Không chỉ các trường ngoài công lập mà nhiều trường công lập cũng bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh, điều này giúp các thí sinh chưa trúng tuyển nguyện vọng 1 có thêm nhiều cơ hội.
Không chỉ các trường ngoài công lập mà nhiều trường công lập cũng bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh, điều này giúp các thí sinh chưa trúng tuyển nguyện vọng 1 có thêm nhiều cơ hội.
Năm nay, tuy được đăng ký nhiều nguyện vọng cùng lúc nhưng vẫn có những thí sinh chưa trúng tuyển, hoặc có trường hợp đăng ký sai mã trường, mã ngành khiến nhiều em nhận kết quả không như mong muốn. Việc xét tuyển bổ sung chính là cơ hội cho những thí sinh này.
Tuy nhiều trường tuyển bổ sung nhưng chỉ tiêu cũng như số lượng ngành xét tuyển không nhiều như đợt 1, vì vậy, thí sinh cần cân nhắc để lựa chọn sao cho phù hợp.
Thí sinh đến làm thủ tục nhập học đại học đợt 1 vừa qua (Ảnh: H.N) |
Trong đợt này, trường có chỉ tiêu tuyển sinh nhiều nhất có thể kể đến Đại học Hùng Vương (TP.HCM). Kết thúc thời gian tuyển đợt 1, trường chỉ tuyển được hơn 400 em và phải tuyển bổ sung hơn 1.600 chỉ tiêu với 11 ngành học. Tương tự, Đại học Công nghệ, Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM cũng thực hiện xét tuyển bổ sung cho tất cả các ngành đào tạo theo phương thức xét học bạ.
Tại Trường Đại học Gia Định, sau đợt 1 chỉ tuyển được 1.700 chỉ tiêu, chiếm khoảng 65% tổng chỉ tiêu đề ra. Do đó, trường xét tuyển bổ sung đến ngày 7/10 với gần 300 chỉ tiêu.
Ông Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Gia Định cho biết, năm nay do các thủ tục được thực hiện trực tuyến nên một số em chưa cập nhật thông tin đầy đủ, hoặc chưa đăng ký, có thí sinh gọi điện đến trường vì đăng ký sai nguyện vọng, chưa thanh toán tiền.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trúng tuyển, nhà trường đã hướng dẫn, hỗ trợ các em thực hiện đúng quy định của bộ.
Thí sinh nghe tư vấn tuyển sinh vào tháng 7/2022 |
"Các em không có nhiều cơ hội như đợt 1 nên phải chọn lọc thật kỹ, suy nghĩ chín chắn để chọn ngành học cho phù hợp. Nếu không trúng tuyển đợt 1 thì có thể kết nối ngành gần của trường mà mình yêu thích.
Sẽ có những cách để kết nối với những ngành học bằng cách tham gia câu lạc bộ, đăng ký thêm những chứng chỉ liên quan, tự tìm tòi học hỏi có thêm kiến thức để sau này ra trường có việc làm đúng sở thích và năng lực của mình" - thầy Chung nói.
Trong năm nay, một số trường đại học công lập phải tuyển bổ sung tại TP.HCM hoặc phân hiệu địa phương, trong đó có các ngành mới.
Cụ thể, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) xét tuyển bổ sung cho 8 ngành, như: Khoa học Vật liệu, Địa chất học, Hải dương học, Khoa học môi trường… Phương thức xét tuyển của trường là xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM (điểm từ 610-620) và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 từ 17 điểm.
Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng dành hơn 90 chỉ tiêu ở 6 ngành đào tạo do trường cấp bằng và hơn 900 chỉ tiêu ở 25 ngành có chương trình liên kết quốc tế; kết quả sẽ được công bố ngày 8/10.
Trường Đại học Sư phạm TP.HCM tuyển bổ sung 42 chỉ tiêu ngành sư phạm công nghệ bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Đây là ngành mới tuyển sinh năm nay nhằm đào tạo giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổng chỉ tiêu là 50 nhưng đợt 1 chỉ xét tuyển được 8 chỉ tiêu; trong đợt 2 đã nhận hơn 20 hồ sơ.
Theo ông Lê Phan Quốc - Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, có thể do nhiều thí sinh chưa hiểu rõ về ngành học này, cũng như vai trò của môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên không đăng ký xét tuyển.
"Em nào có quyết định thì phải tranh thủ và lưu ý là các em chỉ được xét và công nhận trúng tuyển khi các em không xác nhận nhập học ở các trường nào khác" - ông Quốc nhấn mạnh.
Các chuyên gia giáo dục lưu ý, theo quy định, điểm chuẩn trúng tuyển đợt 2 phải bằng hoặc cao hơn đợt 1 xét tuyển, vì thế ngoài việc tìm hiểu kỹ thông tin về chỉ tiêu, phương thức xét tuyển, thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn đợt 1 để đăng ký sao cho phù hợp./.
Theo Vũ Hường/VOV-TP.HCM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin