Hơn 1.100 ca đột quỵ phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long năm qua và "đó là con số không phải nhỏ". Hầu hết các bác sĩ chuyên khoa, chuyên gia nhận định: bệnh đột quỵ trong cộng đồng vẫn cao và đang trẻ hóa, tỷ lệ tử vong vẫn cao.
Cần thiết có đơn vị can thiệp đột quỵ là yêu cầu đặt ra hiện nay, khi người bệnh trong cộng đồng ngày càng tăng. |
Hơn 1.100 ca đột quỵ phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long năm qua và “đó là con số không phải nhỏ”. Hầu hết các bác sĩ chuyên khoa, chuyên gia nhận định: bệnh đột quỵ trong cộng đồng vẫn cao và đang trẻ hóa, tỷ lệ tử vong vẫn cao.
Hơn 1.100 ca đột quỵ
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cho biết: Nếu như năm 2014, đơn vị thống kê có hơn 800 bệnh nhân đột quỵ vào viện, thì năm 2015 là hơn 1.100 bệnh nhân.
Trong đó khoảng 2/3 bệnh nhân là nhồi máu não, còn lại là xuất huyết não. “Bệnh lý này ngày càng tăng. Dù hiện phương tiện chẩn đoán và phương pháp điều trị mới, nhưng trong cộng đồng lượng bệnh vẫn tăng.”- bác sĩ Bạch Yến cho hay.
Đột quỵ não có thể chia ra: xuất huyết não (tức chảy máu não); nhồi máu não (do tắc nghẽn một mạch máu nào đó, làm thiếu máu bơm lên não). Theo bác sĩ Bạch Yến, đột quỵ có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân hàng đầu có thể nói là tăng huyết áp.
Theo PGS.TS Vũ Anh Nhị, bất kể tuổi tác, tiền sử gia đình, đột quỵ là không tránh khỏi. Có thể khái quát 7 điều cần làm ngay để ngăn ngừa đột quỵ như: hạ huyết áp (duy trì huyết áp dưới 12/80, đối với một số người có thể là 140/90);
giảm cân (giữ chỉ số cơ thể (BMI) ở 25 hoặc ít hơn); tập thể dục nhiều hơn (ít nhất 30 phút/lần và 5 ngày/tuần); ăn uống điều độ; điều trị rung nhĩ (nếu bị rung tâm nhĩ phải được điều trị); đái tháo đường (kiểm soát lượng đường trong máu); bỏ hút thuốc lá.
Tăng huyết áp chiếm cao trong nhóm các nguyên nhân gây ra đột quỵ. Vì vậy kiểm soát huyết áp bình thường là yếu tố rất quan trọng để phòng ngừa đột quỵ. Ngoài ra, đột quỵ còn có thể do cục máu đông (thuyên tắc huyết khối) gây nên.
Di chứng của đột quỵ có nhiều, tỷ lệ tử vong còn cao, người trẻ cũng bị. Theo bác sĩ Bạch Yến, nếu trước đây thường thấy đột quỵ xuất hiện ở người 60 tuổi trở lên, nay có ở người 50, 40 tuổi. Nguyên nhân do tăng huyết áp và nguyên nhân khác xuất hiện nhiều ở người ít tuổi, nên trường hợp đột quỵ cũng trẻ hóa.
Theo PGS.TS Vũ Anh Nhị, mục tiêu chính của điều trị đột quỵ là “cải thiện dự hậu thông qua điều trị sớm, điều trị cấp cứu, can thiệp khẩn cấp và phục hồi chức năng sớm”.
Cần thiết có đơn vị chẩn đoán, điều trị đột quỵ
Nhìn nhận “con số hơn 1.100 bệnh nhân đột quỵ vào viện năm qua không phải là nhỏ”- bác sĩ Bạch Yến nói “tính cấp thiết để có đơn vị điều trị đột quỵ cho bệnh nhân là yêu cầu đặt ra”.
Bác sĩ cho biết, đó là con số thực tế qua bệnh viện, còn con số tồn lưu (bệnh nhân về nhà, di chứng, chết) hoặc có nhiều người bệnh đi thẳng TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh điều trị.
Nhiều bác sĩ đã từng xử trí đột quỵ tại bệnh viện tỉnh cho rằng quãng đường Vĩnh Long- TP Hồ Chí Minh đi khoảng 3 giờ. Trong khi bệnh nhân đột quỵ sẽ được can thiệp hiệu quả trong vòng 3 giờ đầu gọi là “giờ vàng” và thường được xử trí trong tầm 90 phút. Nên việc chuyển bệnh nhân lên tuyến cuối sẽ khó, vì nguy cơ tử vong cao.
Do vậy theo các bác sĩ chuyên khoa, nếu có đơn vị tầm soát, chẩn đoán xác định và can thiệp (cho thuốc, tái thông mạch máu não, tiêu sợi huyết,...) thì khả năng tránh tử vong và hạn chế di chứng cho bệnh nhân là cao.
Tuổi già sống vui sống khỏe là niềm vui của chính mình mà lớn nhất là của gia đình, xã hội. |
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đơn vị đang hướng đến thành lập đơn vị đột quỵ. Đơn vị cho biết đã được Đài THVL hứa hỗ trợ một máy CT Scaner đa lát cắt, trị giá hàng chục tỷ đồng và đang xúc tiến để trang bị.
Về con người, thời gian qua lãnh đạo bệnh viện đã đưa đi đào tạo 2 đợt, mỗi đợt 2 bác sĩ chuyên môn về đột quỵ.
Bác sĩ Bạch Yến nói: “Về đội ngũ chuyên môn chúng tôi đã chuẩn bị cơ bản. Về tổ chức phương thức hoạt động, kiến thức chẩn đoán xác định và phương pháp điều trị, chúng tôi sẽ có sự hỗ trợ từ các chuyên gia đầu ngành ở TP Hồ Chí Minh nếu có yêu cầu. Chỉ đợi phương tiện kỹ thuật để thành lập đơn vị đột quỵ.
Từ đó, sẽ giúp đội ngũ y tế tại tỉnh có thể chẩn đoán xác định và có hướng điều trị với đột quỵ.
Giảm ăn mặn, nhưng xu hướng chuyển sang ăn ngọt nhiều hơn |
Trao đổi thêm về tăng huyết áp và các bệnh lý chuyển hóa, bác sĩ Bạch Yến cho biết kinh nghiệm: Trước đây, người dân mình ăn mặn khá nhiều, nay ăn mặn giảm, nhưng xu hướng chuyển sang ăn ngọt nhiều hơn. Ăn mặn nhiều là nguy cơ của tăng huyết áp. Trong khi ăn ngọt nhiều lên làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa: béo phì, đái tháo đường, rối loạn lipit máu,... Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế phối hợp điều tra trên quy mô quốc gia và công bố ngày 8/9, người Việt cũng dùng tới 9,4g muối/người/ngày, cao gần gấp đôi khuyến cáo của WHO là 5g muối/người/ngày. Đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tăng huyết áp. |
- Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin