Theo báo cáo "Gánh nặng bệnh tật toàn cầu" được đăng tải trên tạp chí The Lancet mới đây, tuổi thọ trung bình của loài người trên toàn thế giới đã tăng đều trong từng thập kỷ kể từ năm 1980 đến nay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Ctvnews.ca) |
Theo báo cáo "Gánh nặng bệnh tật toàn cầu" được đăng tải trên tạp chí The Lancet mới đây, tuổi thọ trung bình của loài người trên toàn thế giới đã tăng đều trong từng thập kỷ kể từ năm 1980 đến nay.
Tính đến năm 2015, tuổi thọ trung bình của nam giới và nữ giới đã tăng lên lần lượt là 69 và 75 tuổi.
Báo cáo, do Viện Nghiên cứu và Đánh giá sức khỏe tại Đại học Washington (Mỹ) thực hiện, nêu rõ việc tăng tuổi thọ trung bình tại 188/195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới là nhờ số ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm giảm mạnh, đặc biệt trong hơn một thập kỷ qua.
Mặc dù dân số gia tăng không ngừng nhưng các ca tử vong do HIV/AIDS và bệnh lao - hai căn bệnh gây tử vong lớn nhất của con người, đã giảm từ 3,1 triệu người năm 2005 xuống 2,3 triệu người vào năm 2015.
Cũng trong giai đoạn này, số ca tử vong hàng năm do các bệnh về đường ruột đã giảm tới 20%, trong khi số ca tử vong do sốt rét giảm hơn 1/3, từ mức 1,2 triệu người xuống 730.000 người.
Ngoài ra, từ năm 1990 đến năm 2015, tỷ lệ trẻ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi cũng giảm đến 50%, xuống còn 5,8 triệu ca.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2005-2015, số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm từ ung thư cho tới đau tim hay đột quỵ lại tăng cao, từ 35 triệu lên tới 39 triệu ca. Nhiều loại bệnh xuất phát từ nguyên nhân tuổi tác chẳng hạn như ung thư, bệnh mạch vành, xơ gan, Alzheimer cũng gia tăng, đi kèm với đó là chi phí cho việc chữa trị các loại bệnh này cũng tăng lên.
Một điểm đáng chú khác là tuổi thọ trung bình của nam giới ở Syria đã giảm hơn 11 tuổi kể từ năm 2011 khi cuộc nội chiến bắt đầu xảy ra.
Bên cạnh đó, trong báo cáo này, Viện Viện nghiên cứu và Đánh giá sức khỏe tại Đại học Washington cũng chấm điểm các quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên các tiêu chí về thu nhập, giáo dục, sức khỏe người dân và tỷ lệ sinh.
Chẳng hạn như Mỹ và nhiều quốc gia Đông Âu chỉ đạt điểm thấp vì có nhiều trường hợp mắc bệnh mạch vành, bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính và lạm dụng thuốc.
Trong khi đó, các quốc gia Tây Âu và Đông Á được đánh ở các mức điểm cao nhất.
Theo TTXVN/VIETNAM+
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin