Nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi người thầy không chỉ dạy kiến thức mà còn truyền thụ kỹ năng, nhân cách sống, dạy làm người. Người thầy đã góp phần quan trọng cho thành tựu của sự nghiệp giáo dục - đào tạo, thực hiện trọng trách lớn lao "đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài" cho quê hương đất nước.
Thầy cô luôn đồng hành giúp học trò thực hiện ước mơ. Trong ảnh: Cô trò Trường THPT Võ Văn Kiệt chia sẻ niềm vui khi lớp có thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. |
(VLO) Nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi người thầy không chỉ dạy kiến thức mà còn truyền thụ kỹ năng, nhân cách sống, dạy làm người. Người thầy đã góp phần quan trọng cho thành tựu của sự nghiệp giáo dục - đào tạo, thực hiện trọng trách lớn lao “đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho quê hương đất nước.
Những người thầy ưu tú
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Minh Thiện - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trà Ôn và THPT Vĩnh Xuân là “thầy của những người thầy ưu tú”. Thầy đã góp phần nâng cao chất lượng vùng sâu huyện Trà Ôn. Thầy Thiện nhớ những ngày mới ra trường- năm 1983, đời sống giáo viên còn rất khó khăn, có người ngoài giờ dạy phải chạy xe đạp ôm.
Vì thiếu giáo viên, ngoài giờ dạy ở TT Trà Ôn, thầy Thiện còn dạy học ở xã Hựu Thành. Thầy Thiện kể: “Đường sá chưa có, đi lại khó khăn nên những ngày đến Hựu Thành dạy, tôi phải ở lại đêm tại trường, ghép bàn học làm giường ngủ”.
Trường THCS - THPT Trà Ôn ngày ấy có đến 85 lớp, nhưng cơ sở vật chất khó khăn đến nỗi tấm bảng thời khóa biểu không có, thầy Thiện ghép những tấm thiếc nhỏ ghi tên giáo viên bộ môn trên từng tiết dạy với đủ màu sắc theo từng môn học.
Rồi năm học 2000 - 2001, Trường THPT Trà Ôn trở thành trường THPT đầu tiên trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia. Thầy Thiện được điều động về xã Vĩnh Xuân xây dựng trường THPT. “Trường học mới, phòng học cất tạm bằng tre lá vận động trong dân. Mỗi năm ít nhất cũng 2 lần... bị đổ sập vì mưa bão.
Trường THPT Vĩnh Xuân ngày ấy thường “đứng nhất” về diện học sinh nghèo”- thầy Thiện nhớ lại. Vượt qua mọi khó khăn, thầy Thiện xây dựng đội ngũ, nâng chất lượng giáo dục nhà trường và Trường THPT Vĩnh Xuân được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm 2017.
Thầy Thiện có nhiều học trò, hiện nay là cán bộ quản lý giáo dục, kế tục thầy trong sự nghiệp “trồng người”. Nhà giáo ưu tú Bạch Thái An - Hiệu trưởng Trường THCS Tích Thiện (Trà Ôn) chia sẻ: “Thầy Nguyễn Minh Thiện là người truyền cho chúng tôi ngọn lửa đam mê, thêm yêu nghề và yêu học trò.
Ngày tôi chuẩn bị nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thành - ngôi trường cù lao còn nhiều khó khăn; thầy Thiện nhắc tôi: Việc xây dựng đội ngũ phải làm trước nhất vì chỉ những người có tâm, có tài mới là nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng giáo dục”.
Thầy An đã đưa Trường THCS Phú Thành (Trà Ôn) đạt tập thể Lao động xuất sắc 3 năm liền. Và Trường THCS Tích Thiện hiện nay đang từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Thầy cô không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng mà còn dạy trò nên người từ những bước đầu tiên. |
Với Nhà giáo Ưu tú Hồ Thị Mỹ Phương - Trường TH Hòa Bình A (Trà Ôn), dù đã qua 20 năm vẫn không quên sự khó khăn ở vùng bưng sẫm Hòa Bình ngày ấy.
Cô Phương chia sẻ: “Học sinh mình nghèo, có em không có tập vở, quần áo để đi học, mà nghỉ học thì tương lai các em sẽ về đâu khi “đọc chữ còn chưa chạy”. Vậy là ngoài vận động mọi người hỗ trợ, cô Phương còn trích lương lo cho học trò đến trường.
Không ngừng học và sáng tạo
Nghề giáo là nghề cao quý nhưng vinh dự luôn đi liền trách nhiệm lớn lao và thầy cô phải không ngừng học tập, rèn luyện để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, sự đổi mới của chương trình.
Cô Nguyễn Thị Hoàng Yến luôn học hỏi, sáng tạo để cho học sinh những tiết dạy sinh động, dễ hiểu. |
Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đòi hỏi nhiều hơn sự vận dụng, sáng tạo của người thầy. Cô Nguyễn Thị Hoàng Yến - giáo viên Trường THCS Thanh Đức (Long Hồ), Nhà giáo tiêu biểu vừa được nhận bằng khen của Bộ GD- ĐT giai đoạn 1982 - 2022, cho rằng: “Nghề giáo là nghề đòi hỏi phải tự tìm tòi, học hỏi nếu không muốn bị tụt hậu”.
Ngày nay giáo viên được tiếp cận công nghệ nên có nhiều nguồn thông tin. Vấn đề là người dạy phải có phương pháp, phương tiện và ý chí để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Giám đốc Sở GD - ĐT Vĩnh Long Trương Thanh Nhuận mong rằng: Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở ban ngành cùng với chính quyền địa phương và các đơn vị sẽ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các thế hệ nhà giáo. Sự quan tâm đó sẽ là động lực để các thầy cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong toàn ngành tiếp tục đổi mới, kiên định vượt qua khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, say mê nghề nghiệp, thực sự là “tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”. |
Cô Yến ví dụ: “Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên phải biên soạn theo 4 kỹ năng đọc, viết, nói, nghe, đi từ thực tiễn đến vận dụng nhiều phương thức. Do đó, giáo viên phải biên soạn có hệ thống để tiếp cận phương pháp học mới và thu hút học sinh”.
Là nhà giáo tiêu biểu được khen tặng dịp này, cô Bùi Lê Xuân Trang - giáo viên Trường THPT Vĩnh Xuân cũng thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin vào các tiết dạy giúp học sinh hứng thú trong học tập, mau nhớ bài.
“Tôi tạo kho truyện vui, clip ngắn vui,… trong giờ dạy chiếu cho học sinh xem khi các em tập trung kém, mệt mỏi, nhất là tiết 4, 5 của buổi”- cô Trang chia sẻ.
Còn để dạy tốt hơn, cô Mỹ Phương đầu tư thiết bị, học cách làm các bài dạy trực tuyến… Bởi “nghề giáo là nghề sáng tạo không ngừng nghỉ để thích nghi với chương trình, với học sinh”.
Nhà giáo Ưu tú Ngô Đồng Tháp - giáo viên dạy Giáo dục thể chất, Trường THCS Vĩnh Xuân (Trà Ôn) cho biết: “Thể dục là môn phụ, nhưng đối với tôi đó là cả sự đam mê và tôi luôn đặt câu hỏi làm sao để học trò khỏe hơn, cao hơn và thông minh hơn qua những tiết dạy của mình”.
Trong thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19, học sinh không thể đến trường nhưng không dừng việc học, thầy Tháp cũng phải học cách để dạy “thể dục online”.
Nhìn lại chặng đường 40 năm, từ những khó khăn thiếu thốn bộn bề, trường lớp không đủ, giáo viên thiếu, lớp học tre lá tạm bợ,… thầy cô đã bám nghề bằng tình thương học trò, để rồi từ đó không ngừng tự học, sáng tạo vượt qua những khó khăn thử thách cùng nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà.
Năm 1982, tỉnh Vĩnh Long có 287 trường mầm non và phổ thông; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi huy động vào lớp còn thấp. Trình độ của hơn 8.500 cán bộ quản lý, giáo viên không đồng đều, đời sống giáo viên nhiều khó khăn. Đến nay, toàn tỉnh có 407 trường mầm non, phổ thông, trong đó có 254 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 61,65%. Toàn ngành có 15.100 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, đạt chuẩn đào tạo tỷ lệ 93,21%. Sau 40 năm, ngành giáo dục Vĩnh Long vinh dự có 1 Nhà giáo Nhân dân, 75 Nhà giáo Ưu tú và 642 giáo viên đạt danh hiệu “Viên phấn vàng”. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin