Việt Nam - Lào là hai nước láng giềng, có truyền thống đoàn kết hữu nghị và hợp tác đặc biệt từ lâu. Trong đó, sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục cũng có bề dày lịch sử. Trong suốt 60 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Lào, hàng ngàn con em của Lào đã sang Việt Nam học tập. Qua đó, nhiều người đã trở thành cán bộ cốt cán, giữ trọng trách trong hệ thống chính trị, cơ sở kinh tế Lào.
Cùng với cả nước, Vĩnh Long có mối quan hệ hữu nghị với nhiều địa phương, ban ngành ở Lào. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp đoàn Bộ Công nghệ - Truyền thông Lào. |
(VLO) Việt Nam - Lào là hai nước láng giềng, có truyền thống đoàn kết hữu nghị và hợp tác đặc biệt từ lâu. Trong đó, sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục cũng có bề dày lịch sử. Trong suốt 60 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Lào, hàng ngàn con em của Lào đã sang Việt Nam học tập. Qua đó, nhiều người đã trở thành cán bộ cốt cán, giữ trọng trách trong hệ thống chính trị, cơ sở kinh tế Lào.
Nhân 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Lào - Việt Nam (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt Nam (18/7/1977 - 18/7/2022), Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022; cùng với mối quan hệ ở những lĩnh vực khác, giáo dục hai nước đang nâng tầm cao mới, đào tạo có trọng tâm, trọng điểm và tinh hoa.
Kỳ 1: Bức tranh giáo dục Việt - Lào
Giáo dục là một lĩnh vực quan trọng trong sự hợp tác của hai đất nước Lào - Việt Nam. Từ năm 1958, Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng hệ thống giáo dục tại vùng giải phóng Lào. Cán bộ, học sinh Lào sang Việt Nam học tập và trở về xây dựng đất nước ở mọi lĩnh vực từ chính trị, hành chính, quốc phòng, an ninh, kinh tế, kỹ thuật, … Lào đã hỗ trợ cán bộ Việt Nam cán bộ sinh viên, đội ngũ chuyên gia Việt Nam về Lào.
Nhìn lại giai đoạn 2011 - 2021, bên cạnh những thành tựu đạt được còn có những khó khăn hạn chế trong công tác đào tạo lưu học sinh (LHS) Lào đã được hai bộ phụ trách giáo dục của hai nước phân tích để tìm giải pháp phù hợp.
14.000 LHS Lào tại Việt Nam mỗi năm
Phát biểu tại triển lãm và diễn đàn giáo dục Việt Nam - Lào ngày 29/9, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: “Lào - Việt Nam là hai nước láng giềng thân thiết, nhân dân hai nước có truyền thống quan hệ hữu nghị đặc biệt lâu đời.
Sự hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục của hai nước Việt - Lào luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của hai Đảng, hai Nhà nước.
Hàng năm, Chính phủ Việt Nam, các cơ sở giáo dục ĐH, các tỉnh/thành phố và các doanh nghiệp của Việt Nam dành rất nhiều chỉ tiêu học bổng cho công dân Lào”.
Có 24 thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam với Lào. |
Trao đổi về thực trạng đào tạo LHS Lào giai đoạn 2011 - 2021, ông Nguyễn Hải Thanh - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD - ĐT cho biết: “Trong giai đoạn này, Việt Nam đã tiếp nhận gần 30.000 LHS Lào các dạng hiệp định và ngoài hiệp định với cơ cấu ngành nghề và cấp bậc đào tạo khác nhau.
Trung bình LHS Lào tại Việt Nam luôn duy trì trên 14.000 người, đông nhất là năm 2019 với trên 16.600 LHS”.
Song song đó, trong giai đoạn 1982 - 2022, Chính phủ Lào cũng đã hỗ trợ đào tạo gần 5.000 cán bộ, sinh viên cho Việt Nam để xây dựng đội ngũ chuyên gia Việt Nam về Lào, qua đó góp phần vào sự phát triển quan hệ hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất.
Phát biểu tại diễn đàn ngày 29/9 tại Thủ đô Viêng Chăn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simmalavong cho rằng: Diễn đàn là cơ hội để các nhà quản lý giáo dục, các đơn vị giáo dục Lào - Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu cơ hội hợp tác hỗ trợ lẫn nhau. Tất cả vì mục đích là hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng giữa Lào - Việt Nam đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước, góp phần phát huy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam. |
Số lượng LHS Lào sang học tập tại Việt Nam ngày càng tăng, đăng ký theo học tại tất cả các ngành có thế mạnh và học tập tại hầu hết các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam.
Tỉnh Vĩnh Long cũng như nhiều địa phương khác, có LHS Lào sang học tại các trường CĐ, ĐH theo dạng hiệp định và ngoài hiệp định. Hàng trăm LHS Lào đã tốt nghiệp, về nước làm việc. Bên cạnh học tập, LHS còn được chăm lo về đời sống vật chất tinh thần khi ở Việt Nam.
Trường ĐH Cửu Long thường xuyên tổ chức các chuyến đi tham quan, hoạt động văn nghệ, giao lưu văn hóa; tổ chức kỷ niệm những ngày lễ, tết theo phong tục của Lào. Hàng năm, vào dịp Tết cổ truyền Bunbimây của Lào, Tết Việt Nam, Trường ĐH Cửu Long luôn tổ chức các hoạt động cho LHS tham gia.
Cựu học viên cao học ngành Quản trị kinh doanh - Phoumeephonh Voudthichanthadeth hiện đang làm việc tại Bộ Công nghệ - Truyền thông Lào cho biết: “Tôi là cán bộ được cho đi học ở Trường ĐH Cửu Long, học được cho học bổng. Kiến thức mà tôi học được đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều khi trở về nước.
Ngoài ra, tôi còn học được văn hóa, món ăn mới lạ, hấp dẫn ở Việt Nam. Mỗi dịp Tết dân tộc Lào được trường tổ chức chơi cùng các bạn, được lì xì Tết Việt Nam”.
ĐH Đà Nẵng là một trong những cơ sở giáo dục tham gia đào tạo LHS Lào với số lượng khá lớn. Trong giai đoạn 2011 - 2021 đã đào tạo hơn 2.500 LHS Lào.
PGS.TS Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: “ĐH Đà Nẵng và các đơn vị thành viên luôn dành nhiều sự quan tâm hỗ trợ cho LHS được học tập, rèn luyện trong điều kiện tốt nhất”.
Hợp tác cụ thể, thích hợp
Trong quá trình phát triển của hai nước, ở những thời điểm khác nhau, Chính phủ hai nước đều có những chiến lược cụ thể về hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.
Nếu như giai đoạn trước năm 2000 phía Việt Nam tập trung đào tạo cho Lào nhiều ở bậc THPT thì giai đoạn từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã tăng cường đào tạo cho Lào cán bộ hệ ĐH và sau ĐH với quy mô ngành nghề, hình thức, đối tượng đào tạo đa dạng.
Học sinh Lào tham gia triển lãm giáo dục ĐH Việt Nam tại Thủ đô Viêng Chăn. |
Giai đoạn 2011 - 2021, phía Lào tập trung gửi sang Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực dân sự diện hiệp định cho khối kỹ thuật công nghệ, sư phạm, kinh tế đây cũng là những ngành mà số LHS học sau ĐH tương đối cao.
Điển hình như, ngành sư phạm có tỷ lệ LHS học sau ĐH là 51,2%, lý do là giai đoạn này phía Lào tập trung nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc nâng chuẩn trình độ giáo viên, giảng viên.
Bên cạnh đó, các ngành khoa học kỹ thuật tiên tiến như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, khoa học trái đất, công nghệ hóa học, kỹ thuật xây dựng cũng được gửi sang Việt Nam đào tạo nhiều chỉ tiêu.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hải Thanh, công tác tuyển chọn đầu vào ở một số cơ sở giáo dục của Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về tiêu chí, quy trình, quy chế tuyển sinh đối với LHS Lào, do đó đã tiếp nhận cả các em chưa đủ khả năng theo học.
Bên cạnh đó, nhiều LHS không được học tiếng Việt trước khi sang Việt Nam, do đó không đủ trình độ tiếng Việt khi vào học chuyên ngành.
Nhận định giai đoạn này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng: “Do sự tăng trưởng nhanh về số lượng LHS Lào diện ngoài hiệp định, cũng như các cơ sở giáo dục ĐH tham gia vào công tác đào tạo LHS Lào, công tác quản lý, đào tạo trong giai đoạn đầu chưa phát triển kịp với tình hình.
Do đó, chất lượng đào tạo LHS diện ngoài hiệp định giai đoạn từ 2016 trở về trước đã phát sinh một số bất cập. Tuy nhiên với sự phối hợp chặt chẽ của hai bộ giáo dục, trong những năm gần đây công tác quản lý, tiếp nhận, đào tạo LHS Lào diện ngoài hiệp định đã đạt được nhiều kết quả tích cực”.
Tin rằng, với sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, sẽ có nhiều giải pháp hay hơn nữa để nâng cao chất lượng trong hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào.
Hiện có khoảng 14.000 LHS Lào đang học tập ở Việt Nam tại gần 160 cơ sở giáo dục, trong tất cả các chuyên ngành mà Việt Nam có thể đào tạo với các chương trình đào tạo đa dạng như học ngắn hạn, học tiếng, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ, thực tập chuyên ngành... Bên cạnh các khóa đào tạo dài hạn, trong giai đoạn 2011 - 2020 ngành giáo dục Việt Nam đã đào tạo, bồi dưỡng cho gần 1.200 cán bộ, giáo viên, sinh viên Lào. |
Kỳ 2: Trường ĐH Cửu Long góp sức giao lưu văn hóa giáo dục Việt - Lào
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin