Nội soi phế quản giúp điều trị hiệu quả nhiều bệnh

04:01, 10/01/2014

2 đề tài nghiên cứu khoa học của nhóm bác sĩ Khoa Nội 4 (và các khoa liên quan) của BVĐK tỉnh Vĩnh Long đã được Ban Giám đốc bệnh viện đánh giá là đề tài hay, có tính thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng trong chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý tại đơn vị.

2 đề tài nghiên cứu khoa học của nhóm bác sĩ Khoa Nội 4 (và các khoa liên quan) của BVĐK tỉnh Vĩnh Long đã được Ban Giám đốc bệnh viện đánh giá là đề tài hay, có tính thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng trong chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý tại đơn vị.

Đó là đề tài “Nhân 2 trường hợp viêm phổi do ký sinh trùng (KST)” (thực hiện năm 2013), và trước đó năm 2012 là đề tài “Đánh giá hoạt động nội soi phế quản tại Khoa Nội 4- BVĐK tỉnh Vĩnh Long từ tháng 2/2012 đến tháng 10/2012” do Khoa Nội 4 thực hiện. Các đề tài này được cho là yếu tố giúp gợi ý chẩn đoán bệnh lý chính xác và điều trị hiệu quả các trường hợp về sau.


Các hình ảnh nội soi phế quản đã phát hiện bệnh viêm phổi do KST.

Điều trị thành công bệnh “hiếm”

KST là một trong những nguyên nhân gây viêm phổi thường ít được chú ý, khi chẩn đoán và điều trị đa số bệnh nhân trong tình trạng bệnh nặng, có biến chứng, đồng thời phải tiếp nhận một lượng kháng sinh mạnh, liều cao.
 
Lần đầu tiên tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long, 2 trường hợp viêm phổi do KST vừa phát hiện, điều trị thành công. Viêm phổi do KST là bệnh hiếm gặp ở Việt Nam . Tuy vậy, một điều tra của bác sĩ tại BVĐK tỉnh, nhiễm KST tại tỉnh Vĩnh Long được biết tương đối cao với tỷ lệ huyết thanh chẩn đoán trong 35 mẫu thì có 23 mẫu dương tính.

Bệnh nhân nam (xin không nêu tên, sinh 1942) nhập viện tháng 4/2013 với biểu hiện ho kéo dài, khó thở, suy hô hấp nhẹ, thể trạng kém. Bệnh sử ho kéo dài trên 3 tháng, điều trị nhiều nơi, dùng nhiều thuốc kháng sinh, kể cả thuốc đặc trị lao, nhưng không khỏi.

Khám lâm sàng và kết quả làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi do KST (còn gọi là sán lá phổi). Theo bác sĩ Trưởng Khoa Nội 4 Trần Tất Trung, quá trình điều trị cho bệnh nhân chỉ trong vòng một tuần sau khi chẩn đoán bệnh lý.

Kết quả triệu chứng là hết ho, hết khạc ra máu, ăn uống được. X-quang và CT Scaner ngực hết tổn thương thâm nhiễm, duy chỉ còn tồn một hình ảnh hang vách dầy ở phổi phải, dịch phế quản không tìm thấy KST. “Không kể các loại kháng sinh và các dịch truyền, tính riêng thuốc đặc trị cho bệnh nhân trên chỉ tốn hơn 100 ngàn đồng, và cuối cùng điều trị thành công” – bác sĩ Trần Tất Trung chia sẻ.

Một bệnh nhân khác nhập viện BVĐK tỉnh vào tháng 8/2013 (26 tuổi, quê quán Bến Tre) cũng được bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi do KST. Trước đó, bệnh nhân có bệnh sử ho khan, sốt nhẹ hơn 1 tháng, điều trị tại Bến Tre và TP Hồ Chí Minh nhưng không giảm. Khi nhập viện, bệnh nhân đột ngột lên cơn co giật, tri giác lơ mơ, sốt nhẹ, dấu màng não (-) và dấu thần kinh khu trú (-).

Sau các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi do nhiễm ấu trùng giun lươn có biến chứng thần kinh. Điều trị bằng Albendazol với liều thích hợp trong 3 ngày, bệnh nhân tỉnh táo hẳn, hết sốt, hết co giật, ăn uống được. Theo kết quả nội soi phế quản sau đó, bệnh nhân hết hình ảnh sung huyết niêm mạc phế quản, xét nghiệm dịch rửa phế quản không còn hình ảnh ấu trùng giun lươn.

“Viêm phổi do KST thường ít được quan tâm, mặc dù vị trí địa lý, khí hậu Nam Bộ phù hợp với sự phát triển của nhiều loại KST. Bệnh lý này nếu được phát hiện sớm sẽ giúp tiên lượng tốt và điều trị thành công, ngược lại nếu phát hiện trễ sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể tử vong” – bác sĩ Trần Tất Trung lý giải.

“Đề tài hay, thực tiễn, ứng dụng cao”

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà- Trưởng Phòng Kế hoạch- tổng hợp, BVĐK tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tế do Ban Giám đốc bệnh viện ký đầu tháng 1/2014, đã xác nhận: đề tài “Nhân 2 trường hợp viêm phổi do KST” (năm 2013) cùng với đề tài “Đánh giá hoạt động nội soi phế quản tại Khoa Nội 4- BVĐK tỉnh Vĩnh Long” (năm 2012) được đánh giá “là đề tài hay, có tính thiết thực, đã góp phần nâng cao chất lượng trong chẩn đoán, điều trị tại khoa hô hấp và một số chuyên khoa khác”.

Trùng hợp là dù 2 đề tài ở 2 thời điểm khác nhau và độc lập nhau nhưng liên quan mật thiết với nhau trong chẩn đoán điều trị bệnh. 2 trường hợp viêm phổi do KST là bệnh tương đối hiếm gặp ở Việt Nam , đã được chẩn đoán và điều trị thành công nhờ phương pháp nội soi phế quản.

Qua kết quả các đề tài, Ban Giám đốc bệnh viện khuyến khích: “Các khoa lâm sàng khi cần thiết nên hội chẩn với các chuyên khoa trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý đường hô hấp. Khoa Nội 4 cần duy trì và phát huy kết quả đạt được này”.

Bác sĩ Trần Tất Trung (thứ 2 từ trái qua) cùng các bác sĩ thực hiện các đề tài khoa học khác được Ban Giám đốc bệnh viện khen thưởng.

Tại hội nghị báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học năm 2013 của bệnh viện (27/12/2013), “Nhân 2 trường hợp viêm phổi do KST” do nhóm bác sĩ Trần Tất Trung, cử nhân Nguyễn Minh Châu, cùng các cộng sự là bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh, kỹ thuật viên Võ Thị Thanh Truyền và điều dưỡng Nguyễn Hoàng Oanh thực hiện đã được bình chọn là đề tài nghiên cứu khoa học hay nhất và nhận phần thưởng.

Hơn cả phần thưởng để khích lệ tinh thần là những nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo các bác sĩ để đem lại sự tươi mới trong hoạt động chẩn đoán, điều trị thành công các bệnh lý về đường hô hấp và bệnh lý hiếm gặp.

Đó còn là sự dung hòa giữa đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, kỹ thuật y khoa được chuyển giao và tiếp nhận, cộng với quá trình học hỏi của các bác sĩ để hoạt động khám chữa bệnh ngày càng khởi sắc, tạo niềm tin đối với người dân.

“Nội soi phế quản...” giúp chẩn đoán chính xác nhiều bệnh, tránh trường hợp điều trị “bao vây” và tránh không chẩn đoán được bệnh phải chuyển tuyến trên điều trị. Các bệnh lý sau khi nội soi phế quản đã điều trị thành công ở bệnh viện tỉnh có: viêm phổi nhưng không thể phân biệt do vi trùng hay do vi trùng lao, có khối u trong phổi nhưng không biết là khối u ác tính hay u lành tính...

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh