Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Người "thổi luồng gió mới" cho giáo dục đại học Việt Nam

11:11, 23/11/2022

Chủ trương tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ, xây dựng các ĐH quốc gia đã được đặt ra nhưng nhiều năm không triển khai được. Chính Thủ tướng Võ Văn kiệt đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng ĐH quốc gia với những ý tưởng mới về một nền giáo dục ĐH tự chủ, tự chịu trách nhiệm. 

Cố vấn Võ Văn Kiệt thăm và làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội, ngày 12/11/1999.Ảnh: Internet
Cố vấn Võ Văn Kiệt thăm và làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội, ngày 12/11/1999.Ảnh: Internet
Chủ trương tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ, xây dựng các ĐH quốc gia đã được đặt ra nhưng nhiều năm không triển khai được. Chính Thủ tướng Võ Văn kiệt đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng ĐH quốc gia với những ý tưởng mới về một nền giáo dục ĐH tự chủ, tự chịu trách nhiệm. 
 
“Khoán 10” trong giáo dục ĐH
 
Ngày 12/7/1983, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị quyết số 7 về Công tác giáo dục trong những năm trước mắt. Trong đó, xác định ngành giáo dục ĐH thực hiện chủ trương “Kiên quyết sắp xếp lại mạng lưới các trường ĐH cho hợp lý, khắc phục tình trạng phân tán hiện nay”. Tuy nhiên, chủ trương đó đến 10 năm sau mới được thực hiện trong nhiệm kỳ Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
 
Theo cố GS.VS Nguyễn Văn Đạo - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, thì việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH có thể so sánh như một thứ “Khoán 10” trong giáo dục ĐH. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng, phù hợp với quy luật phát triển ĐH trên thế giới. Sự hoạt động có hiệu quả của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh là minh chứng. Các trường ĐH có quyền tự chủ, chủ động cao trong đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy.
 
Lần đầu tiên xuất hiện loại trường ĐH đa lĩnh vực có quyền tự chủ cao trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam. Tư tưởng đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục ĐH đã gặp không ít khó khăn với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. GS.VS Nguyễn Văn Đạo ghi: “Mặc dù vậy, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đưa ra những ý kiến quyết định vào các thời điểm khó khăn nhất đối với ĐH Quốc gia Hà Nội. Đồng chí trước sau như một vẫn kiên quyết chỉ đạo việc xây dựng ĐH Quốc gia Hà Nội theo tinh thần đổi mới đã đề ra và đã đạt được thành công to lớn”.
 
Tinh thần đổi mới trong quản lý giáo dục ĐH, theo hướng phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý cấp trên và xã hội của các trường ĐH. Từ đó, các trường ĐH có một cơ chế tự chủ, phát triển trong hướng đa ngành, đa lĩnh vực phát huy được năng lực sáng tạo của đội ngũ giảng viên và các nhà khoa học trong việc thực hiện đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục.
 
Ngày 10/12/1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Nghị định số 97/1993/CP thành lập ĐH Quốc gia Hà Nội. Ngày 27/1/1995 ký Nghị định số 16/1995/CP thành lập ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Đây được xem là hai “di sản” mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại cho giáo dục ĐH Việt Nam.
 
ĐH quốc gia lưu danh Thủ tướng 
 
Hồi ký của cố GS.VS Nguyễn Văn Đạo viết: “Trong con mắt và trái tim của chúng tôi, Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo xuất sắc, một Thủ tướng tiêu biểu cho tầm nhìn, trí tuệ và phong cách lãnh đạo mới.
 
Đó là một Thủ tướng biết khai thác trí tuệ của các chuyên gia, của tập thể, biết phân biệt đúng sai, phải trái trong muôn vàn ý kiến khác nhau để cuối cùng trở thành chủ trương đúng đắn của mình. Có chủ trương rồi, Thủ tướng đã thể hiện lòng dũng cảm, quyết tâm cao độ để thực hiện cho bằng được cái chủ trương đó,… và cuối cùng, tất cả những nỗ lực của Thủ tướng đã được thể hiện bằng hiệu quả của Việt Nam, đưa lại lợi ích cho dân, cho nước”.
 
GS.VS Nguyễn Văn Đạo không quên những lần gặp gỡ với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lần đầu tiên và rất nhiều lần sau nữa trong 10 năm, ấn tượng với Thủ tướng luôn luôn đúng giờ, dù bộn bề với công việc. “Được tiếp xúc với đồng chí, chúng tôi cảm thấy mình sáng hơn về nhận thức, cao hơn về quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và học hỏi được nhiều hơn về công tác lãnh đạo”- GS.VS Nguyễn Văn Đạo viết.
 
Cuối tháng 6/2022, đoàn công tác của ĐH Quốc gia Hà Nội đã đến thắp hương tại Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt (huyện Vũng Liêm). Trong quyển sổ ghi cảm tưởng, GS. TS Lê Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đã viết những lời như tâm sự: “Sau gần 30 năm ĐH Quốc gia Hà Nội đã chuyển trụ sở chính tới Khu đô thị Hòa Lạc, với khuôn viên hơn 1.100ha do Thủ tướng đích thân lựa chọn.
GS.TS Lê Quân tặng ảnh Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm ĐH Quốc gia Hà Nội cho Khu lưu niệm.
GS.TS Lê Quân tặng ảnh Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm ĐH Quốc gia Hà Nội cho Khu lưu niệm.
 
Tập thể nhà giáo, nhà khoa học và người lao động, học viên, sinh viên và học sinh ĐH Quốc gia Hà Nội kính nhớ cố Thủ tướng và hứa sẽ nỗ lực, sáng tạo xây dựng ĐH Quốc gia như mong chờ của Thủ tướng”. Và để ghi nhớ, trong khuôn viên trụ sở chính ở Hòa Lạc, ĐH Quốc gia Hà Nội đã trồng đồi cây tri ân Thủ tướng vào tháng 10/2021. “Thời gian tới, ĐH Quốc gia Hà Nội mong muốn có quảng trường và Học viện Chính sách mang tên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt tại ĐH Quốc gia”.
 
Cho đến ngày nay tinh thần đổi mới về giáo dục ĐH của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được thể hiện đầy đủ trong Luật Giáo dục ĐH, trong điều lệ trường ĐH và trong các nghị định của Chính phủ đối với giáo dục ĐH về tăng cường tính tự chủ trong giáo dục ĐH gắn tự chủ với việc chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động chất lượng giáo dục và đào tạo của người học. Đến nay, Việt Nam có trường ĐH vào “top” các trường ĐH tốt nhất trên thế giới và hai trường ĐH quốc gia Việt Nam luôn nằm trong “top” này. Xứng đáng với sự tin tưởng, chăm lo của Thủ tướng dành cho giáo dục.
 
ĐH Quốc gia Hà Nội đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trình độ và nằm trong “top” các trường tốt nhất thế giới.
ĐH Quốc gia Hà Nội đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trình độ và nằm trong “top” các trường tốt nhất thế giới.
“Tôi còn nhớ vào dịp dự đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi được đọc trong bản khai lý lịch của đồng chí dòng chữ: trình độ văn hóa: tiểu học. Tôi thừa hiểu rằng đây chỉ là điểm xuất phát của đồng chí cách đây 60 năm mà thôi. Cuộc đời của đồng chí là cuộc đời tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo. Các công trình nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế, phát triển xã hội, phát triển giáo dục của đồng chí trong thời gian qua nhiều người có bằng cấp, học vị cao vẫn chưa vươn tới được. Riêng cái sự khiêm tốn của đồng chí về học vấn, đó là một bài học lớn cho anh em khoa học chúng tôi, những người được học hành có hệ thống, có bài bản, đạt được nhiều bằng cấp, học vị cao, nhưng chưa đóng góp được bao nhiêu cho đất nước”- Trích Hồi ký GS.VS. Nguyễn Văn Đạo.
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh