Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là bệnh lý thường gặp, chiếm hơn một nửa tổng số bệnh nhân điều trị tại các khoa thần kinh ở các bệnh viện.
Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là bệnh lý thường gặp, chiếm hơn một nửa tổng số bệnh nhân điều trị tại các khoa thần kinh ở các bệnh viện.
Người bị đột quỵ là một người đang khỏe mạnh đột nhiên gục xuống liệt nửa người, có thể hôn mê, dù được điều trị tích cực vẫn đi đến tử vong hoặc sống với các di chứng nặng nề mà thực sự là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chỉ có một số ít người là có thể hồi phục hoàn toàn hay gần hoàn toàn và có thể trở lại phần nào với sinh hoạt và công việc.
Triệu chứng
Đột quỵ xảy ra là do não bộ bị tổn thương, có thể do các mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn gây thiếu máu não, hoặc do mạch máu bị vỡ ra gây chảy máu não. Hầu hết các trường hợp xảy ra một cách đột ngột mà không có triệu chứng báo trước.
Triệu chứng phổ biến nhất là người bệnh đột ngột thấy tê, yếu hoặc liệt một nửa người, méo miệng, nói đớ lưỡi, không nói được, hoặc không hiểu lời người khác nói. Cũng có thể đột nhiên bị mù mắt, chóng mặt, có thể nhức đầu dữ dội, nôn ói, lơ mơ hoặc hôn mê thực sự.
Điều trị như thế nào?
Tại bệnh viện, chụp CT để có thể giúp phân biệt thiếu máu não với chảy máu não. Trong trường hợp thiếu máu não do tắc nghẽn mạch: có thể truyền đường tĩnh mạch rtPA là một loại thuốc làm tan cục máu đông, tái lập lại dòng máu đi lên nuôi não (nếu bệnh nhân đến sớm trong vòng 3 - 4,5 giờ đầu kể từ khi xảy ra đột quỵ, cùng với nhiều các tiêu chuẩn nghiêm ngặt khác); có thể can thiệp nội mạch luồn một catête vào động mạch vào tới chỗ mạch máu bị tắc nghẽn để bơm thuốc làm tan cục máu đông hoặc dùng dụng cụ trực tiếp lấy bỏ cục máu đông (nếu bệnh nhân đến trước 6 - 8 giờ đầu).
Trong trường hợp chảy máu não: một số trường hợp có thể can thiệp nội mạch đặt cuộn xoắn vào túi phình động mạch bị vỡ hoặc can thiệp phẫu thuật như mở sọ lấy khối máu tụ, mở sọ kẹp túi phình động mạch bị vỡ…
Như vậy, việc điều trị đột quỵ là vô cùng khó khăn và phức tạp, tiếp sau đó là phải có một quá trình tập vật lý trị liệu trong nhiều tháng nhiều năm để giúp phục hồi phần nào về chức năng. Cho nên, điều quan trọng hơn cả là phải làm gì để ngừa đột quỵ xảy ra cũng như để phòng đột quỵ tái phát.
Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ bao gồm: tuổi (càng lớn tuổi càng dễ mắc bệnh), giới (nam giới dễ mắc bệnh hơn nữ giới), tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ trong máu, xơ vữa động mạch, các bệnh tim mạch, tình trạng thừa cân, béo phì và các thói quen có hại như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lối sống ít vận động…
Ngoài ra, những người đã một lần bị đột quỵ, đã bị bệnh mạch vành tim hoặc nhồi máu cơ tim, hoặc đã bị các bệnh xơ vữa động mạch ở chân, ở động mạch chủ… là những người có nguy cơ đặc biệt cao của đột quỵ tái phát.
Làm sao phòng ngừa?
Để phòng bệnh, cách tốt nhất là phát hiện và loại trừ các yếu tố nguy cơ nói trên, cụ thể:
- Thay đổi lối sống: tăng cường vận động, tránh ngồi một chỗ, tận dụng các cơ hội tăng cường vận động trong sinh hoạt hằng ngày như: dùng thang bộ, đi bộ nếu quãng đường không xa…
- Tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi lần, 5 ngày mỗi tuần. Chú trọng những bài tập thể dục gắng sức vừa phải nhưng kéo dài, tránh những gắng sức quá mức trong khoảng thời gian ngắn (ví dụ tập tạ).
- Chế độ ăn hợp lý: giảm nêm nếm mắm muối, không ăn những món kho mặn, các loại mắm, cá khô, dưa cà muối…; ăn nhiều rau, trái cây, giảm mỡ béo, đường bột.
- Giảm cân tích cực nếu béo phì bằng các biện pháp ăn kiêng và tập luyện.
- Điều trị tăng huyết áp nếu có, giữ huyết áp ở mức tối ưu, không quá 120/80mmHg, uống thuốc đúng theo toa thường xuyên, tái khám đầy đủ để điều chỉnh thuốc khi cần, theo dõi huyết áp định kỳ. Điều trị tăng huyết áp là việc phải làm suốt đời, tránh một sai lầm thường gặp là chỉ uống thuốc khi nào thấy mệt, hoặc thỉnh thoảng đo huyết áp thấy cao mới uống, hoặc uống được một thời gian thấy huyết áp ổn thì cho là đã khỏi bệnh và ngưng thuốc cũng như ngưng ăn kiêng.
- Điều trị đái tháo đường với chế độ ăn và uống thuốc hoặc chích thuốc theo toa, cộng với thử máu kiểm tra đường huyết định kỳ. Đây cũng là một bệnh phải theo dõi điều trị suốt đời, tương tự như điều trị tăng huyết áp.
- Điều trị rối loạn mỡ trong máu bằng chế độ ăn và thuốc uống nếu cần, định kỳ kiểm tra lại xét nghiệm mỡ trong máu theo chỉ định của bác sĩ.
- Theo dõi và điều trị các bệnh lý tim mạch nếu có theo chỉ định của bác sĩ tim mạch.
- Ngưng các thói quen có hại: bỏ hoàn toàn thuốc lá; rượu bia nếu có uống thì không quá một lon bia hoặc một ly nhỏ rượu vang đỏ mỗi ngày.
- Nếu có các bệnh lý đặc biệt như hẹp nặng động mạch cảnh do xơ vữa động mạch thì phải điều trị tích cực bằng thuốc, nong rộng chỗ hẹp, hoặc phẫu thuật bóc mảng xơ vữa gây hẹp, tùy theo chỉ định của bác sĩ thần kinh và mạch máu.
- Cần uống các thuốc ngăn ngừa tắc mạch máu như: aspirin, hoặc các thuốc thế hệ mới có hiệu quả hơn, theo chỉ định của bác sĩ. Việc uống thuốc thường là liên tục, lâu dài, có thể đến suốt đời.
Việc tầm soát các yếu tố nguy cơ mắc bệnh, theo dõi, và điều trị như trên có thể được thực hiện tại các phòng khám thần kinh các bệnh viện. Bệnh nhân cũng có thể liên hệ phòng khám thần kinh hoặc phòng khám đột quỵ của các bệnh viện để được tư vấn, theo dõi và điều trị một cách hiệu quả nhất.
Theo SK&ĐS
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin