Ngành công nghệ thông tin, chưa bao giờ hết "hot"

02:04, 15/04/2020

Nếu như nhiều học sinh băn khoăn ngành A, ngành B,… có đáp ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì không cần lo lắng khi chọn học nhóm ngành công nghệ thông tin (CNTT). Khối ngành này chưa bao giờ hết "hot" nhưng không phải ai cũng học được.

Nếu như nhiều học sinh băn khoăn ngành A, ngành B,… có đáp ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì không cần lo lắng khi chọn học nhóm ngành công nghệ thông tin (CNTT). Khối ngành này chưa bao giờ hết “hot” nhưng không phải ai cũng học được.

Ngành công nghệ thông tin cần đam mê để học và làm việc tốt.
Ngành công nghệ thông tin cần đam mê để học và làm việc tốt.

Đa dạng chuyên ngành

Hiện nay có rất nhiều trường đào tạo khối ngành CNTT với nhiều chuyên ngành khác nhau, học sinh cần tìm hiểu kỹ để chọn lựa phù hợp. Chuyên ngành CNTT đào tạo kỹ sư có kỹ năng và kiến thức để đảm nhận vị trí nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT.

Sinh viên ngành này sẽ được trang bị những kiến thức nền tảng về cơ sở lý thuyết, toán và khoa học được sử dụng trong lĩnh vực CNTT, kiến thức chuyên sâu và các giải pháp về sản phẩm CNTT đương đại. TS. Ngô Bá Hùng- Phó trưởng Khoa CNTT và Truyền thông (ĐH Cần Thơ)- cho biết: “Trường ĐH Cần Thơ đào tạo 5 ngành trong nhóm ngành CNTT, xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia”.

TS. Trần Nguyễn Minh Thư- Trưởng Bộ môn Khoa học máy tính (ĐH Cần Thơ) cho biết: “Khoa học máy tính là ngành học dành cho các bạn đam mê nghiên cứu chuyên sâu về CNTT, khả năng tính toán của hệ thống máy tính, trí thông minh nhân tạo, học máy, đồ họa và thị giác máy tính,… rất phù hợp các nhu cầu về nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0”.

Trong khi đó, ngành hệ thống thông tin đào tạo kỹ sư có khả năng quản trị, phân tích, thiết kế và xây dựng các hệ thống thông tin cho các tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như giáo dục, hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp. Khi học ngành này, sinh viên được học về giải pháp CNTT phục vụ tin học hóa quản lý; nền tảng CNTT; đảm bảo an toàn hệ thống thông tin, mạng máy tính; lập trình ứng dụng, lập trình Web, kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về quy trình, kỹ thuật xây dựng và phát triển một hệ thống thông tin, cách thức sử dụng, quản trị các hệ quản trị cơ sở dữ liệu cũng như kỹ năng về tích hợp hệ thống.

Ngành kỹ thuật phần mềm đào tạo sinh viên có kiến thức và kỹ năng chuyên môn để phát triển các hệ thống phần mềm; có thể đảm nhận vị trí nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ phần mềm; có khả năng học tập suốt đời và khả năng làm việc trong lĩnh vực phần mềm trong và ngoài nước.

Ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu là một ngành nghiên cứu những nguyên lý kết nối các máy tính thành mạng; cách thiết kế, xây dựng một hệ thống mạng từ mạng nội bộ cho đến mạng diện rộng có kết nối toàn cầu; sự trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các thành phần trên mạng; phát triển ứng dụng mạng, ứng dụng Web, xử lý dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao.

Nói về ngành an toàn thông tin mạng, TS. Phan Anh Cang- Trưởng Khoa CNTT (ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long) cho biết: “An toàn thông tin tập trung kiến thức về giải pháp bảo mật an toàn thông tin trên các hệ thống thông tin, mạng máy tính. Phát hiện các lỗ hổng và sự cố bảo mật trên hệ thống”.

Dở Toán có nên học CNTT?

Đặt câu hỏi trong buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến của ĐH Cần Thơ, em Thu Nguyễn hỏi: “Em muốn học CNTT nhưng không học tốt môn Toán có được không? Em cũng thích thiết kế thông minh thì em nên chọn chuyên ngành nào?”

TS. Trần Nguyễn Minh Thư cho rằng: “Các ngành thuộc nhóm ngành CNTT đều được đào tạo lại môn Toán, nếu học không tốt em phải cố gắng nhiều hơn. Nếu em thích những thiết kế thông minh thì học ngành khoa học máy tính”.

Em Lê Thông hỏi: “CNTT chất lượng cao là sao ạ?” TS. Ngô Bá Hùng cho biết: “Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm, đối với ĐH Cần Thơ, ngành này có 2 điểm nhấn nổi bật. Một là, trang bị tiếng Anh cho các em để đủ trình độ học bằng tiếng Anh. Điều này giúp các em làm việc công ty lớn, đa quốc gia. Thứ hai, các em được tăng cường hỗ trợ nghiên cứu khoa học, được tham gia vào các dự án tự đề xuất hoặc một phần trong các dự án hợp tác doanh nghiệp giúp các em có kinh nghiệm thực tế, đây là một trong những đòi hỏi của doanh nghiệp”.

Vị trí việc làm của khối ngành CNTT rất đa dạng và hầu như có mặt ở tất cả công ty, doanh nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên học nhóm ngành CNTT có thể là nhà tư vấn, giám sát, nhà lãnh đạo lĩnh vực CNTT cho các tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân; lập trình viên, kỹ thuật viên, quản trị viên hệ thống CNTT cho các tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân; cán bộ nghiên cứu, phân tích trong lĩnh vực CNTT tại các viện nghiên cứu hay các trường ĐH; giảng viên giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp, THPT; các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn có sử dụng CNTT;…

Tại ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, tỷ lệ sinh viên ngành CNTT ra trường có việc làm ngay khoảng 90%. Chia sẻ băn khoăn của nhiều học sinh: “Em chưa biết gì về CNTT thì có thể học tốt ngành này không?”

TS. Phan Anh Cang cho rằng: “Một học sinh không biết gì về CNTT hoàn toàn có thể học tốt ngành này khi bước vào trường ĐH. Các em cần có đam mê và sở thích tin học, điều kiện cơ bản là các em học tốt và đam mê các môn Toán, Anh văn, Lý, Hóa, Tin học. Hiện nay, sinh viên ngành CNTT đi thực tập cũng được tạo điều kiện rất tốt. Nhiều doanh nghiệp liên hệ nhờ giới thiệu sinh viên để tuyển dụng nhưng trường không đủ sinh viên để giới thiệu”.

Ngành CNTT có đường ra rộng và nhiều cơ hội việc làm, tuy nhiên ngành này cũng đòi hỏi người học phải thực sự yêu thích và có nền tảng học tốt các môn tự nhiên.

Điểm chuẩn của khối ngành này năm 2019 là 15- 19,75. Điểm chuẩn của ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long từ 15- 22 điểm. Điểm chuẩn ĐH Cửu Long năm 2019 là 14. Ngoài các trường này, còn nhiều trường có đào tạo nhóm ngành CNTT.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh