Thấu hiểu, sẻ chia những khó khăn của học sinh nghèo, cận nghèo, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tỉnh Vĩnh Long đã có những sự hỗ trợ, vận động các nguồn xã hội hóa cho các em yên tâm bước vào năm học mới 2021- 2022.
Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm (giữa) chuyển trao sách giáo khoa và dụng cụ học tập cho các địa phương. |
Thấu hiểu, sẻ chia những khó khăn của học sinh nghèo, cận nghèo, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tỉnh Vĩnh Long đã có những sự hỗ trợ, vận động các nguồn xã hội hóa cho các em yên tâm bước vào năm học mới 2021- 2022.
Tặng sách cho học sinh vùng sâu
Là ấp vùng sâu khó khăn, hàng năm các em học sinh ấp Cần Thay (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) đã khó lại càng khó khăn hơn bởi ảnh hưởng dịch COVID- 19 trong năm học này. Đến Cần Thay vào ngày ấp vừa được gỡ phong tỏa sau khi có 6 ca F0 trong cộng đồng, băng qua những con đường đất lầy lội để vào tận nhà học sinh, đoàn chúng tôi do Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh dẫn đầu đến tặng sách giáo khoa và dụng cụ học tập cho các em.
Trong đợt trao quà cho học sinh nghèo, cận nghèo bị ảnh hưởng dịch COVID- 19 này, Trà Ôn là huyện có nhiều học sinh ảnh hưởng nhất, 664 em. Trong đó, chỉ tính riêng ấp Cần Thay đã có 284 em. Đây là ấp thuộc diện khó khăn của xã Tân Mỹ với 61 hộ nghèo, 161 hộ cận nghèo, chiếm khoảng 52% trên tổng số hộ dân của ấp.
Sách đến với học sinh nghèo, cận nghèo ở ấp Cần Thay. |
Em Thạch Trọng Phúc (sinh năm 2012) cười toe toét khi nghe nói được tặng sách giáo khoa và nhanh chóng tìm khẩu trang đeo vào khi nghe “có các cô chú đến tặng”. Gia đình Phúc thuộc hộ nghèo, nhà em nằm trong vùng phong tỏa do dịch COVID-19, đời sống càng khó khăn. Phúc cho hay: “Con và em con là Phúc Trọng chưa có sách vở, viết thước gì cho năm học mới hết. Con muốn đi học lắm rồi”.
Em Thạch Thị Minh Thư (sinh năm 2013) chuẩn bị vào lớp 3 thì không rời mắt khỏi bộ sách mới tinh mà “mẹ con nói không biết sao mà mua được đây, con cảm ơn cô chú rất nhiều”.
Không chỉ có sách giáo khoa hoặc dụng cụ học tập, mỗi em còn được nhận 200.000đ từ Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh. Số tiền không nhiều nhưng đối với gia đình các em vô cùng ý nghĩa, để năm học mới của con em đầy đủ, trọn vẹn hơn.
Chăm lo cho học sinh trong và sau dịch
Cùng với lãnh đạo tỉnh, các ban ngành, địa phương đang tích cực vận động và hỗ trợ cho các em học sinh bước vào năm học mới. Tại mỗi điểm trao quà, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh thăm hỏi tình hình chăm lo cho học sinh, trẻ em bị ảnh hưởng dịch COVID- 19 trên địa bàn huyện, nhắc nhở địa phương quan tâm, hỗ trợ các em trong và sau dịch để các em và gia đình ổn định cuộc sống yên tâm bước vào năm học mới.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nói: “Ấm áp bởi sự quan tâm của các đơn vị dành cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19. Những hỗ trợ về vật chất và tinh thần dù là lớn hay nhỏ cũng đều có ý nghĩa và rất đáng trân trọng; xuất phát từ tình yêu thương, trách nhiệm, sự chia sẻ và đồng cảm với khó khăn, vất vả của cộng đồng, với những hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh”.
Chúng tôi đến khu cách ly ở huyện Tam Bình- địa phương dẫn đầu tỉnh về số ca mắc COVID- 19 đến thời điểm cuối tháng 8. Ông Trần Công Khánh- Phó Chủ tịch UBND huyện- cho biết, huyện có 180 học sinh thuộc diện F0, F1, trong đó nhiều em hoàn cảnh rất đặc biệt.
“Một em sống cùng mẹ và ông bà ngoại. Mẹ và bà ngoại mất vì mắc COVID-19 nên em đi cách ly và sống cùng ông ngoại. Hai ông cháu nương tựa nhau”- ông Trần Công Khánh cho hay. “Huyện Tam Bình cũng đang tích cực vận động và chỉ đạo từ ấp, xã,… quan tâm chăm sóc các em học sinh, đặc biệt các em nghèo cận nghèo, các em bị ảnh hưởng dịch bệnh với mục tiêu không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”- ông Khánh nói thêm.
Những phần quà góp phần động viên các em bước vào năm học mới. |
Ngay sau khi được báo cáo tình hình khó khăn của học sinh ở địa phương, đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- chỉ đạo các sở ngành và vận động các công ty hỗ trợ khẩu trang vải kháng khuẩn, tập cho tất cả học sinh nghèo, cận nghèo, khó khăn trong tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy lưu ý địa phương cần làm tốt công tác vận động và hỗ trợ kịp thời để tất cả trẻ em đến tuổi đều được đi học.
Giáo viên của địa phương đang ở tỉnh khác thì trở về trường đăng ký tổ chức cách ly theo quy định để chuẩn bị năm học mới. Tùy điều kiện mà tổ chức khai giảng và thực hiện nhiệm vụ năm học mới phù hợp thực tế. Nơi nào chưa an toàn có thể dạy trực tuyến. Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 khi cho học sinh trở lại trường. Đồng thời phải phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường trong việc quản lý, đưa đón học sinh, đảm bảo an toàn sức khỏe không để dịch bệnh xâm nhập vào trường học.
Bà Trương Thanh Nhuận- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Vĩnh Long Theo thống kê của ngành giáo dục, có gần 2.400 học sinh thuộc diện hộ nghèo và gần 6.500 học sinh thuộc diện hộ cận nghèo và hộ khó khăn. Hiện nay, ngành cũng như Tỉnh ủy và UBND tỉnh, đặc biệt là Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam của tỉnh cũng đã có sự hỗ trợ giúp các em phần nào trong năm học mới này. Thời gian tới, các cơ sở giáo dục tiếp tục rà soát học sinh khó khăn và vận động mạnh thường quân để tiếp tục hỗ trợ cho các em. Để đảm bảo không có học sinh bỏ lại phía sau, không có học sinh không thể học vì hoàn cảnh khó khăn”. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin