Mong một cái Tết sum vầy

10:01, 27/01/2023

Sau thời gian dịch bệnh, có lẽ Tết năm nay là cái Tết mà nhà nhà đều hân hoan chờ đợi không khí sum họp gia đình, đầm ấm với đầy đủ các thành viên yêu thương. Tết ngày nay vẫn luôn giữ gìn những giá trị của Tết truyền thống, hòa hợp với những nét mới của văn minh thời đại, tất cả cùng hòa quyện tạo nên một Tết Nguyên đán thiêng liêng và đầy màu sắc. 
 

Chợ hoa Tết luôn hấp dẫn mọi người đi thưởng lãm.
Chợ hoa Tết luôn hấp dẫn mọi người đi thưởng lãm.
Sau thời gian dịch bệnh, có lẽ Tết năm nay là cái Tết mà nhà nhà đều hân hoan chờ đợi không khí sum họp gia đình, đầm ấm với đầy đủ các thành viên yêu thương. Tết ngày nay vẫn luôn giữ gìn những giá trị của Tết truyền thống, hòa hợp với những nét mới của văn minh thời đại, tất cả cùng hòa quyện tạo nên một Tết Nguyên đán thiêng liêng và đầy màu sắc. 
 
Sum họp gia đình 
 
Cuối năm là dịp mà nhà nhà, người người nô nức sắm sửa, chọn mua những vật dụng cần thiết, những thức ăn cần dùng để chuẩn bị đón Tết về. Hơi thở xuân tràn ngập trong từng khu phố, rộn ràng trên khắp các phương tiện truyền thông, khiến không khí nô nức đến lạ. 
 
Tết đến xuân về, mọi người tạm gác lại những công việc, những bộn bề lo toan trong cuộc sống, để những người con xa quê có cơ hội về đoàn tụ, sum họp, quây quần bên người thân của mình và cùng nhau đón chào những điều may mắn của năm mới. Đó cũng chính là truyền thống hết sức ý nghĩa, là nét đẹp văn hóa mãi lưu truyền của dân tộc Việt Nam ta.
Nhiều gia đình hiện đại bày trí Tết đơn giản, tiết kiệm, chủ yếu là niềm vui sum họp.
Nhiều gia đình hiện đại bày trí Tết đơn giản, tiết kiệm, chủ yếu là niềm vui sum họp.
Gia đình cô Nguyễn Mai (Việt kiều Mỹ) vừa về Việt Nam “ăn Tết” sớm. Tay xách tay mang bao nhiêu là quà từ xứ người về biếu họ hàng làng xóm. Về đến quê, vợ chồng cô vui như hội vì đã 3 năm rồi không về.
 
Cô Mai chia sẻ: “Khi đến thời gian Tết, ở bên đó cứ trông về quê hương, nhớ da diết cái không khí Tết, nó náo nức vui làm sao. Thèm đủ thứ món ăn ngon ngày Tết. Khi mọi việc ổn định, tôi lập tức đặt vé về Việt Nam sớm hơn 2 tháng để nghỉ ngơi thoải mái, tận hưởng mùi vị quê hương cho bớt nhớ và ăn thỏa thích các món ngon. Năm nay tôi sẽ trang trí nhà cửa cầu kỳ hơn, sắm cặp mai to chưng trong nhà để cả nhà chụp vài tấm hình mang theo làm kỷ niệm”.
 
Chị Thanh Tâm (TP Vĩnh Long) chia sẻ thêm: “Tết năm rồi vì còn e ngại dịch bệnh nên vợ chồng tôi không về quê ngoại ngoài Bắc. Năm nay tầm 28 Tết gia đình tôi sẽ về ngoài đó vài ngày. Bố mẹ tôi trông con cháu lắm. Tết năm rồi gia đình than buồn vì không đủ các thành viên sum họp. Năm nay, ngoài đó đã lên kế hoạch để chào đón vợ chồng tôi bằng nhiều món ngon ngày Tết của miền Bắc. Tôi rất háo hức trông đợi”.
 
Tràn ngập trong những phiên chợ quê hay từng nẻo đường, con phố đều thấy màu sắc rực rỡ của mai, đào, cúc, thọ, câu đối Tết, dưa hấu đỏ, bánh chưng, bánh tét. Với mỗi người Việt, Tết là sự trở về, là sum họp, là đoàn viên. Những ngày Tết, dù bận rộn, có nhiều thứ phải lo toan đến đâu, dù ai có đi xa đến đâu, mỗi người đều mong muốn trở về để đoàn tụ, sum vầy bên gia đình. 
 
Nhẹ nhàng cho ngày Tết thêm vui
 
Ngày nay, người ta ăn Tết cũng nhẹ nhàng hơn. Vẫn giữ những tinh hoa của truyền thống nhưng bỏ bớt đi những thủ tục rườm rà. Tết là để sum họp gia đình vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái. 
Nhiều gia đình thích tổ chức đi du lịch vào dịp Tết để nghỉ ngơi thư giãn sau một năm bận rộn lo toan.
Nhiều gia đình thích tổ chức đi du lịch vào dịp Tết để nghỉ ngơi thư giãn sau một năm bận rộn lo toan.
 
Ngày xưa thường thấy những hình ảnh của người bà, người mẹ, người chị từ sớm đã lo trang hoàng nhà cửa đón Tết với hàng trăm việc phải chuẩn bị. Từ quét dọn, sơn sửa nhà cửa, đi may quần áo mới, chuẩn bị lá gói nem gói bì, làm dưa chua, củ kiệu, đặt mua gà vịt, nhất là chuẩn bị một nồi nếp to để gói bánh tét. Lo lắng nhất vẫn là khâu chị em phụ nữ đi chợ mua sắm Tết với hàng trăm thứ phải mua sao cho phù hợp với túi tiền, rồi đến khâu chuẩn bị các mâm cỗ cúng ông bà và thết đãi khách. 
Phụ nữ thời nay bớt lo Tết, có thời gian du xuân cùng nhau.
Phụ nữ thời nay bớt lo Tết, có thời gian du xuân cùng nhau.
 
Ngày nay, mọi thứ được nhìn nhận thoáng hơn, bỏ bớt những rườm rà để hợp lý, đơn giản hơn, nhằm cảm nhận Tết nhẹ nhàng mà thêm vui. Nhà cửa có thể thuê dịch vụ dọn dẹp trang hoàng, nếu không có thời gian.
 
 
Đồ ăn thức uống, bánh kẹo, trái cây,... đều được bày bán. Mỗi gia đình cũng không còn tốn thời gian gói bánh chưng, bánh tét, làm dưa kiệu. Tất cả đều có sẵn ngoài chợ, trong siêu thị và chỉ cần “alo” là được giao tận nhà. Ngay cả mâm ngũ quả nhiều nhà cũng không câu nệ nhiều, miễn sao đẹp mắt tươi tốt đem đến sự tốt lành là được. 
 
“Tôi dù lớn bao nhiêu tuổi cũng luôn nôn nao, háo hức mỗi khi không khí Tết tràn về. Tôi thích nhất là dạo chợ hoa, ngắm hàng quán, người người nô nức đi chợ Tết. Hàng hóa, các quầy bánh mứt bày bán xôm tụ đầy đường.
 
Ở quê tôi, như thành thông lệ, khoảng qua 23 tháng Chạp là trên một số con đường sẽ bày bán từng dãy bánh mứt, trái cây, hoa tươi... Tất cả đều đầy đủ cho một cái Tết sung túc. Phụ nữ thời nay có nhiều dịch vụ hỗ trợ nên chuẩn bị Tết cũng nhẹ nhàng hơn, có thời gian để tận hưởng Tết, du xuân cùng bạn bè, người thân. Ngày xưa hay ngày nay, Tết mãi thiêng liêng trong lòng tôi”- chị Mỹ Phương chia sẻ.
 
Một truyền thống thiêng liêng mà dù xưa hay nay đều giữ nguyên ý nghĩa. Đó là mâm cơm ngày Tết. Bữa cơm đoàn viên ngày nay có thể bớt đi sự cầu kỳ của món ăn nhưng linh hồn vẫn vẹn nguyên. Bữa cơm ngày Tết tạo nên tình cảm thắm thiết, gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình, trở thành hành trang mang theo trong cuộc đời.
Ngày nay, mâm trái cây hay mâm cơm  cúng ông bà cũng có phần đơn giản hơn,  phù hợp với từng nếp nhà.
Ngày nay, mâm trái cây hay mâm cơm cúng ông bà cũng có phần đơn giản hơn, phù hợp với từng nếp nhà.
 
Thủ tục chúc Tết ông bà cha mẹ nhận lì xì đầu năm cũng vẫn vẹn nguyên. Người lớn lì xì trẻ nhỏ ngày đầu năm thể hiện sự quan tâm, thương yêu và mong ước con cháu luôn ngoan ngoãn, khỏe mạnh, học giỏi… Người lớn được con cháu mừng tuổi thể hiện lòng kính trọng, yêu thương, mong ông bà cha mẹ thêm phước, thêm thọ. Họ hàng, người thân trao nhận lì xì với lời chúc mong một năm mới làm ăn suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió. 
 
Phong tục lì xì lấy lộc vẫn giữ nguyên ý nghĩa từ Tết xưa cho đến Tết nay.
Phong tục lì xì lấy lộc vẫn giữ nguyên ý nghĩa từ Tết xưa cho đến Tết nay.
 
Dù là thời xưa hay thời nay, thì Tết trong tim mỗi người vẫn là điều thiêng liêng và được háo hức mong chờ. Dù có bỏ bớt những thủ tục để phù hợp với điều kiện sống, thì Tết vẫn giữ nguyên giá trị tinh thần. Mọi người mong chờ đoàn viên, cùng nhau khép lại mọi buồn phiền không may mắn ở năm cũ, để chào đón một năm mới an lành, tốt đẹp hơn. Giữ gìn nét đẹp truyền thống sum họp gia đình ngày Tết chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
 
Bài, ảnh: LAM NGỌC

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh