Chương trình giáo dục phổ thông 2018: 3 năm nhìn lại

05:11, 22/11/2023

Sau 3 năm thực hiện chương trình này, ngành GD Vĩnh Long cùng cả nước đã rút ra những bài học kinh nghiệm để thực hiện chương trình đạt mục tiêu lấy người học làm trung tâm, nâng cao năng lực, sự sáng tạo của người học.

 

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai từ lớp 1, năm học 2020-2021, đến nay đã triển khai đến lớp 4.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai từ lớp 1, năm học 2020-2021, đến nay đã triển khai đến lớp 4.

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được áp dụng từ năm học 2020-2021 và thực hiện theo lộ trình đến năm học 2024-2025 sẽ hoàn thành.

Sau 3 năm thực hiện chương trình này, ngành GD Vĩnh Long cùng cả nước đã rút ra những bài học kinh nghiệm để thực hiện chương trình đạt mục tiêu lấy người học làm trung tâm, nâng cao năng lực, sự sáng tạo của người học.

Cơ bản đáp ứng yêu cầu

Chương trình GDPT 2018 được thực hiện trong bối cảnh nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sau hơn 3 năm triển khai, chương trình cơ bản đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.

Theo đó, việc thực hiện đổi mới trong xây dựng kế hoạch GD của nhà trường theo tinh thần chủ động, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn; việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá đã thực hiện ngày càng thực chất, hiệu quả.

Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh theo chương trình GDPT 2018 đã có những chuyển biến tích cực; mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh của chương trình GDPT 2018 bước đầu đã được khẳng định, tạo niềm tin trong giáo viên (GV), học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội.

Tình trạng thiếu GV dạy các môn học trong chương trình GDPT 2018 diễn ra trên cả nước. Trong thực hiện chương trình này vào năm học 2022-2023, triển khai lớp 10 lần đầu tiên có môn Nghệ thuật, gồm 2 phân môn là Âm nhạc, Mỹ thuật được đưa vào môn học lựa chọn. Tuy nhiên, rất ít trường THPT không thể đưa vào dạy học vì không có GV dạy môn này.

Tại Vĩnh Long, trong quá trình triển khai chương trình GDPT 2018 đã kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ GD mầm non, THPT, bảo đảm hầu hết trẻ em, học sinh trong độ tuổi được đi học.

Công tác huy động trẻ mầm non, học sinh THPT đến trường học tập đạt tỷ lệ cao: huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 98,5%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt 97,13%; tỷ lệ học sinh THCS đi học đúng độ tuổi đạt gần 97%; tỷ lệ học sinh THPT đi học đúng độ tuổi đạt 97,58%; tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, trung học chuyên nghiệp đạt tỷ lệ 80,45%.

Ông Trịnh Văn Ngoãn- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Hiện nay, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Trường ĐH Đồng Tháp tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, GV; tham mưu tốt công tác tuyển dụng viên chức; chỉ đạo cơ sở GD linh hoạt trong phân công chuyên môn, đặc biệt là các môn học/hoạt động GD mới”.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình GDPT mới còn lúng túng. Một số bài tập đọc khá dài nên GV đã điều chỉnh thời gian dạy bổ sung và các tiết tăng cường. Hệ thống ngữ liệu và hình ảnh do tổ chuyên môn bước đầu mới xây dựng chưa được hoàn thiện cần tiếp tục quan tâm để phù hợp với đối tượng học sinh, GV.

Cần hoàn thiện, nâng cao

Dựa trên thực tiễn thực hiện chương trình tại huyện, ông Trần Tấn Hiện- Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tam Bình, đề nghị:

“Bộ GD-ĐT bổ sung nội dung tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn GV dạy chương trình GDPT 2018 đi sâu vào kỹ năng dạy học: thiết kế bài dạy, xây dựng tiết dạy minh họa… Song song đó, bộ cần chỉ đạo các trường CĐ, ĐH khi thực hiện tuyển sinh ngành sư phạm cần tham khảo nhu cầu GV của các địa phương để khi sinh viên tốt nghiệp ra trường được tuyển dụng theo nhu cầu, tránh thừa thiếu cục bộ như những năm qua”.

Huyện Tam Bình thống nhất chỉ đạo ưu tiên bố trí đủ GV cho các lớp thực hiện chương trình GDPT 2018, đặc biệt, đối với các bộ môn tích hợp khoa học xã hội và khoa học tự nhiên đối với lớp 6 và lớp 7 theo đúng chỉ đạo của Sở GD-ĐT, đảm bảo đúng chuyên môn, đủ số tiết quy định, đúng phân phối chương trình quy định.

Công tác tuyển dụng bổ sung nguồn lực được huyện quan tâm thực hiện tuyển dụng hàng năm sau khi duyệt biên chế năm học. Tính từ năm 2020-2022, huyện đã tuyển bổ sung 11 GV tiểu học, 1 GV THCS kịp thời phân bổ về các trường có nhu cầu.

Từ thực tiễn đề xuất của các địa phương, Nhà giáo nhân dân, TS Đặng Huỳnh Mai- nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, kiến nghị: “Bộ GD-ĐT nên tăng cường nhiều đợt tập huấn trực tiếp cho GV; tổ chức các buổi hội thảo để chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm cho GV thực hiện các lớp thay sách, kịp thời cung cấp đồ dùng thiết bị dạy học, SGK sớm chuẩn bị cho thay sách lớp 3.

Tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh chương trình GDPT 2018 đổi mới phương pháp đảm bảo chất lượng, phù hợp với thực tế và yêu cầu đặt ra. Bộ GD-ĐT nên sớm ban hành thông tư về định mức GV các cấp học phù hợp với đặc thù các địa phương vùng cao, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số”.

Chương trình tăng cường các hoạt động lấy học sinh làm trung tâm.
Chương trình tăng cường các hoạt động lấy học sinh làm trung tâm.

Về phía ngành GD Vĩnh Long, ông Trịnh Văn Ngoãn, nói: “Trước khó khăn về tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ, sở và các phòng GD-ĐT đã thực hiện điều chuyển hợp lý; xây dựng đề án bồi dưỡng GV thực hiện các môn tích hợp, môn mới. Làm tốt công tác xã hội hóa, tham mưu về việc phân bổ kịp thời kinh phí hỗ trợ phát triển GD. Phối hợp tốt với các ngành có liên quan tham mưu thực hiện tốt việc bố trí quỹ đất, giải quyết nhu cầu vốn đầu tư…”.

Hiện nay, các cơ sở GD còn băn khoăn về vật chất phục vụ chương trình mới chưa được bổ sung kịp thời. Do đó, các sở, ban, ngành liên quan nhanh chóng thực hiện công tác mua sắm thiết bị GD. Đồng thời, tự thân các cơ sở GD tận dụng triệt để thiết bị dạy học hiện có, huy động các nguồn lực cho mua sắm thiết bị dạy học.

Chương trình GDPT 2018 được xây dựng trên nền tảng Luật Giáo dục, đảm bảo tính liên thông giữa các cấp học và mức độ phân hóa, tích hợp cao ở các lớp cuối bậc THPT; nhất quán quan điểm một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa. Kết cấu chương trình và từng bài học, nhiều yếu tố hiện đại được đưa vào sách giáo khoa. Yếu tố nổi trội của sách giáo khoa mới là thiết kế nội dung bài học bằng các hoạt động, vừa đảm bảo cho GV thiết kế bài dạy, vừa giúp GV tổ chức dạy học bằng những hoạt động giữa thầy- trò, trò- trò, trò- sách giáo khoa, thiết bị dạy học… học sinh chủ động hơn, linh hoạt hơn trong học tập.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh