Nhiều học sinh hiện nay bị dồn nén cảm xúc, mất kết nối với gia đình, nhà trường... dẫn đến việc thể hiện bằng những hành vi gây rối để giải tỏa.
Nhiều học sinh hiện nay bị dồn nén cảm xúc, mất kết nối với gia đình, nhà trường... dẫn đến việc thể hiện bằng những hành vi gây rối để giải tỏa.
Học sinh Trường THPT Marie Curie trong buổi Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học ngày 15/11 - Ảnh: MỸ DUNG |
Tại buổi ra mắt chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học" diễn ra ngày 15-11, TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia, Phân viện tại TP.HCM, cho biết thời gian qua bà nhận được rất nhiều ca học sinh bị tâm lý dồn nén cảm xúc, có ca dẫn đến những chuyện đau lòng. Nguyên nhân vì học sinh mất kết nối với phụ huynh, nhà trường.
"Cha mẹ không hiểu con, con cũng không hiểu cha mẹ. Mất kết nối giữa hai phía dẫn đến nhiều chuyện đau lòng. Gia đình đã như vậy, trường học và học sinh cũng không kết nối được với nhau… làm cho học sinh rối loạn về cảm xúc. Từ đó ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.
Nhiều em học sinh trước đó học tốt lắm, nhưng khi mất kết nối với cha mẹ, nhà trường thì kết quả học tập đi xuống, thậm chí tệ hơn. Đặc biệt, khi học sinh căng thẳng thì các em có nhiều hành vi gây rối cho môi trường học ở nhà trường...
Với những cảm xúc kìm nén trong thời gian dài, sau những hành vi dại dột của trẻ chính là những bệnh lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, tự làm thương tổn bản thân" - TS Phạm Thị Thúy nói.
Lý giải việc mất kết nối này, cô Lê Thị Hồng Anh - phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, TP.HCM - cho rằng học sinh không chia sẻ với giáo viên, nhà trường vì "chia sẻ thì sợ bị lộ, vì sợ vấn đề không được giải quyết, nói với thầy cô đã ức càng ức hơn".
Để giải quyết những vấn đề trên, TS Phạm Thị Thúy cho rằng công tác tư vấn tâm lý học đường ở trong nhà trường cần đi vào thực chất. Vì hiện nay tại một số trường đã làm tốt, nhưng ở một số trường phòng tham vấn tâm lý vẫn chỉ cho có.
Mặt khác, cha mẹ cần thật sự quan tâm đến cảm xúc của trẻ, tìm cách để kết nối với con cái. Cha mẹ cũng cần được tư vấn tâm lý để có kết nối với con cái tốt hơn.
Tại trường học của mình, cô Thẩm Mỹ Linh - Hệ thống trường quốc tế Canada - cho biết với mong muốn giải quyết và chủ động ngăn chặn những vấn đề về tâm lý của học sinh, trường xây dựng chương trình tư vấn tâm lý cho học sinh.
Trong đó, trường không đợi học sinh cần tư vấn tâm lý thì mới giúp đỡ, mà xây dựng chương trình để học sinh chủ động, hiểu được cảm xúc của chính bản thân. Thông qua các chương trình hội thảo (chỉ có học sinh và chuyên gia tâm lý), chia sẻ những điều mà các em có thể nói ra, giúp học sinh đưa ra quyết định đúng.
Đối với phụ huynh, trường tập huấn cho phụ huynh hiểu để các em học sinh khi có vấn đề có thể được tư vấn tâm lý bởi cha mẹ mình.
Đưa chuyên gia đến trường giải quyết vấn đề tâm lý cho học sinh Từ nay đến cuối năm, chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học" do báo Tiền Phong tổ chức sẽ đưa chuyên gia đến 20 trường THCS, THPT tại TP.HCM để giao lưu, lắng nghe học sinh nhằm giải quyết các vấn đề tâm lý của học sinh. Tại mỗi trường, chương trình sẽ tổ chức các chuyên đề như: ứng xử văn minh trên mạng xã hội, cảnh báo, ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường, kỹ năng phòng chống xâm hại, giảm stress trong học tập, chọn ngành chọn nghề… |
Theo MỸ DUNG/Báo điện tử Tuổi trẻ