Điều gì đã tạo nên những thành tích đáng nể của ngôi trường xã, nơi cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng đã ươm những mầm non sáng tạo.
|
Tham gia nghiên cứu, sáng tạo nhưng các em học sinh vẫn duy trì thành tích học sinh giỏi. |
Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi đã có mặt tại Trường THCS Hiếu Phụng (huyện Vũng Liêm), khi 2 nhóm học sinh của trường này, cũng là đại diện Vĩnh Long dự thi quốc gia về khởi nghiệp và khoa học kỹ thuật vừa trở về.
Điều gì đã tạo nên những thành tích đáng nể của ngôi trường xã, nơi cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng đã ươm những mầm non sáng tạo.
Lan tỏa đam mê
Thầy Nguyễn Thế Anh- Hiệu trưởng Trường THCS Hiếu Phụng cho biết mỗi đầu năm học nhà trường sẽ phát động nghiên cứu khoa học (NCKH), sáng tạo trong toàn trường và đề xuất giáo viên hướng dẫn gợi ý các em triển khai ý tưởng.
Với những ý tưởng hiện có, trong tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần các em sẽ trình bày cho các bạn cùng nghe. Đây là cách rèn luyện cho các em kỹ năng nói trước đám đông và khơi dậy, lan tỏa đam mê đến các em học sinh khác.
Năm 2023, nhóm học sinh Nguyễn Thị Như An và Nguyễn Ngọc Ngân lớp 9/1 và 9/2 đã ghi tên mình vào lịch sử giáo dục tỉnh Vĩnh Long, vì lần đầu tiên có học sinh đạt giải cuộc thi ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Dự án “Hệ thống tự động phát hiện bệnh ở lúa” của hai em đã xuất sắc đạt giải ba trong cuộc thi. “Hệ thống phát hiện bệnh ở lúa” dùng camera thu thập hình ảnh, gửi dữ liệu giúp cho người nông dân phát hiện ra các bệnh để chữa trị sớm hơn và nhiều ứng dụng khác chăm sóc lúa. Đây cũng là dự án vào chung kết cuộc thi lập trình quốc tế do Quỹ Dariu tổ chức cuối năm 2022.
Trong khi đó, Dự án “Hệ thống nhận diện phân loại, xử lý rác thông minh đa năng” của nhóm học sinh Âu Bảo Trọng và Võ Nguyễn Phương Nguyên cùng học lớp 9/1 đã tự động hóa quá trình phân loại rác, giúp bảo vệ môi trường. Nhờ đó, ý thức học sinh được nâng cao trong việc phân loại và không vứt rác bừa bãi.
Nếu không có thầy cô ở trường tận tình hướng dẫn, những đêm cô trò trằn trọc bên sản phẩm đến 21-22 giờ,… sự ủng hộ của phụ huynh, nhà trường về vật chất lẫn tinh thần sẽ không có thành quả hôm nay. Thầy Thế Anh chia sẻ: “Hai cô hướng dẫn các em rất nhiều, có khi đến tận tối”.
Hai cô giáo Tin học Nguyễn Ngọc Thi và Nguyễn Lan Anh dù ai cũng có gia đình, con nhỏ nhưng luôn nhiệt tình hướng dẫn học trò, không quản ngại thời gian, công sức. Say sưa nói về học trò và ngôi trường mình, cô Ngọc Thi cười: “Chúng tôi thấy các em có ý tưởng thì hỗ trợ hết mình, tận tình. Trong quá trình đó chúng tôi cũng tự học hỏi thêm để hướng dẫn các em. Và có khi cô cũng học từ học trò, các em có những suy nghĩ mới và thông minh lắm”.
Cùng thắp sáng khát vọng trẻ
Đến các tỉnh miền Trung, miền Bắc hay tận Malaysia dự thi, bên cạnh những khác lạ về ngôn ngữ, chuyện xa gia đình thì kinh phí là khó khăn rất lớn với trường xã như Hiếu Phụng.
Âu Bảo Trọng và Võ Nguyễn Phương Nguyên với Dự án “Hệ thống nhận diện phân loại, xử lý rác thông minh đa năng” đạt giải nhất tỉnh và là một trong 2 nhóm học sinh Vĩnh Long tham gia cuộc thi NCKH kỹ thuật cho học sinh trung học toàn quốc, cũng vừa trở về từ Quảng Ninh.
Dù không được giải cao như các bạn vì vận chuyển mô hình ra đến địa điểm thi thì “vỡ mạch gần như toàn bộ”, nhưng với Trọng và Nguyên là những bài học quý giá. Nguyên chia sẻ: “Em học được cách bình tĩnh xử lý tình huống xấu, bình tĩnh để cứu vãn tốt nhất trong khả năng và ít nhất thì cũng phải thuyết trình tốt nhất có thể”.
Ngồi bên cạnh, Như An chia sẻ: “Đi máy bay ra nước ngoài, chúng em đã mang theo nhiều vật dụng như ốc vít để làm thiết bị và đặc biệt là cục pin phải bỏ lại Việt Nam và khi sang Malaysia không tìm mua được, đành phải nhìn sản phẩm như vật trưng bày mà thuyết trình.
“Nhiều bạn tự tin thuyết trình tiếng Anh, trong khi bản thân chúng em phải nhờ người phiên dịch đã làm giảm đi sự hấp dẫn của bài thuyết trình”- Ngọc Ngân nói. Đi một ngày đàng học một sàng khôn, những vấp ngã, khó khăn sẽ để lại cho các em những bài học hữu ích nhất để thành công hơn trong tương lai.
Ước mơ của tuổi trẻ là được góp sức mình cho quê hương, đất nước tươi đẹp hơn bằng hiện thực hóa ý tưởng. Chia sẻ về hướng phát triển của sản phẩm, 2 nhóm học sinh mong muốn dự án của mình thành sản phẩm được áp dụng rộng rãi để góp phần bảo vệ môi trường, giảm vất vả cho người nông dân…
|
Sự hướng dẫn tận tình của các cô là động lực cho trò cố gắng. |
Mô hình có thể sản xuất thành phẩm cho các trường phổ thông, khu công nghiệp từ đó hình thành ý thức cho học sinh trong việc phân loại rác, bảo vệ môi trường. Bảo nhẩm tính: “Mỗi sản phẩm nếu lắp máy tính riêng thì tiền đầu tư khoảng 7,5- 8 triệu đồng, hoàn thiện đủ các chi tiết khoảng 15 triệu đồng”.
Để đi đến những cuộc thi, học sinh, giáo viên, phụ huynh và nhà trường đã nỗ lực rất nhiều, vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất và về kinh phí khi mà các đề tài, dự án có khi lên đến vài chục triệu đồng.
Thiết nghĩ, cần có cơ chế chính sách cho giáo viên hướng dẫn học sinh NCKH sáng tạo. Đầu tư kịp thời, đầy đủ hơn cơ sở vật chất cho các trường phổ thông và có kinh phí hỗ trợ học sinh dự thi, nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng những gì các em đã học đi vào cuộc sống.
Thầy Nguyễn Thế Anh
Trong năm học 2021-2022 và học kỳ 1 năm học 2022-2023, chúng tôi ghi nhận 18 ý tưởng của học sinh, trong đó, có 3 ý tưởng đạt giải cấp tỉnh trở lên. Có nhiều ý tưởng rất hay nhưng phụ huynh khó khăn không thể cùng trường hỗ trợ và không thực hiện được. Kinh phí trường rất eo hẹp. Trong khi xin nguồn hỗ trợ rất khó khăn vì chưa có quy định, dự toán hỗ trợ học sinh những chương trình như vầy.
Cô Nguyễn Lan Anh
Kiến thức của giáo viên chúng tôi có hạn và tự học là chính. Do vậy, chúng tôi cần được bồi dưỡng tập huấn chuyên môn hơn về hướng dẫn học sinh nghiên cứu,
khơi nguồn cho các em sáng tạo.
Cô Nguyễn Ngọc Thi
Tôi mong có được
nhiều sự hỗ trợ hơn cho học sinh khi tham gia các hoạt động, hội thi NCKH, sáng tạo để các em tự tin hơn, vững vàng hơn và không bỏ dở ý tưởng của mình.
|
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin