt nhất để có một thai kỳ khỏe mạnh là chị em nên có thể trọng bình thường lúc cấn thai. "Giảm cân có thể được bắt đầu ngay từ ngày phát hiện có thai" - Tiến sĩ Jennifer Lang, bác sĩ sản khoa ở thành phố Los Angeles (Mỹ), cho biết.
Theo bà, thai phụ cần có một chế độ ăn uống chủ yếu từ thực vật, tránh tiêu thụ nhiều đường cũng như các thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều chất bảo quản và chất béo bão hòa.
Vận động nhiều hơn
Theo Viện Dinh dưỡng và Ăn uống của Mỹ, tập thể dục giúp chị em chuyển hóa thức ăn tốt hơn, kiểm soát đường huyết cũng như cân nặng trong và sau thai kỳ. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tập luyện aerobic cường độ vừa (ảnh) 150 phút/tuần.
Kiểm soát lượng tinh bột tiêu thụ
Khi nấu ăn, chị em cần tính toán lượng tinh bột trong mỗi món ăn và giới hạn tiêu thụ tinh bột do nó sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Điều này đặc biệt quan trọng nếu thai phụ bị tiểu đường típ 1, bởi liều lượng insulin phụ thuộc lượng tinh bột đưa vào cơ thể.
Ăn nhiều rau củ
Rau củ chứa nhiều dưỡng chất thực vật cũng như chất xơ, đồng thời hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa tăng cân. Do hàm lượng calorie và tinh bột đường thấp nên rau củ cũng không ảnh hưởng đến đường huyết. Rau diếp, cà rốt, dưa leo và bông cải xanh là những món mà thai phụ bị tiểu đường nên ưu tiên lựa chọn.
Đối phó cơn buồn nôn
Theo các chuyên gia, để tránh buồn nôn, thai phụ nên ăn gì đó sau mỗi 2-3 giờ. Nếu có tiêm insulin hoặc uống thuốc, chị em nên ăn một ít bánh mặn trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng, sau đó mới uống thuốc.
Còn nếu nồng độ đường trong máu thấp, chị em có thể tiêu thụ một ít đường thẻ, mật ong hoặc nước ép, sau đó có thể ăn bữa sáng chứa nguồn đạm lành mạnh, chẳng hạn như trứng.
Đẩy lùi chứng "ghét" thực phẩm
Nếu nghĩ đến ăn rau củ là khiến bao tử cồn cào, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ, hãy thử uống nước ép rau củ vốn rất giàu folate và canxi. Cách này vừa giúp kiểm soát sự thèm ăn vừa hạn chế cơn thèm món ngọt. Tuy nhiên, chị em nên tránh nước ép có nhiều trái cây bởi nó có thể làm tăng lượng đường trong máu.
Kiểm soát thức uống
Uống đủ nước là điều rất tốt trong suốt thai kỳ, nhưng khi có bệnh tiểu đường, chị em nên tránh tiêu thụ nước trái cây đóng hộp, nước ngọt, thức uống thể thao cũng như chất làm ngọt có trong cà phê và trà.
Thỉnh thoảng nuông chiều bản thân
Đôi khi, chị em nên cho phép mình thưởng thức một miếng bánh ngọt, nhưng nhớ là phải giảm phần ăn chứa tinh bột trong các món ăn khác.
Tận dụng sức mạnh công nghệ
Hãy tìm kiếm những ứng dụng hỗ trợ kiểm soát đường huyết, lượng thực phẩm hoặc tinh bột tiêu thụ, hoặc các cảm biến hay các thiết bị theo dõi liên tục lượng đường trong máu.
Tiếp tục điều trị tiểu đường sau khi sinh
Nghiên cứu cho thấy 35-60% phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ phát triển tiểu đường típ 2 trong 5-10 năm sau đó. Do đó, nếu rơi vào trường hợp này, chị em cần gặp bác sĩ để theo dõi lượng đường trong máu và cải thiện lối sống sau khi sinh.
Nhận sự hỗ trợ từ những người có chuyên môn
Nhiều người có thể hiểu không đúng về căn bệnh tiểu đường. Do đó, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng, những người có thể giúp bà bầu vạch ra lịch trình ăn uống khoa học và lựa chọn lối sống lành mạnh để sinh ra một em bé hoàn toàn khỏe mạnh.
Theo Báo Cần Thơ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin