Đừng xem con như "tài sản tranh chấp"!

05:09, 01/09/2016

Vợ chồng anh V. chị T. ly hôn. Tài sản, công nợ đôi bên tự thỏa thuận phân chia. Còn đứa con chung (cháu B.), do còn nhỏ nên tòa phán quyết cho cháu sống với chị T. Anh V. có trách nhiệm hàng tháng đóng tiền cấp dưỡng. 

Vợ chồng anh V. chị T. ly hôn. Tài sản, công nợ đôi bên tự thỏa thuận phân chia. Còn đứa con chung (cháu B.), do còn nhỏ nên tòa phán quyết cho cháu sống với chị T. Anh V. có trách nhiệm hàng tháng đóng tiền cấp dưỡng.

Thỏa thuận vậy rồi, nhưng sau khi ly hôn, anh V. vẫn hết sức “trầy trật” trong việc đóng góp tiền nuôi con. Nhiều lần chị T. phải dọa lên Ban Thi hành án khiếu nại anh V. mới “nhúc nhích”…

Do yêu cầu công tác, chị T. buộc phải thu xếp, chuẩn bị đưa con rời khỏi địa phương nơi anh V. cùng bố mẹ (tức ông bà nội cháu B.) đang sống.

Nghe tin, cả gia đình anh V. lập tức phản đối, lấy cớ anh V. là con trai trưởng nên cháu B. là “đích tôn” của nhà anh, phải ở cùng phía nội, không được theo mẹ chuyển đi (!?) Anh V. còn tìm gặp chị T. tuyên bố: “Cô muốn đi đâu thì tùy, nhưng con phải để lại cho tôi, cấm không được mang theo!”

Chị T. nổi xung cự lại, dọa sẽ trình báo chính quyền về hành vi xúc phạm của anh. Thấy dọa nạt suông không “ăn”, gia đình anh V. liền thay đổi chiến thuật: dụ dỗ cháu B. bằng mọi cách thức có thể!

Đột ngột, B. được ba quan tâm, “trang bị” cho nào áo quần giày dép; cả điện thoại thông minh để B. có cái hàng ngày chơi game.

Cuối tuần, xe ba chờ sẵn chở B. đi chơi. Chơi đâu, chơi gì, hễ B. muốn là ba OK ngay. Cháu B. đã học lớp 5, chị T. muốn rèn cho con tính tự lập nên mua xe đạp cho cháu tự đi học.

Về nhà, chị tập cho B. tự tắm rửa, tự làm các việc đơn giản và ngủ riêng phòng. Giờ thì hết ba đến ông bà nội ngày nào B. đi học cũng kè kè xe đưa xe đón với lý do: để B. đi một mình không “an toàn giao thông”!

Hôm nào B. ở nhà nội chơi, ông bà đều thi nhau chăm sóc B. theo cung cách chăm… trẻ lên 3: tắm rửa, chăm bẵm, đút cơm, đêm ngủ chung giường để bà dỗ giấc và vân vân.

Chưa hết, ở nhà chị T. sợ cháu nghiện game nên hạn chế chuyện cho cháu vô máy chơi game; nhưng khi B. sang nhà nội thì tự do.

Ông bà vừa tậu nguyên một dàn máy vi tính kết nối Internet tốc độ cao cho ông cháu “đích tôn” thoải mái “tác nghiệp”! Ngày lại ngày qua, tất cả những tiện nghi cố tình ấy đều kèm theo duy nhất một câu rỉ tai với đứa cháu ngây thơ: “Thấy ở với ba, với ông bà nội sướng không? Theo chi mẹ cháu cho khổ?”

Sướng thật, chẳng lâu la gì mà B. không nhận ra điều ấy, đến mức một ngày bị mẹ mắng vì ham chơi lười học, B. đã tuyên bố thẳng thừng: “Con không thích sống cùng mẹ nữa. Con muốn qua… ở với nội!” Chị T. tá hỏa…

Cấp tốc điều tra từ B., biết được nguyên nhân sự việc, quá bức xúc, chị T. đâm đơn ra tòa kiện anh V. cùng phía nội cu B. về hành vi… dụ dỗ trẻ con!

Lúc này, anh V. mới ra mặt, một mặt chối bay chuyện dụ dỗ, một mặt thẳng thừng tranh chấp quyền nuôi con với chị T. Lý do anh đưa ra: chị T. không hoàn thành nghĩa vụ nuôi nấng, chăm sóc con.

Bằng chứng là cháu B. không còn muốn sống với mẹ! Chị T. tức giận, trình bày trước tòa tất tật mọi ẩn tình của vụ việc “dụ dỗ” chị điều tra được, cũng như tố cáo âm mưu muốn “bắt con” của gia đình anh V.

Sau khi xem xét hết mọi tình tiết liên quan, tòa quyết định: cháu B. vẫn tiếp tục được sống với chị T.; và sẽ theo mẹ chuyển đi, gia đình anh V. không có quyền ngăn cản!

Ông nội cu B. đứng bật dậy, lớn tiếng: “Nhưng nó là “cháu đích tôn” của tôi…” Chánh án mỉm cười: “Thưa bác, luật pháp hiện hành nước ta không xem xét tình tiết “cháu đích tôn”, mong bác thông cảm!”

Hôn nhân đổ vỡ đã là chuyện hết sức đau lòng, tổn thương cho con cái. Mong những bậc làm ông bà, cha mẹ đừng vì tâm lý ích kỉ, “tranh hơn”, hoặc vì những quan niệm cổ hủ mà xem con cháu như thứ “tài sản” để xông vô tranh chấp bằng mọi giá bất chấp hậu quả, bất chấp những tổn thương chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm nỗi đau con trẻ đã phải gánh chịu một lần…

VĂN NGUYỄN (Phú Yên)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh