Ấn tượng mà Nhà giáo ưu tú-Nghệ sỹ Mạnh Dung để lại trong lòng khán giả là hình ảnh "ông già Nam Bộ" gầy gò, tóc búi tó trong những bộ phim "Đất Phương Nam," "Những đứa con thành phố..." dù ông vốn là người gốc Bắc.
Ấn tượng mà Nhà giáo ưu tú-Nghệ sỹ Mạnh Dung để lại trong lòng khán giả là hình ảnh "ông già Nam Bộ" gầy gò, tóc búi tó trong những bộ phim "Đất Phương Nam," "Những đứa con thành phố..." dù ông vốn là người gốc Bắc.
Nghệ sỹ ưu tú Trần Thanh Dậu từng là đào chính nổi danh trên sân khấu cải lương những năm 60, 70. Hai ông bà đã có một tình yêu thật đẹp, trân quý nhau qua từng giai đoạn cuộc đời, để rồi được già đi cùng nhau.
50 năm trước: tình yêu đầu tiên
- Ông bà đã gặp nhau như thế nào ạ?
Bà: Ngày đó tôi vốn là con nhà nòi, có bố là kép đàn, mẹ là nghệ sỹ hề nổi tiếng, ngay từ khi mới 14 tuổi, tôi đã được gửi vào Đoàn Cải lương Chuông Vàng để học lớp Đồng Ấu.
Một hôm tôi trông thấy ông ấy ở đó, một người đẹp trai, cao ráo, rắn rỏi, giọng hát rất hay, khi hóa trang lên thì vô cùng cuốn hút. Ông không phải là con nhà nòi nhưng lại rất giỏi nghề, khiêm tốn, hiền lành, ít nói, cứ rảnh ra là tập đàn. Tôi thích ông ấy trước đấy nhé!
Phụ nữ hay thích người đẹp trai. Nhưng đẹp trai chỉ là một phần thôi, quan trọng hơn là phẩm chất, năng lực |
Ông (cười khà khà, khẽ gật đầu và nhấp một ngụm trà): Phụ nữ hay thích người đẹp trai. Nhưng đẹp trai chỉ là một phần thôi, quan trọng hơn là phẩm chất, năng lực.
Bây giờ tôi thấy mấy cháu trẻ cứ nhìn thấy đẹp trai là mê tít rồi, không cần quan tâm đến những tiêu chuẩn khác. Mà cũng có thể tôi già rồi, có lẽ không cập nhật được xu hướng mới chăng?
- Bà thích trước, nhưng ai là người tỏ tình trước ạ?
Bà: Nói thật nhé, hồi đó có rất nhiều người quan tâm đến ông ấy. Tôi thích nhưng đâu dám nói ra. Chả lẽ cọc đi tìm trâu à? Ngày ấy khó lắm, không chủ động như bây giờ đâu. Thế là tôi chỉ biết cách quan tâm, hỏi han chăm sóc. Rồi đến một ngày ông ấy cũng tỏ tình, ối giời, trúng ý tôi quá.
Ông: Bà cứ nói thế, chứ ngày xưa bà cũng có nhiều người theo đuổi lắm.
Bà (cười): Nghe sướng tai thế!
- Ông tỏ tình thế nào ạ?
Bà: Thì ông ấy nói ngắn gọn, nhưng rất chân thành: "Anh yêu em." Tôi im lặng. Im lặng tức là đồng ý đấy, chứ chẳng lẽ lại hồ hởi bảo "vâng, vâng".
Ông ấy nói ngắn gọn, nhưng rất chân thành: "Anh yêu em". Tôi im lặng. Im lặng tức là đồng ý đấy, chứ chẳng lẽ lại hồ hởi bảo "vâng, vâng" |
Ông: Mà đã bằng lòng thì phải hôn nhau. Thời đấy chỉ nắm tay thôi là đã run cầm cập rồi, hôn nhau là lớn chuyện lắm rồi đấy. Chúng tôi đều là mối tình đầu của nhau.
- Rồi cứ cầm tay yêu nhau đến tận ngày cưới ạ?
Ông: Trong suốt 6 năm yêu nhau, tôi và bà ấy hoàn toàn vô tư và trong sáng, tuyệt đối không hề có chuyện sống thử như bây giờ. Đến năm 1967, được hai gia đình đồng ý, chúng tôi mới làm đám cưới.
Thời của chúng tôi là thời mà đạo đức cá nhân vô cùng quan trọng, kỷ luật tập thể hết sức khắt khe, nhất là trong chuyện trai gái.
Ai mà yêu hết người này đến người kia là bị chê bai, kỷ luật dữ lắm rồi. Chính điều này đã như một giới hạn để mỗi người đều giữ gìn phẩm chất và lòng tự trọng của mình.
Cũng là giữ tình yêu mà mình vun đắp. Cưới được mối tình đầu thì còn gì hạnh phúc hơn.
Bà: Trước đó gia đình tôi phản đối, vì muốn tôi lấy người môn đăng hộ đối, cũng là con nhà nòi chứ không phải tay ngang như ông. Nhưng mà chúng tôi yêu nhau lắm. Lúc đó tôi đã 22 tuổi rồi nên bố mẹ rất sốt ruột.
- Đám cưới to không ạ?
Bà: To. Đông vui vì có gia đình, đồng nghiệp, bạn bè cùng góp mặt. Chứ tiệc thì đơn giản vô cùng, chỉ có nước trà tươi, kẹo Hải Châu, bánh xốp, bánh quy.
Đến gần chiều tối mới làm được ít bún chả nhờ cân thịt bố mẹ chồng mang từ quê lên.
Đám cưới diễn ra giữa những ngày máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, nên người chủ hôn, trước khi tiến hành làm lễ, dõng dạc thông báo vào loa: "Hai họ nghe đây, nếu có báo động thì họ nhà trai di chuyển đến hầm ẩn nấp bên tay phải tôi, họ nhà gái di chuyển đến hầm bên tay trái tôi."
Ông: Còn nhớ lúc đi đăng ký kết hôn, cả hai chỉ có một chiếc xe đạp cọc cạch. Hơn hai mươi cây số đường đê từ Đông Anh về Hà Nội, trên bom dưới đạn, mà chẳng sợ gì đâu, chỉ thấy lâng lâng trong lòng vì mình sắp được lấy nhau thôi. Thật là một thời kỳ không thể nào quên.
30 năm trước: Giữ lấy nhau
- Cuộc sống hôn nhân và những cay đắng, ngọt bùi của nó có lúc nào khiến ông bà thấy mệt mỏi không ạ?
Bà: Ôi thời bao cấp khó khăn lắm. Ai cũng nghèo cả. Thời đó, tôi sinh em bé chỉ được nghỉ đúng hai tháng rưỡi, lúc đó còn sanh mổ nữa chứ, mà không có tiền mua sữa để bồi dưỡng nên vất vả lắm.
Chúng tôi phải đèo theo con đi làm. Những hôm tôi ở rạp thì ông bế con đến để tôi tranh thủ cho bú. Đến lượt ông diễn thì tôi bế. Khi cả hai cùng diễn thì nhờ chị phụ trách phục trang trông hộ.
Thỉnh thoảng nó khóc ré lên trong cánh gà khiến chị ấy hoảng quá bịt mồm nó rồi chạy ra bãi đất trống phía sau mới dám thả tay ra bảo: "Rồi, gào đi!"
Con lớn hơn chút lại càng khó khăn. Có lúc hai vợ chồng được cấp hai suất xôi, phải nhịn để dành cho con.
Ông: Cuộc sống thì lúc nào mà chẳng khó khăn, vất vả. Nhưng quan trọng là cách ta vượt qua sóng gió thế nào để vẫn giữ được những gì quý giá với mình. Điều tôi trân trọng nhất ở vợ chính là sự hy sinh hết lòng của bà ấy.
Có những giai đoạn khó khăn nếu không nhờ bà ấy nhường nhịn thì chắc chúng tôi đã không còn ở bên nhau.
Giai đoạn đầu là sau khi học nghề xong, cùng trở thành diễn viên. Bà khi ấy là đào chính đang lên, làm bí thư đoàn, hội viên Hội Văn học nghệ thuật, còn tôi lại muốn vào Nam để đầu quân cho Đoàn Cải lương Nam Bộ.
Chuyển vào Nam đồng nghĩa với việc mất tất cả, phải gây dựng lại từ đầu. Chúng tôi mất hơn một năm học nói tiếng Nam Bộ, cứ như học... ngoại ngữ ấy, mà bà ấy lại mới sinh chưa lâu.
Giai đoạn thứ hai là lúc đi B, chúng tôi phải gửi con để tình nguyện ra chiến trường phục vụ.
Rồi đến giai đoạn thứ ba, khi chúng tôi quyết định trở ra Hà Nội để gây dựng Nhà hát Trung ương, tức là, một lần nữa tay trắng và làm lại từ đầu.
- Ông bà đi đâu cũng có nhau như vậy, lần xa nhau lâu nhất là bao lâu ạ?
Bà: Là tròn một năm đấy. Năm 1983, sau khi ông tốt nghiệp đạo diễn thì một lần nữa, ông lại muốn vào Sài Gòn công tác. Tôi, khi ấy, đang làm trưởng đoàn của nhà hát ngoài Hà Nội nên không thể đi theo ngay. Thế là hai vợ chồng viết thư tay cho nhau để thông báo tình hình.
Một năm thôi mà bao nhiêu là thư, tình cảm lắm. Đến cuối năm thì tôi xin vào luôn. Phải vào chứ, nhỡ ông ấy lập "gánh bà Hai" thì sao! (cười lớn)
Ông: Đúng là ở thời điểm đó, khi công việc đã bắt đầu ổn định và thành công, không cẩn thận trước những cám dỗ là gia đình tan vỡ ngay.
Người đàn ông phải hiểu người phụ nữ của mình, phải coi trọng hạnh phúc quý giá của mình. Trước cám dỗ, dục vọng, phải biết cách dừng lại để không lầm lỡ lạc bước.
Tình yêu cần sự đam mê và chân thành, hôn nhân cần sự thấu hiểu và chung thủy. Khi gần nhau thì giúp nhau hoàn thiện, động viên nhau để giữ gìn hạnh phúc.
Khi xa cách thì nỗi nhớ là chất xúc tác giúp tình yêu trở nên da diết, sâu đậm hơn, phải không?
- Đúng ạ. Hồi ấy không có điện thoại di động hay Internet như bây giờ nên không nhắn tin được, nhưng sự kết nối giữa hai người trong tình yêu lại dường như mạnh mẽ hơn?
- Ông: Bây giờ mỗi đứa một cái điện thoại thông minh rồi cắm mặt vào đấy, có ai thèm nói với ai câu nào đâu, có thì cũng là những lời đối thoại lỏng lẻo, rời rạc.
Còn chúng tôi ấy hả, nói chuyện và nhìn nhau, đôi mắt cười với nhau, xa nhau thì viết thư cho nhau, lãng mạn lắm.
10 năm trước: Và ta đã già đi cùng nhau
- Sống với nhau càng lâu, ông thấy thích điều gì ở bà nhất?
Ông: Tôi không ca ngợi vợ lên tận mây xanh đâu, nhưng bà ấy đúng là một người phụ nữ Việt Nam tuyệt vời. Biết tiếp thu, dịu dàng, ân cần, chăm yêu chồng con hết mực.
Mà bà có ở nhà suốt ngày đâu, bà ấy bận bịu với các công tác xã hội, rất năng động và say nghề. Tôi vừa quý, vừa trọng, vừa yêu, vừa thương bà. À, bà cũng có nhiều người để ý lắm, nhưng bà rất nghiêm chỉnh.
Bà (cười tít mắt): Yêu thế!
- Còn bà thì sao ạ?
Bà: Khi mới yêu thì chủ yếu là cảm tính, chẳng biết rồi sẽ thế nào. Tôi tự hào vì ông là mối tình đầu tiên và duy nhất của mình. Ông vừa là người yêu, vừa là đồng chí, vừa là bạn tâm giao, là người anh, người đồng nghiệp.
Ông sống rất có tình có nghĩa. Chính cái tình ấy là kim chỉ nam trong lòng tôi, là điều tôi trân quý nhất.
- Bao năm tháng đi qua, có lúc nào ông bà thấy sợ vì thời gian trôi nhanh quá, những ngày còn lại đang ngắn dần?
Bà: Quy luật sinh lão bệnh tử không ai cưỡng lại được. Chúng ta ai rồi cũng sẽ già, những nét đẹp của tuổi trẻ rồi cũng sẽ qua đi, bệnh tật nhiều thêm. Nhưng vẫn phải lạc quan, không nên suy nghĩ nhiều mà hãy tận hưởng những ngày đang sống.
Đời đưa ta đến đâu thì vui đến đó. Nhiều lúc nhìn mình trong gương thấy sao nhiều nếp nhăn mà ông ấy vẫn yêu. Như tôi vẫn thấy ông rất đẹp trai.
Ông: Tất nhiên, ai mà trẻ hoài được. Tôi vẫn khuyên bà ấy làm đẹp, còn sống là còn đẹp. Làm đẹp cho em cũng là làm đẹp cho anh. Cuộc đời chúng ta đang sống rất đẹp, tình yêu của anh và em cũng rất đẹp.
- Ông bà vẫn gọi nhau bằng "anh, em" nghe thật tình cảm!
Bà: Ừ, chúng tôi vẫn gọi nhau thế đấy, không ngượng đâu, quen rồi.
Ông: Đã yêu nhau sao lại phải thay đổi cách xưng hô khi chúng ta già đi? Dù có bao nhiêu năm nữa thì em vẫn là "em" trong mắt tôi ngày nào. Tôi vẫn là "anh" trong lòng người ta. Sao cứ phải thay bằng "ông," "bà" cho nó già cỗi đi, phải trẻ trung yêu đời chứ.
- Cùng nhau già đi phải chăng là một hành trình nhiều cảm xúc nhất của đời người ạ?
Ông: Khi đã chọn cùng nhau đi trên hành trình này, chúng ta phải có một ao ước cùng song hành đến một quãng đời yên bình, để thấy nhau già đi. Tôi mãn nguyện vì được trông thấy bà ấy già đi, cùng tôi, chứ không phải ai khác.
Những năm tháng bên nhau là những kỷ niệm tuyệt đẹp mà chúng tôi đã có, không có gì phải tiếc nuối.
Ngày hôm qua tình vẫn tươi xanh
- Hôm qua ông bà làm gì ạ?
Bà: Tôi đi chợ. Ông ấy ở nhà dọn dẹp nhà cửa. Rồi chúng tôi xem tin tức, nghe đài, xếp lịch quay phim.
Ông: Bận lắm, không có thời gian chết đâu.
- Được chứng kiến một tình yêu trọn vẹn và đẹp thế này, nhiều người sẽ có thêm động lực để yêu và cưới đấy ạ!
Ông: Nên tin vào tình yêu chứ. Dù lúc yêu nhau hay kết hôn, tình yêu vẫn sẽ luôn tươi xanh và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt giữ ta lại bên nhau. Còn gia đình thì là nền tảng vững chắc, là nơi bình yên nhất.
Có thể tình yêu của mấy cháu trẻ bây giờ chịu nhiều tác động từ bên ngoài hơn, phức tạp hơn, đòi hỏi tâm thế con người cũng khác hơn. Chứ thế hệ của tôi, những người bạn đồng môn nếu ai còn sống thì đến giờ vẫn giữ được tình yêu của mình, chẳng ai bỏ nhau cả.
- Sắp tới ông bà có dự định gì vui không ạ?
Ông: Chúng tôi sắp kỷ niệm 50 năm ngày cưới - đám cưới Kim cương đấy.
Tạm biệt ông bà, tôi ra về mà lòng đong đầy xúc cảm về một tình yêu xanh ngát xanh, nơi người này thuộc về người kia - một bản thể độc lập nhưng lại vừa khít.
Khi tình yêu đủ lớn, ta thả lỏng và an ủi khi nghĩ về tuổi già như nghĩ về một ngày mai sẽ đến nhẹ nhõm. Những mệt mỏi của đời người cũng trở nên dễ chịu khi ta có ai đó bên cạnh để sẻ chia.
Tình yêu đằm sâu theo thời gian chất chứa sự biết ơn vì người kia vẫn đang hiện diện bên cạnh mình, cùng sống cuộc đời này với mình.
Chúng ta phải đi về đâu để được già đi cùng nhau? Tôi cứ nghĩ hoài về câu hỏi đó./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin