Tuổi trưởng thành có rất nhiều thay đổi về thể chất và tâm sinh lý. Việc con trẻ trở nên ương bướng, chống đối ở tuổi dậy thì là vấn đề mà nhiều gia đình mắc phải. Ở độ tuổi này, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt, trẻ mong muốn được khẳng định cái tôi.
|
Tuổi trưởng thành có nhiều thay đổi cả về thể chất và tâm lý. Ảnh minh họa |
Tuổi trưởng thành có rất nhiều thay đổi về thể chất và tâm sinh lý. Việc con trẻ trở nên ương bướng, chống đối ở tuổi dậy thì là vấn đề mà nhiều gia đình mắc phải. Ở độ tuổi này, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt, trẻ mong muốn được khẳng định cái tôi.
Dạo gần đây chị Thủy (47 tuổi) thấy cô con gái “rượu” 17 tuổi của mình có nhiều thay đổi rõ rệt. Thay vì trước đây chỉ mặc đồ kín mít, không thích hở hang thì bây giờ hoàn toàn ngược lại. Lời nói cử chỉ cũng có phần ngang tàng hơn.
Cô bé chỉ muốn mọi người trong nhà phải làm theo ý thích của bản thân mình. Chị Thủy càng lo hơn khi lén vào xem điện thoại của con.
“Tôi khá sốc không tin được con gái mình nói chuyện với bạn toàn những giọng điệu, ngôn từ sặc mùi chợ búa. Tụi nhỏ toàn bàn về vấn đề trai gái, ghép đôi bạn này, giới thiệu bạn kia... Tôi thật sự rất lo lắng không biết phải xử lý vấn đề này thế nào cho êm đẹp và để uốn nắn con gái mình trở lại nề nếp”- chị Thủy chia sẻ.
Trường hợp chị Thủy là nỗi niềm chung của rất nhiều bậc phụ huynh đang có con em đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì.
Có rất nhiều cách để trẻ khẳng định bản thân ở tuổi dậy thì. Có em thì khẳng định bản thân thông qua chiều hướng tích cực, ví dụ như đặt ra mục tiêu và quyết tâm theo đuổi, cũng như có những người bạn và các mối quan hệ kết nối đầy lành mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình đó, có nhiều trẻ sa ngã, khẳng định bản thân thông qua những hành vi mang tính tiêu cực như quậy phá, bướng bỉnh, đua đòi…
Nếu như không có sự chỉ dẫn và đồng hành của người lớn để phân tích sự đúng sai, cũng như đưa ra các giới hạn, thì rất có thể những biểu hiện tiêu cực này sẽ dễ trở thành lối mòn trong tính cách, tác động xấu đến phẩm chất cũng như sự phát triển của trẻ về sau.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều phụ huynh khi thấy con mắc lỗi, bướng bỉnh không nghe lời… thì đã dùng mọi biện pháp hà khắc như la mắng, phạt, thậm chí đánh đập, với mong muốn con đi đúng hướng.
Theo chuyên gia tâm lý đây là cách làm sai, phản khoa học, không những không giúp trẻ tốt lên mà dễ khiến các em ngày càng lầm đường lạc lối. Ở tuổi dậy thì, mang tâm lý mình dần trở thành người lớn, nhiều trẻ có lòng tự tôn rất cao.
Kéo theo đó là sự thay đổi tâm lý, buồn vui thất thường, hay cáu giận song cũng dễ tổn thương. Do đó, nếu có hành động nào ảnh hưởng tiêu cực tới lòng tự tôn, các bạn trẻ rất dễ gục ngã. Việc phụ huynh sử dụng đòn roi hay những biện pháp cấm cản hà khắc sẽ khiến trẻ có nguy cơ chống đối.
Chuyên gia cho rằng, không chỉ gây tổn thương cho trẻ, việc sử dụng bạo lực hay la mắng con trước mặt mọi người sẽ đẩy khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày một xa. Có những đứa trẻ phải bỏ nhà ra đi bởi câu chửi mắng của cha mẹ. Thậm chí, nhiều trẻ em còn mang trong mình tư tưởng căm ghét đấng sinh thành, điều này sẽ ám ảnh tư tưởng trẻ cả đời, ảnh hưởng tới việc xây dựng các mối quan hệ trong tương lai.
Bất cứ lứa tuổi nào cũng luôn cần sự quan tâm và thấu hiểu, nhất là tuổi mới lớn. Phụ huynh chính là người đồng hành tốt nhất của con trong giai đoạn này. Mỗi đứa trẻ có tính cách khác nhau nên sẽ có cách giáo dục khác nhau.
Nhưng về cơ bản, cha mẹ cần hiểu tâm lý và tìm hiểu để biết trẻ muốn gì, cần gì, có gặp khó khăn, trở ngại nào về học tập hay các mối quan hệ cuộc sống. Từ đó cha mẹ mới có thể luôn đồng hành cùng con trên mọi chặng đường. Trẻ càng nổi loạn, cha mẹ càng cần hạn chế quát mắng, chửi bới và xúc phạm hay bài xích con, cấm cản bạn bè cũng như các thú vui của con. Quan trọng là cha mẹ hãy thể hiện sự tôn trọng con bằng cách lắng nghe con.
Tuổi dậy thì không phải đứa trẻ nào cũng nổi loạn và cũng không phải sự nổi loạn nào cũng mang tính tiêu cực, đôi khi chỉ là muốn chứng tỏ bản thân đã là một người lớn. Nhưng dù thế nào đi nữa, cha mẹ nên song hành cùng con, cố gắng trở thành một người bạn thực sự của con để con được trưởng thành trong một môi trường hoàn hảo nhất.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin