Thiếu cục bộ nhiều loại vắc xin dịch vụ

12:07, 11/07/2014

Có vắc xin đã hết từ mấy tháng nay, giờ mới nhập về mấy ngày gần đây. Có vắc xin đã cạn nguồn cũng trong khoảng thời gian trên, đến giờ vẫn chưa có. Trong khi với diễn biến phức tạp của nhiều bệnh truyền nhiễm, nhu cầu tiêm ngừa của trẻ cao, nên đã xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ các vắc xin dịch vụ không thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR).

Có vắc xin đã hết từ mấy tháng nay, giờ mới nhập về mấy ngày gần đây. Có vắc xin đã cạn nguồn cũng trong khoảng thời gian trên, đến giờ vẫn chưa có. Trong khi với diễn biến phức tạp của nhiều bệnh truyền nhiễm, nhu cầu tiêm ngừa của trẻ cao, nên đã xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ các vắc xin dịch vụ không thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR).

Người dân đưa trẻ đi tiêm ngừa viêm não Nhật Bản “B”.

“Đi tiêm ngừa để tốt hơn”

Anh Võ Quốc Trung (ngụ huyện Cái Bè- Tiền Giang), sáng ngày 10/7 cùng vợ chở hai con nhỏ sang Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long. Tại điểm tiêm ngừa dịch vụ thuộc trung tâm, anh mua phiếu tiêm mũi vắc xin ngừa bệnh viêm não Nhật Bản “B” cho hai đứa trẻ.

“Đọc báo nghe đài nói viêm não Nhật Bản đang căng quá, dù ở đây mình chưa thấy có bệnh, nhưng đưa con đi tiêm ngừa phòng bệnh hay hơn”, anh Trung nói với phóng viên. Hai con anh, Võ Quốc Việt (17 tháng tuổi) và Võ Quốc Kiệt (8 tuổi), theo cán bộ tiêm chủng nói, là đang tiêm mũi 1 và nhắc lại mũi 3 của vắc xin này.

Khắc phục hiện tượng quá tải, tình trạng thiếu vắc xin cục bộ

Là nội dung trong công văn khẩn (chiều ngày 8/7/2014) của Bộ Y tế gửi sở y tế các địa phương cả nước, chỉ đạo cần khắc phục công tác tiêm chủng dịch vụ. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường quản lý, đặc biệt bổ sung nhân lực, trang thiết bị tại các cơ sở y tế; tổ chức buổi tiêm chủng hợp lý, tăng giờ tiêm chủng. Các địa phương nghiên cứu mở thêm cơ sở tiêm chủng dịch vụ thuộc trung tâm y tế các huyện-thị- thành trên địa bàn nếu cần. Cần thực hiện đúng quy trình tiêm chủng của Bộ Y tế, không để xảy ra tai biến khi tiêm vắc xin, tình trạng thiếu vắc xin cục bộ xảy ra gần đây tại một số điểm tiêm chủng, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêm ngừa phòng bệnh của người dân.

Cũng có nhu cầu, chị Trương Thị Bích Thùy (ngụ xã Long Phú- Tam Bình) đưa con gái 33 tháng tuổi lên chích mũi ngừa viêm não Nhật Bản “B” tại điểm tiêm dịch vụ trên. Chị Thùy kể, cháu nhà đã tiêm được 2 mũi rồi, đến mũi tiêm định kỳ thứ 3, ở quê đưa con ra trạm y tế, người ta nói không tiêm nữa, nên đưa con lên đây tiêm luôn cho chắc ăn.

Theo ghi nhận mấy ngày qua, điểm tiêm ngừa dịch vụ tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long, rất nhiều phụ huynh đưa trẻ đến tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản “B”. Đến đó để tiêm trả mũi theo lịch tiêm (3 mũi cho trẻ 12- 36 tháng tuổi), và những mũi tiêm cách nhau 3- 4 năm sau đó cho đến khi trẻ tới 15 tuổi theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Trao đổi với một số phụ huynh, họ cho biết nghe có bệnh, hoặc nhiều bệnh rộ lên, là đưa trẻ đi tiêm ngừa liền, dù chưa đến thời điểm tiêm trả mũi, dù chưa biết vắc xin có còn hay không. Đó là tâm lý chung. Trong điều kiện nào đó mà trẻ chưa tiêm ngừa đủ hoặc vì trẻ đã quá tuổi thụ hưởng TCMR, nhiều gia đình sẵn sàng sang Cần Thơ, lên TP Hồ Chí Minh để tiêm ngừa cho trẻ.

Chưa chủ động được vắc xin dịch vụ!

Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long cho biết, vắc xin “6 trong 1” hiện tại không có, dự kiến tháng 9 tới có. Vắc xin “5 trong 1” hiện mới có 100 liều, nhưng theo một cán bộ y tế dự phòng: “Nếu lượng trẻ đến tiêm ít thì còn cầm cự được, nếu trẻ đến tiêm đông, loáng cái là hết ngay”.

Vắc xin ngừa bệnh thủy đậu đã hết từ lâu và vẫn chưa có nguồn. Vắc xin “3 trong 1” (ngừa sởi, quai bị, rubella), hiện đơn vị còn khoảng 100 liều, để phục vụ nhu cầu tiêm ngừa các bệnh cho trẻ, mà nhất là bệnh sởi vẫn còn đang “thời sự”...

Đó là tình hình các loại vắc xin dịch vụ phục vụ việc tiêm ngừa cho trẻ ở độ tuổi không thuộc TCMR, hoặc trẻ trong diện TCMR nhưng vì lý do nào đó (ngưng tiêm, lo sợ tai biến, tiêm trễ) mà phải đi tiêm dịch vụ.

Các vắc xin này đơn vị y tế phải mua từ nhà cung cấp, người dân bỏ số tiền khá cao để tiêm. Một khi nhu cầu tăng đột biến, do bệnh nhiều, mà cơ quan y tế không dự trù kịp, hẳn nhiên “cháy hàng” vắc xin.

Với vắc xin TCMR, Thạc sĩ bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long cho biết đơn vị luôn được Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cung cấp đầy đủ.

“Các vắc xin phòng bệnh trong TCMR ở tháng 7 (đã tiêm ngừa xong) và tháng 8 tới đều có đủ để tiêm định kỳ cho trẻ”-bác sĩ Tân nói. Đồng thời khẳng định: “Trong tất cả các biện pháp phòng bệnh, chỉ có tiêm vắc xin là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất hiện nay (với bệnh có vắc xin phòng ngừa)”.

Vắc xin trong TCMR luôn đủ và chủ động kịp thời, vì thế y tế dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ trong lứa tuổi TCMR đến cơ sở y tế để tiêm đúng liều, đúng lịch,... Làm tốt điều này sẽ góp phần “hạ nhiệt” tình trạng thiếu vắc xin dịch vụ (đã, đang diễn ra) khi có nhiều bệnh diễn biến phức tạp.

Phân biệt giữa các vắc xin

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long, vắc xin phối hợp “5 trong 1” trong TCMR để tiêm ngừa 5 bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, Hib (viêm phổi, viêm màng não mũ do Hib). Còn vắc xin “5 trong 1” không thuộc TCMR, chỉ tiêm dịch vụ theo nhu cầu, ngừa bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, Hib. Riêng vắc xin “6 trong 1” dịch vụ là tổ hợp của vắc xin “5 trong 1” thuộc TCMR và có thêm phòng ngừa bại liệt.


Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh