Sau những ngày tháng "miệt mài" bú sữa mẹ, đã đến lúc bé yêu bắt đầu vào giai đoạn ăn dặm. Thời điểm này sẽ giúp bé khám phá thế giới ẩm thực ngoài sữa mẹ.
Sau những ngày tháng “miệt mài” bú sữa mẹ, đã đến lúc bé yêu bắt đầu vào giai đoạn ăn dặm. Thời điểm này sẽ giúp bé khám phá thế giới ẩm thực ngoài sữa mẹ.
Bé Sóc háo hức với những bữa ăn dặm. |
Thực đơn ăn dặm
Cho con ăn dặm vào thời điểm nào, con ăn gì, ăn bao nhiêu là đủ,…? Đây cũng là điều rất băn khoăn của nhiều bà mẹ.
Việc nhận thức đúng việc ăn dặm sẽ giúp cho con bạn nhận được sức khỏe tốt nhất. Cho bé ăn dặm là quá trình rất quan trọng vì nó quyết định trực tiếp sự phát triển đầu đời của trẻ.
Nhờ Internet, nên giờ đây những bà mẹ trẻ có thể chia sẻ với nhau vô vàn những thực đơn cho bé ăn dặm.
Ăn dặm thuận tự nhiên đang được rất nhiều bà mẹ thực hành cho con bởi với cách ăn này sẽ khuyến khích giúp cho trẻ tiếp xúc với thực phẩm một cách đơn giản, nguyên vẹn nhất bên cạnh việc bú sữa mẹ, và bé sẽ được quyền quyết định ăn gì ngay từ khi bắt đầu.
Chúng ta tôn trọng nhu cầu ăn của trẻ, để trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ lúc nhỏ.
Chị Nguyễn Hà Thanh Thư (thị trấn Long Hồ) chia sẻ: “Lúc bé Sóc 6 tháng tuổi chị tập cho bé ăn bột ngọt trước. Sau đó, chị làm khoai lang hấp, bí đỏ hấp nghiền nhuyễn trộn sữa mẹ, Sóc ăn lịm lịm luôn nhưng chỉ cho Sóc ăn vài muỗng làm quen”.
Nhìn bé Sóc được mẹ đút cháo, miệng Sóc tóm tém ăn ngon lành rất là thấy cưng, chị Thư nói: “Sóc ăn rất ngoan, giờ Sóc gần 8 tháng rất thích ăn cháo.
Cháo lươn bí đỏ, cá lóc rau dền, thịt heo cà rốt, bò súp lơ, gà mồng tơi, trứng bí đỏ;… được thay đổi để Sóc ăn không ngán. Còn trái cây như sa pô, chuối, đu đủ, dưa hấu,… Sóc măm rất nhiệt tình”.
Theo Thạc sĩ Lê Nhất Phương Hồng- chuyên gia về sữa mẹ và ăn dặm, cho con ăn dặm thuận tự nhiên rất ít tốn kém và mất thời gian.
Các bé ăn những thực phẩm ít chế biến, thực phẩm nào ăn sống được ta ưu tiên cho ăn sống như rau quả sẽ giúp bé tiếp cận được hương vị tự nhiên, đầy đủ của thực phẩm đó.
Nên ưu tiên chế biến thực phẩm dưới dạng hấp, luộc để không làm mất đi chất dinh dưỡng của thực phẩm đó.
Các phụ huynh cần lưu ý thức ăn không được cắt nhỏ quá; thức ăn không cắt dạng tròn mà phải cắt thành hình răng cưa cho bé dễ cằm nắm và nếu có bị hóc thức ăn sẽ không làm kín đường thở của bé.
Chúng ta cần tôn trọng nhu cầu ăn của bé nhưng thức ăn phải phong phú để giúp trẻ hấp thu đa dạng các loại dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện.
Sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính
Nhiều bà mẹ nghĩ rằng việc cho bé ăn dặm đồng nghĩa với việc bé sẽ nhận được nguồn dinh dưỡng từ thức ăn. Song, với trẻ dưới 1 tuổi, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất. Ăn dặm chỉ là tập cho bé quen với các loại thức ăn, là tập các kỹ năng như cầm nắm, xử lý các thức ăn,…
Trước khi vào ăn dặm, cần cho bé bú mẹ trước để đảm bảo bé nhận đủ nguồn dinh dưỡng thiết yếu. Bước vào tuổi ăn dặm, bé có nhu cầu cao để khám phá thế giới xung quanh cho nên sữa mẹ với nguồn kháng thể dồi dào sẽ đảm bảo an toàn cho bé trước các mầm bệnh.
Theo TS, bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh- Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu tiên, thức ăn phù hợp với trẻ nhất đó là sữa mẹ vì thời gian này sữa mẹ hoàn toàn đủ về năng lượng cũng như những vi chất dinh dưỡng cần thiết để cho trẻ phát triển toàn diện nhất.
Song khi trẻ từ 6 tháng trở lên thì nhu cầu về năng lượng tăng lên, nếu chỉ bú sữa mẹ thì trẻ sẽ bị thiếu hụt về năng lượng. Do vậy, việc bé ăn dặm để tiếp nhận thêm dưỡng chất từ một số thực phẩm khác bên cạnh sữa mẹ là cần thiết.
Tuy nhiên, trong môi trường vệ sinh có dịch bệnh, thiên tai hay trẻ bị tiêu chảy, trẻ mọc răng,... thì trẻ có thể ăn dặm muộn hơn 6 tháng để các bé được giảm nguy cơ tiếp xúc với các mầm bệnh truyền qua các thực phẩm ăn dặm.
Thời điểm ăn dặm là thời điểm con nhỏ đang bú sữa mẹ từ một thức ăn lỏng chuyển sang chế độ ăn khác và giai đoạn này thay đổi liên tục từ loãng, sệt, đặc rồi trẻ phải tập nhai, trẻ mọc răng. Nhiều vấn đề xảy ra với trẻ trong giai đoạn ăn dặm nên trẻ chưa quen.
Nếu mẹ vội vàng ép con ăn sẽ làm cho con sợ ăn. Giai đoạn này nếu mẹ không khéo thì trẻ sẽ rơi vào tình trạng biếng ăn. Ba mẹ nên tôn trọng nhu cầu ăn của con để con hiểu được việc ăn uống là trách nhiệm của con thì cả hai mẹ con đều vui vẻ.
Chỉ cần tình thương yêu con mình kết hợp với sự kiên nhẫn, tạo cho mỗi bữa ăn của con là một sự trải nghiệm, khám phá vị giác đầy thú vị, chứ không nên để “ăn dặm” là cuộc chiến với nước mắt và những lo âu, giận dữ! Đó là điều quan trọng nhất.
Bác sĩ CK 1 Đào Thị Yến Thủy-Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh chia sẻ công thức nấu ăn khoa học cho bé: - Tròn 6 tháng tập cho bé ăn bột - 8 tháng tập ăn cháo - Trên 1 tuổi tập ăn bún, nui xào,… - 2 tuổi tập ăn cơm - Thịt- cá- rau cần băm thật nhỏ khi nấu bột, cháo. Thịt băm nên tán nhuyễn với nước lã trước khi nấu để thịt không bị vón cục. Khi ăn cơm thì cắt nhỏ, xé nhỏ cho bé dễ nhai. Nấu chén cháo, bột hay cơm phải đủ 4 nhóm chất: bột đường+ đạm+ rau+ dầu ăn. Một chén bột hay cháo cần có 2-3 muỗng canh súp đạm + 2 muỗng canh lá rau băm+ 1,2 muỗng canh dầu ăn. - Không nấu một nồi to ăn 3 bữa, không hâm đi hâm lại thức ăn. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin