Những "nữ tướng" Trường Vĩnh Xuân

Cập nhật, 05:48, Thứ Tư, 20/10/2021 (GMT+7)

(VLO) Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn) là trường vùng sâu nhưng đã ghi dấu ấn của mình bằng thành tích thi tốt nghiệp THPT; đặc biệt, ở các môn xã hội luôn đạt các giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Góp phần cho những mốc son đó, là những cô giáo luôn cống hiến, sáng tạo không ngừng.

Cô Bùi Thị Mỹ Lệ.
Cô Bùi Thị Mỹ Lệ.

Cô Bùi Thị Mỹ Lệ- khơi dậy sự tích cực của học sinh

Cô Mỹ Lệ là giáo viên môn Lịch sử, Tổ phó Tổ Sử- Địa, đã gắn bó với nghề 21 năm và là một trong những người xây dựng “nền móng” khối môn xã hội cho học sinh Trường THPT Vĩnh Xuân.

Nhiều năm liền, ngôi trường vùng sâu này đều có học sinh giỏi các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.

Cô Mỹ Lệ cho rằng, phương pháp dạy học hữu hiệu nhất là khơi dậy sự chủ động, tích cực của học sinh và phải phù hợp, linh động với từng học sinh.

Cô Mỹ Lệ luôn ý thức được việc đổi mới phương pháp giảng dạy, tìm tòi, học hỏi, trao đổi chuyên môn qua các buổi dự giờ thao giảng, hội giảng, thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Kết quả, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua trên 75,6% học sinh của trường có điểm môn Lịch sử trên 5, cao hơn tỷ lệ của tỉnh 18%.

Cô Lệ đặc biệt quan tâm việc phân loại học sinh trong từng lớp để có phương pháp và yêu cầu phù hợp: “Đối với học sinh giỏi- khá thì mở rộng và đào sâu kiến thức, rèn kỹ năng vận dụng cao.

Đặc biệt quan tâm học sinh yếu- kém”. Phân nhóm học tập, đôi bạn cùng tiến, giao nhiệm vụ vừa sức… khen ngợi động viên kịp thời; tạo niềm tin cho các em trung bình, yếu, các em học giáo dục thường xuyên.

Cô Lệ nói thêm: “Hệ thống kiến thức cực ngắn, tập trung giải bài tập ở mức độ nhận biết, thông hiểu cho học sinh để các em học trung bình không ngán khi học môn Lịch sử”.

Cô Bùi Lê Xuân Trang và học trò lớp chủ nhiệm năm 2020.
Cô Bùi Lê Xuân Trang và học trò lớp chủ nhiệm năm 2020.

Cô Bùi Lê Xuân Trang- đổi mới phải phù hợp

Cô Xuân Trang có 16 năm dạy môn Vật lý, cô không những vững về chuyên môn mà còn “mát tay” trong công tác chủ nhiệm lớp.

Cô Trang cho biết: “Ban Giám Hiệu nhà trường truyền lửa đam mê, khuyến khích và tạo điều kiện cho từng giáo viên thực hiện nhiệm vụ một cách đổi mới và sáng tạo. Sự đổi mới và sáng tạo của tôi đều hướng đến mục tiêu phù hợp với đối tượng và nhiệm vụ, giúp cho mỗi nhiệm vụ đạt kết quả cao nhất”.

Trong công tác chủ nhiệm, thông qua các hoạt động ngoại khóa: thi vẽ, văn nghệ, tọa đàm về văn hóa học đường… mà phát hiện tài năng, năng khiếu và sở trường của từng em.

Từ đó, cô Trang tổ chức các hoạt động phù hợp, chọn hạt nhân tham gia phong trào sao cho phát huy hết tài năng của các em và đạt kết quả cao nhất.

Cô Trang quan niệm: “Một giáo viên dù có sáng tạo đến đâu cũng không bằng một tập thể lớp hơn 30 em học sinh trẻ, năng động, tài năng. Trước mỗi hoạt động phong trào, tôi tạo điều kiện cho cả lớp nêu ý tưởng, sau đó cả lớp chọn ý tưởng khả thi, rồi hoàn thiện và thực hiện”.

Kết quả, lớp chủ nhiệm của cô Trang ngoài giải đặc biệt cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” toàn quốc năm 2020, còn có học sinh giỏi cấp quốc gia và nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh cùng nhiều giải thưởng phong trào khác.

Trong công tác chuyên môn, cô Trang luôn ứng dụng công nghệ thông tin vào các tiết dạy giúp học sinh hứng thú trong học tập, mau nhớ bài học. “Tôi tạo kho truyện vui, clip ngắn vui,… trong giờ dạy chiếu cho học sinh xem khi các em tập trung kém, mệt mỏi, nhất là tiết 4, 5 của buổi”- cô Trang chia sẻ.

Cô Võ Thị Thủy trong giờ ôn tập môn Lịch sử (tháng 5/2021).
Cô Võ Thị Thủy trong giờ ôn tập môn Lịch sử (tháng 5/2021).

Cô Võ Thị Thủy- dạy học Lịch sử theo sơ đồ

Cô Thủy là giáo viên có kinh nghiệm ôn tập môn Lịch sử cho học sinh không chỉ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mà còn ở các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Kinh nghiệm giảng dạy của cô Thủy là phân loại đối tượng, xác định tinh thần, thái độ và sự hứng thú học tập của học sinh đối với bộ môn Lịch sử. Từ đó, soạn bài giảng và có cách giảng dạy phù hợp.

Cô Thủy đầu tư sâu cho việc soạn tài liệu ôn luyện “đủ mạnh”, chất lượng theo chuyên đề, giai đoạn, bao quát toàn bộ chương trình. “Mục tiêu của tôi là rèn luyện cho học sinh tự thiết kế, tự học, nắm chắc kiến thức dạng sơ đồ, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh trong thiết kế sơ đồ.

Trong đó, chú trọng hướng dẫn học sinh kỹ năng tự học theo chuyên đề, theo từng giai đoạn”- cô Thủy cho biết. Đặc biệt, trong quá trình ôn luyện, cô Thủy luôn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin.

Nhờ đó, kết quả là tỷ lệ học sinh đạt điểm trên trung bình môn Lịch sử hơn 78,4%, trong khi tỷ lệ này toàn tỉnh là 58,85%.

Chia sẻ kinh nghiệm, cô Thủy cho biết luôn phân tích cẩn thận để xây dựng ma trận trong quá trình ôn tập, xác định nội dung từng câu hỏi liên quan đến đơn vị kiến thức, trên cơ sở đó xây dựng đề cương ôn tập, từ đó hướng dẫn và định hướng cho học sinh.

Trong số 18 giáo viên được Sở GD- ĐT Vĩnh Long đề nghị Bộ GD- ĐT tặng bằng khen về “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2020- 2021, thì Trường THPT Vĩnh Xuân có đến 6 giáo viên, trong đó, có 3 giáo viên nữ là cô Bùi Thị Mỹ Lệ, Bùi Lê Xuân Trang và Võ Thị Thủy.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN